Tích cực thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án

Bảo Nam| 12/09/2018 13:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong thời gian qua, TANDTC đã chỉ đạo, quán triệt nhằm thực hiện đúng các hướng dẫn về mẫu bản án, quyết định; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Thẩm phán đối với chất lượng của bản án, quyết định được ban hành.

Viết cái gì và viết như thế nào?

Bản án là văn bản tố tụng của Tòa án thể hiện thông tin về nội dung vụ án, pháp luật áp dụng, kết luận và quyết định của Tòa án về các vấn đề cần giải quyết trong một vụ án cụ thể. Bản án là sản phẩm thể hiện kết quả toàn bộ hoạt động tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Các thông tin thể hiện trong bản án phải đảm bảo tính chính xác; các lập luận, kết luận và các quyết định của Tòa án (Hội đồng xét xử) về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án phải cụ thể, chặt chẽ, lô- gic, có đầy đủ cơ sở thực tiễn và pháp luật.

Để bảo đảm chất lượng của bản án, trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng, yêu cầu đối với bản án là đảm bảo về mặt hình thức, bố cục, nội dung và văn phong; mỗi bản án có đặc thù riêng do phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm của từng loại vụ việc.

Đánh giá về việc viết bản án, các chuyên gia cho rằng, khi soạn thảo bản án có hai vấn đề cơ bản được đặt ra, đó là viết cái gì và viết như thế nào. Nói đến viết cái gì là nói đến nội dung của bản án, bao gồm những thông tin cơ bản cần được thể hiện. Do là một văn bản tố tụng nên bản án của Tòa án (bao gồm bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm) phải có hình thức, bố cục, các nội dung cần thể hiện theo đúng quy định của pháp luật tố tụng và các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

Tích cực thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án

Thẩm phán TANDTC Lê Văn Minh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tập huấn viết bản án cho Thẩm phán, Thẩm tra viên TAND các cấp

Viết như thế nào là nói đến văn phong bản án, cách thức thể hiện các thông tin, lời văn viết nên bản án; mỗi loại văn bản có yêu cầu về cách thể hiện thông tin khác nhau thông qua việc sử dụng từ ngữ, cách đặt câu và cách lập luận, hành văn trong mỗi loại văn bản. Do bản án là văn bản tố tụng pháp lý, nên văn phong phải mang tính chất pháp lý với các đặc trưng và yêu cầu cụ thể. Là một văn bản chính thức của Nhà nước nên bản án phải có tính khoa học, được viết ngắn gọn, đủ ý, rõ ràng, dễ hiểu, trang trọng, lịch sự về văn phong; đúng mẫu và quy định của pháp luật tố tụng về thể thức cũng như bố cục trình bày. Bản án phải lập luận chặt chẽ, logic về nội dung trên cơ sở có đủ lượng thông tin thực tế, thông tin quy phạm và những thông tin đó phải được xử lý bảo đảm chính xác. Mặc dù bản án phải bảo đảm tối đa tính phổ cập nhưng phải toát lên tính nghiêm túc, chặt chẽ và khoa học của bản án; tuyệt đối không sử dụng ngôn ngữ hoặc văn nói trong bản án.

Bản án phải được viết chính xác, cụ thể, đơn nghĩa, thống nhất, đúng thuật ngữ pháp lý về mặt ngôn từ; rõ ràng, ngắn gọn, mạch lạc về cấu trúc câu, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính khả thi trong việc thi hành bản án, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Ngôn ngữ, câu từ sử dụng trong bản án phải thể hiện chính xác nội dung các kết luận và quyết định của Tòa án theo đúng các thuật ngữ pháp lý, phù hợp với quan hệ pháp luật, đối tượng, tình huống pháp lý được đề cập.

Bản án không phải là sản phẩm của cá nhân mà là của Nhà nước, do đó, người viết bản án không được thể hiện thái độ, tình cảm và quan điểm cá nhân trong bản án; từ ngữ, lời văn trong bản án phải thể hiện sự tôn trọng đối với các đối tượng được đề cập. Là một văn bản tố tụng pháp lý, trong đó thể hiện vai trò của Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, là “trọng tài” phân xử tính “đúng, sai” giữa các bên trong vụ án nên bản án của Tòa án phải bảo đảm tính khách quan, công bằng, không thiên vị; phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Thẩm phán

Trong thời gian qua, TANDTC đã thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án. Đó là việc xây dựng Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/1/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự và Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP ngày 13/1/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng hành chính; Công văn số 155/TANDTC-PC về việc áp dụng thống nhất về thể thức và kỹ thuật trình bày các văn bản tố tụng.

Tích cực thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án

Hội nghị trực tuyến tập huấn viết bản án tại điểm cầu Hà Nội

Từ ngày 1/7/2017, các bản án, quyết định của TAND các cấp theo quy định tại Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Để thực hiện có hiệu quả quy định trên, TANDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn viết bản án cho Thẩm phán, Thẩm tra viên TAND các cấp tại gần 800 điểm cầu. Hội nghị tập huấn là cơ hội để các Thẩm phán, Thẩm tra viên trong toàn quốc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc viết bản án nhằm hạn chế khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, theo TANDTC, hiện nay còn không ít những bản án viết cẩu thả, không thống nhất theo mẫu hướng dẫn, không phản ánh hết các hoạt động tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án cũng như kết quả tranh tụng. Một số bản án còn sai sót về văn phong, chính tả, nhận định không sâu sắc, lập luận thiếu chặt chẽ, thậm chí có bản án giữa phần nhận định và phần quyết định còn mâu thuẫn với nhau.

Tích cực thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án

Hội nghị trực tuyến tập huấn viết bản án tại điểm cầu Hà Tĩnh

Để thực hiện tốt giải pháp “Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án”, TANDTC ban hành các mẫu bản án, quyết định về hình sự, tiếp tục hoàn thiện các mẫu bản án, quyết định dân sự, hành chính. Nghiên cứu ban hành các bản án, quyết định mẫu về hình sự, dân sự, hành chính; Nghiên cứu xây dựng các giáo trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng viết từng loại bản án, quyết định. Tiếp tục tổ chức các hội nghị tập huấn về kỹ năng viết bản án, quyết định cho Thẩm phán và các chức danh tư pháp, trong đó tập trung vào những hướng dẫn mới về bản án, quyết định,..Nghiên cứu xây dựng “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng của bán án, quyết định của Tòa án”; xây dựng tiêu chí thi đua khen thưởng đối với các Thẩm phán có những bản án, quyết định có tính chuẩn mực.

TANDTC yêu cầu các Tòa án khác cần tổ chức quán triệt nhằm thực hiện đúng các hướng dẫn về mẫu bản án, quyết định; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Thẩm phán đối với chất lượng của bản án, quyết định được ban hành. Định kỳ tổ chức các hội nghị tập huấn về viết bản án cho các Thẩm phán thuộc quyền quản lý; tổ chức họp chuyên đề hoặc kết hợp trong nội dung giao ban để tổng kết, rút kinh nghiệm đối với những sai sót trong việc viết bản án, quyết định của Thẩm phán.

Triển khai thực hiện giải pháp này. TAND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức phong trào “Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án” nhằm phát động phong trào thi đua viết bản án, động viên các Thẩm phán có nhiều bản án có tính chuẩn mực, đúng quy định. Hưởng ứng phong trào trên, đã có 58/70 Thẩm phán gửi 115 bản án dự thi. Kết quả có 32 bản án đạt 93 điểm trở lên, chỉ có 1 bản án dưới 70 điểm. 
Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích cực thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án