Tòa án

Thẩm phán Lê Hoàng Tấn: Hơn 30 năm nặng nợ với đờn ca tài tử

Quang Trung 09/02/2024 16:13

Là một Thẩm phán cao cấp nhưng ông Lê Hoàng Tấn còn được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian của nghệ thuật Đờn ca tài tử. Nhân kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, phóng viên Báo Công lý đã có buổi trò chuyện với Thẩm phán Lê Hoàng Tấn.

Phóng viên: Được biết năm 2014 ông được phong nghệ nhân dân gian lĩnh vực đờn ca tài tử, cơ duyên nào ông đến với đờn ca tài tử và những thành tích ông đạt được trong lĩnh vực này?

anh-2(1).jpg
Thẩm phán cao cấp Lê Hoàng Tấn

Thẩm phán Lê Hoàng Tấn: Nói về cơ duyên đến với đờn ca tài tử thì cũng là một dịp tình cờ, tôi đi xem vài người bạn biểu diễn ở rạp hát, thấy cũng hay nên đi học ở một lò dạy nhạc của thầy Út Trong ở quận 5, TP.HCM. Lúc đó tôi còn nhỏ, đang học lớp 7, lớp 8 gì đó.

Khi học xong, tôi tham gia nhiều hoạt động đờn ca và thành quả đáng ghi nhận là đoạt giải Bông lúa vàng giọng ca cải lương của Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM năm 1989. Từ đó, tôi có cơ hội tham gia nhiều hội diễn và đạt nhiều huy chương vàng ở các kỳ thi đờn ca tài tử toàn quốc.

Tính đến nay hơn 30 năm hoạt động đờn ca tài tử, tôi thấy mình cũng có duyên với nó và tôi cũng yêu thích nó, các hoạt động của tôi ngày càng đi vào chiều sâu, ngày càng gần gũi hơn với giới mộ điệu đờn ca tài tử.

Năm 2014, tôi được phong danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Đến năm 2015, tôi được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử vì có nhiều cống hiến trong công tác hướng dẫn thế hệ trẻ tiếp cận với đờn ca tài tử, có công lao duy trì hoạt động đờn ca tải tử.

Phóng viên: Nghệ thuật đờn ca tài tử có gì khác biệt so với các loại hình nghệ thuật khác, thưa ông?

Thẩm phán cao cấp Lê Hoàng Tấn: Đờn ca tài tử có lịch sử ra đời gắn với vùng đất Nam Bộ, mang âm hưởng của khí hậu, thổ nhưỡng và hơi thở của con người Nam Bộ, là hoạt động đờn và hoạt động ca. Tên gọi “Đờn ca tài tử” theo nghĩa Hán Việt là “Người giỏi đờn ca”, nên tên là để người khác gọi mình chứ không tự xưng mình là “Đờn ca tài tử”.

Âm nhạc này xuất phất từ âm dương ngũ hành gắn với các khí nhạc Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ là Hò Xự Xang Xê Cống. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển thì nó đã gắn với hơi thở của cuộc sống đương đại, kịp thời bắt nhịp và hiện nay có thể nói nó đã hòa quyện thành tân cổ giao duyên. Chính vì vậy mà vừa giữ được bản sắc của dân tộc vừa đáp ứng được cuộc sống đương đại ngày nay.

Trước đây, tôi tham gia hoạt động đờn ca tài tử là để thỏa mãn niềm vui nghệ thuật của mình, còn nay tôi tham gia với nhận thức là phải góp sức nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này. Ngoài ra, còn giúp ích cho xã hội, đáp ứng nhu cầu nghệ thuật của công chúng, phục vụ cho lợi ích của nhân dân.

anh-3-1-.jpg
Thẩm phán Lê Hoàng Tấn đạt nhiều huy chương vàng tại các kỳ thi đờn ca tài tử toàn quốc

PV: Công việc xét xử và đờn ca tài tử nghe qua có vẻ đối lập nhau?

Thẩm phán Lê Hoàng Tấn: Công việc Thẩm phán và nghệ thuật đờn ca tài tử được cho là hai công việc mang tính chất nghề nghiệp khác nhau, tuy nhiên tôi thấy nó cũng có tính tương đồng, gần gũi và phù hợp với nhau, bỡi lẽ:

Nói về nghề Thẩm phán, xét xử phải căn cứ theo đúng quy định pháp luật, khi áp dụng pháp luật phải hết sức cân nhắc, chuẩn xác, tuy nhiên cũng phải hợp lý, hợp tình, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh khách quan khi giải quyết vụ án.

Đối với hoạt động nghệ thuật đờn ca tài tử thì phải có nét hoa mỹ, phóng túng, lả lướt. Tuy nhiên, dù hoa mỹ thế nào cũng phải giữ cho được cái hồn của nó, nằm trong khuôn khổ của các thể thức về hơi, điệu và đúng với niêm luật của lòng bản nhạc thì mới nâng cao được cái giá trị nghệ thuật vốn có.

Tôi thấy hai nghề trên cũng gần nhau về phương thức hoạt động, mục đích cuối cùng là để hoàn thành nhiệm vụ do xã hội phân công.

Về thời gian thì các phiên tòa xét xử luôn thực hiện theo giờ làm việc hành chính, còn các hoạt động đờn ca tài tử là chương trình giải trí luôn thực hiện vào buổi tối hoặc thứ Bảy, Chủ nhật nên tôi thuận lợi sắp xếp tham gia mà không ảnh hưởng đến công việc của nhau.

Ngoài ra, tôi còn dành thời gian biên soạn giáo trình và truyền dạy miễn phí nghệ thuật đờn ca tài tử cho những người yêu thích loại hình nghệ thuật này.

anh-4(1).jpg
Nghệ nhân dân gian Lê Hoàng Tấn biên soạn giáo trình và truyền dạy miễn phí nghệ thuật đờn ca tài tử

PV: Năm nay là tròn 10 năm nghệ thuật đờn ca tài tử được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, theo ông cần phải làm gì để bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật này?

Thẩm phán Lê Hoàng Tấn: Đối tượng cần bảo tồn và phát huy trước hết là con người đờn ca tài tử, kế đến là bài bản, thể điệu đờn ca tài tử, rồi đến nhạc cụ, sân khấu, phương tiện, Câu lạc bộ đờn ca tài tử, Nhà Văn hóa, Trung tâm Văn hóa và các thiết chế văn hóa cơ sở.

Phải có chính sách bồi dưỡng, nâng cao năng lực, hỗ trợ, giúp đỡ, sưu tầm, nghiên cứu, bảo tàng, bảo tồn, tuyên truyền, giáo dục, quảng bá…gắn với sự phát triển của xã hội mới đương đại.

Bên cạnh đó, thúc đẩy công tác truyền dạy tại cộng đồng. Xây dựng các chương trình giáo dục chính thức và ngoại khóa về nghệ thuật đờn ca tài tử. Xây dựng chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân, người thực hành, truyền dạy, học viên theo học đờn ca tài tử.

PV: Xin cảm ơn ông.

Quá trình công tác của Thẩm phán Lê Hoàng Tấn:

Năm 1990, Thẩm phán Lê Hoàng Tấn vào ngành Tòa án, công tác tại Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM.

Năm 2005 ông được bổ nhiệm Thẩm phán TAND TP.HCM

Năm 2017, ông trúng tuyển kỳ thi quốc gia Thẩm phán cao cấp và được Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp, hiện công tác tại TAND cấp cao tại TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm phán Lê Hoàng Tấn: Hơn 30 năm nặng nợ với đờn ca tài tử