Chính trị

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Sửa luật là cơ hội đổi mới triệt để hệ thống Tòa án

Duy Tuấn 26/03/2024 17:36

Việc đổi tên thành TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm đồng nghĩa với việc đổi thẩm quyền xét xử theo đúng quy định. Việc đổi thẩm quyền này còn mạnh mẽ hơn khi sửa các luật tố tụng và phân cấp Tòa án.

Báo cáo giải trình, tiếp thu trước các Đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều nay (26/3) về dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình - Trưởng ban soạn thảo khẳng định, dự thảo Luật đã đổi mới, tiệm cận trình độ quốc tế.

Đổi tên đồng nghĩa với việc đổi thẩm quyền xét xử

Về tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, người đứng đầu hệ thống Toà án khẳng định, quan điểm của TANDTC là chọn phương án 2.

chanhan1.jpeg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình - Trưởng ban soạn thảo dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Theo dự thảo Luật, Phương án 1: Tổ chức TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (giữ nguyên như hiện hành).

Phương án 2: TAND phúc thẩm.

d) Phương án 1: TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (giữ nguyên như hiện hành).

Phương án 2: TAND sơ thẩm.

Chánh án khẳng định, điều này xuất phát từ quy định của Đảng, xuyên suốt từ trước đến nay, qua nhiều nghị quyết được ban hành. “Từ Nghị quyết 49, cho đến bây giờ là Nghị quyết 27 đều nói tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử. Trong luật của chúng ta cũng không quy định Tòa án cấp tỉnh làm cái này, Tòa án cấp huyện làm cái kia. Bộ luật Tố tụng chỉ quy định cấp sơ thẩm xử việc này, cấp phúc thẩm xử việc kia...”, Chánh án nói.

Nói thêm về truyền thống pháp lý, Chánh án cho biết, từ khi thành lập Tòa án, Bác Hồ đã lập Tòa sơ thẩm, phúc thẩm và quy định tại Hiến pháp năm 1946. “Còn tham khảo quốc tế, không có nước nào tổ chức Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện mà chỉ theo thẩm quyền xét xử”.

Đặc biệt, Chánh án khẳng định: Việc đổi tên đồng nghĩa với việc đổi thẩm quyền xét xử theo đúng quy định. Thẩm quyền các Tòa đã được ghi rõ trong quy định về Tòa sơ thẩm, Tòa phúc thẩm. Việc đổi tên bao gồm cả đổi thẩm quyền trong luật. Việc đổi thẩm quyền này còn mạnh mẽ hơn nữa khi sửa các luật tố tụng và phân cấp Tòa án.

“Chúng ta đã tiến một bước khi phân công cho Tòa cấp huyện xử án đến 15 năm, nhưng trong trình độ hiện nay, Tòa này có thể xử đến án chung thân, tử hình. Chúng ta nên có bước đi hợp lý, chứ không dừng lại ở cấp huyện chỉ xử án 15 năm. Một số vụ có yếu tố nước ngoài chuyển lên cấp tỉnh xử, nhưng trên thực tế năng lực của Tòa cấp quận như Hà Nội, TP HCM cũng xử được như các vụ án về hôn nhân… ở đây có đổi cả tên, cả thẩm quyền. Điều này mang lại nhiều lợi ích, nguyên tắc độc lập được đảm bảo và đúng với tinh thần Hiến pháp và Nghị quyết 27”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Trên tinh thần này, Trưởng ban soạn thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đề nghị UBTVQH lập 2 phương án để có cơ hội giải trình trước Quốc hội.

“Hiện nay chúng ta không làm, trong tương lai con cháu chúng ta cũng phải làm. Đây là xu hướng tiến bộ của thế giới, nếu không làm sẽ lỡ cơ hội đổi mới triệt để hệ thống Tòa án”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

tcta.jpeg
Toàn cảnh Hội nghị.

Tiếp tục hoàn thiện quy định Tòa án có quyền yêu cầu các cơ quan cung cấp chứng cứ

Về thu thập chứng cứ theo Điều 15 của dự án Luật, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc quy định Tòa án có quyền yêu cầu các cơ quan cung cấp chứng cứ; Tòa án có nhiệm vụ tiếp nhận chứng cứ tài liệu cung cấp, hướng dẫn đương sự thu thập chứng cứ; kiểm tra, thẩm định chứng cứ có trong hồ sơ… Như vậy, phạm vi thu thập chứng cứ theo Nghị quyết 27 cần phải làm rõ và sẽ lưu ý việc diễn đạt trong luật.

“Nhiệm vụ của Tòa án là yêu cầu, tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá tính xác thực của chứng cứ để xét xử. Những nội dung này đã được phản ánh đầy đủ trong dự án Luật”, Chánh án nói.

Về phân loại án ngẫu nhiên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết “thế giới đã làm từ lâu, bây giờ chúng ta mới quy định trong luật”.

“Người ta đảm bảo tính độc lập của Thẩm phán tuân theo pháp luật, tránh trường hợp Chánh án muốn xử theo ý mình thì phân cho Thẩm phán có quan hệ tốt. Lần này chúng tôi quy định trong luật và ban hành thông tư hướng dẫn. Trong thông tư đó cũng khắc phục được tình hình mà cả thế giới đang làm là có một số vụ án phải phân công cho Thẩm phán có năng lực. Việc phân công này cũng phải ngẫu nhiên chứ không phải một, hai Thẩm phán có năng lực. Điều này đảm bảo tính độc lập trong xét xử”, Chánh án chỉ rõ.

Bảo đảm tính trang nghiêm trong phiên xử

Về quy định ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, Chánh án khẳng định, dự thảo Luật không điều chỉnh việc truyền thông của các cơ quan báo chí về vụ án.

“Chúng tôi chỉ điều chỉnh truyền thông trong phiên tòa xét xử, còn ra ngoài phỏng vấn ai, đưa tin như thế nào, đó là việc của báo chí, đây là việc cả thế giới làm.

Việc tổ chức phiên tòa phải đảm bảo 3 yêu cầu: đúng luật, chất lượng và bảo đảm tính trang nghiêm trong phiên xử. Để thực hiện được 3 yêu cầu này, Tòa án phải quy định về truyền thông trong phiên xét xử, nếu tổ chức vi phạm quyền con người - Tòa phải chịu trách nhiệm. Còn ra khỏi phòng xử, truyền thông thế nào là việc của báo chí”.

“Bây giờ ly hôn, ly dị, ra trước Tòa chồng nói thế này, vợ nói thế kia rồi ghi âm, ghi hình tung lên mạng rất phức tạp, xâm phạm quyền con người. Người ta không muốn cho thế giới biết mình có bao nhiêu tài sản, lý do vì sao ly hôn… vì vậy chúng tôi điều chỉnh trong phòng xử”, Chánh án nói.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng viện dẫn thêm việc thế giới không cho ghi âm, ghi hình phiên tòa.

“Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát, luật sư toàn tâm toàn ý cho việc xét xử vụ án, nhưng nếu chĩa máy quay sẽ bị phân tán trong lúc cần quyết định sáng suốt nhất. Việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung xét xử. Tiếp thu ý kiến Thường vụ Quốc hội, chúng tôi sẽ quy định Tòa án ghi âm, ghi hình phục vụ công tác nghiệp vụ và lưu trong hồ sơ vụ án. Việc sử dụng phải đảm bảo quyền con người”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Sửa luật là cơ hội đổi mới triệt để hệ thống Tòa án