Khoa học xét xử là một bộ phận của khoa học pháp lý, TANDTC sẽ xây dựng cơ chế linh hoạt, phù hợp để thu hút, động viên các nhà khoa học trong và ngoài Tòa án chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong việc nghiên cứu các đề tài khoa học về công tác Tòa án.
Đó là chỉ đạo của Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Chủ tịch Hội đồng khoa học TANDTC tại Hội thảo tổng kết công tác khoa học năm 2016 và triển khai công tác khoa học năm 2017 của TAND diễn ra ngày 8/3/2017 tại Hà Nội.
Công tác nghiên cứu khoa học có nhiều đổi mới
Năm 2016, TANDTC tiếp tục thực hiện nghiên cứu giai đoạn II đối với 11 đề tài khoa học cấp Bộ được triển khai từ năm 2015; triển khai giai đoạn I đối với 12 đề tài khoa học cấp Bộ có thời gian từ năm 2016 đến 2017); hoàn thành 34 chuyên đề khoa học. Việc xây dựng các nhiệm vụ khoa học trên cơ sở hệ tiêu chí, yêu cầu cụ thể, tránh chồng chéo, bảo đảm bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của TANDTC như thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014, các bộ luật, luật mới được Quốc hội thông qua và các ỵêu cầu cải cách tư pháp. Hội đồng khoa học TANDTC gồm 9 thành viên là các chuyên gia, các nhà khoa học uy tín của TANDTC có chuyên môn sâu trong các lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự và tố tụng.
Những hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2016 của TANDTC đã tập trung giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống TAND. Kết quả nghiên cứu của các đề tài, chuyên đề, đề án có ý nghĩa thiết thực, đã cung cấp một hệ thống các luận cứ, sáng kiến pháp luật, giải pháp cụ thể phục vụ tích cực và có hiệu quả trong công tác xây dựng các dự án luật lớn, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp của TANDTC như Luật Tổ chức TAND, Luật Phá sản, BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính... Công tác nghiên cứu khoa học ngày càng thu hút được nhiều cán bộ trẻ tham gia thuộc TAND các cấp, điển hình là TAND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng; TAND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; TAND tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hậu Giang...
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị
Các kết quả nghiên cứu đều được ứng dụng có hiệu quả trong việc giải quyết các vướng mắc về nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của TAND cũng như trong lĩnh vực xây dựng pháp luật và hướng dẫn thi hành, áp dụng pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại hội thảo các đại biểu cũng chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại trong công tác nghiên cứu khoa học của TANDTC, đó là chất lượng nghiên cứu phục vụ công tác xây dựng pháp luật vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, nhiều vấn đề vướng mắc từ thực tiễn chưa được đề cập, nghiên cứu giải quyết kịp thời. Nguồn nhân lực làm công tác nghiên cứu khoa học của TANDTC còn mỏng; tuy đã có bước phát triển cơ bản nhưng vẫn tồn tại một tỷ lệ không nhỏ cán bộ chưa có trình độ chuyên môn chuyên sâu. Mặc dù kinh phí khoa học, công nghệ năm 2016 của TANDTC đã tăng khoảng 5% so với kinh phí được cấp năm 2015 (trên 2.26 tỷ đồng) nhưng chỉ đáp ứng được 43% so với mức kinh phí đề nghị. Việc hạn hẹp về kinh phí đã dẫn đến những bất cập trong công tác nghiên cứu khoa học của TAND, do đó nhiều nhiệm vụ khoa học trọng tâm của Toà án chưa được triển khai cũng ảnh hưởng một phần đến chất lượng hoạt động của hệ thống TAND. Mức kinh phí nghiên cứu đề tài, chuyên đề khoa học còn thấp dẫn đến khó khăn cho Ban Chủ nhiệm trong việc triển khai nghiên cứu, nhất là việc đặt bài viết các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn.
Cần nâng cao hơn nữa chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Chủ tịch Hội đồng khoa học TANDTC ghi nhận những thành tích đã đạt được của Tòa án các cấp trong công tác nghiên cứu khoa học. Trong đó, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã xây dựng được 8 nghị quyết liên quan đến phá sản, dân sự, hành chính, hình sự; có nghị quyết ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội như Nghị quyết hướng dẫn những quy định có lợi cho người phạm tội; có nghị quyết có tầm ảnh hưởng lớn trong hệ thống Tòa án như Nghị quyết các biểu mẫu về dân sự và hành chính, cụ thể là có 62 biểu mẫu án hành chính, 93 biểu mẫu về dân sự đã tác động rất nhiều đến Tòa án các cấp. Tháng 3 và tháng 4/2017, Hội đồng Thẩm phán TANDTC tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết nữa sẽ tạo ra diện mạo mới của Tòa án, đó là quy định về phòng xét xử, ban hành 2 tập hướng dẫn các vướng mắc về xét xử….
Hội thảo tổng kết công tác khoa học năm 2016 và triển khai công tác khoa học năm 2017 của TAND
Tuy nhiên, để công tác này thực sự có hiệu quả, mang tính thực tiễn cao thì trong năm 2017, TANDTC và các Tòa án địa phương cần phải đưa công tác nghiên cứu khoa học phù hợp với chiến lược, quy hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của TAND, đảm bảo tính khả thi. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình yêu cầu, năm 2017 khi triển khai các đề tài khoa học cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của TAND năm 2020, định hướng đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Các đề tài cần tiếp tục làm rõ nội hàm quyền tư pháp và xây dựng cơ chế để TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp, các vấn đề liên quan đến Nhà nước pháp quyền, minh bạch hóa công tác Tòa án mà trọng tâm là công khai, minh bạch bản án của TAND các cấp.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: khoa học xét xử là một bộ phận của khoa học pháp lý nên có 2 phương hướng để thực hiện, đó là nghiên cứu về khoa học đại cương và nguyên lý cơ bản để xây dựng đạo luật. Vì vậy lãnh đạo TANDTC rất khuyến khích các cán bộ tập trung nghiên cứu để làm rõ nội hàm của quyền tư pháp, lựa chọn các mảng đề tài phải gắn với thực tiễn xét xử và công tác xây dựng Tòa án các cấp trong trong sạch, vững mạnh… Để đạt được những mục tiêu đổi mới đề ra, lãnh đạo TANDTC sẽ triển khai công tác khoa học của năm 2017 ngay khi nhận được thông báo về việc giao dự toán kinh phí khoa học cho TANDTC; việc tuyển chọn các nhiệm vụ khoa học được thực hiện công khai, minh bạch, bám sát với định hướng các vấn đề cần nghiên cứu. TANDTC sẽ xây dựng cơ chế linh hoạt, phù hợp để thu hút, động viên các nhà khoa học trong và ngoài Tòa án chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong việc nghiên cứu các đề tài khoa học về công tác Tòa án.