Chính trị

Thủ tướng dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Tây Ninh

Kim Sáng 05/05/2024 - 17:56

Chiều 5/5, tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị.

Cùng tham dự có lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ (TP.HCM, Bà Rịa - Vùng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh).

z5411256154027_35a2a84141a70f1f171a34973dc41c4b.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về cơ bản được lập và phê duyệt phù hợp với định hướng phát triển Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Quy hoạch Đông Nam Bộ.

"Quy hoạch thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới đối với tỉnh... thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh", ông Nguyễn Thanh Ngọc nói.

z5411206449210_167f5acfeec6144a4b24ddc44626dd3f.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Theo đó, Tây Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế - xã hội phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Đến năm 2050, phát triển Tây Ninh xanh - có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng. Trong đó, lấy công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới.

Nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại, văn minh.

z5411108565953_961f7c6b5b7e53af03b6a114b20c73cd.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu khai mạc hội nghị.

Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức phát huy mạnh mẽ, trở thành yếu tố chủ yếu góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội toàn diện, hướng đến thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân được nâng lên; mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế.

Quốc phòng được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

z5411206444421_5797cc29a2f36040ab4298e538e99c7f-1-.jpg
Trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

"Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh xin hứa sẽ nỗ lực lớn, quyết tâm cao để thực hiện thắng lợi quy hoạch tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi quy hoạch vùng, tạo đột phá phát triển toàn diện, cùng cả nước, vì cả nước, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", Chủ tịch Nguyễn Thanh Ngọc bày tỏ.

Theo đó, tỉnh Tây Ninh đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu, định hướng của quy hoạch, gồm nhóm giải pháp về huy động vốn đầu tư; nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; nhóm giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; nhóm giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Sáng cùng ngày, tại Tây Ninh đã diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 3.

Theo quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh xác định 7 đột phá phát triển, gồm: Hạ tầng; nguồn nhân lực; thể chế; doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; du lịch; kinh tế dịch vụ.

Cạnh đó, xác định phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo “3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội”.

“3 vùng phát triển” gồm: Vùng 1 (thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía Nam huyện Dương Minh Châu) phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ có tính lan tỏa kết nối với hồ Dầu Tiếng và nông nghiệp công nghệ cao với trung tâm phát triển của tỉnh là tam giác Trảng Bàng - Phước Đông - Gò Dầu);

Vùng 2 (TP. Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, vùng phía Tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía Đông huyện Châu Thành) là trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, tiếp đến là công nghiệp hỗ trợ và chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.

Vùng 3 (huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía Tây huyện Châu Thành và phía Bắc huyện Bến Cầu) là vùng phát triển nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng đến an sinh xã hội và du lịch sinh thái ở các khu vực Lò Gò - Xa Mát, rừng Hòa Hội, sông Vàm Cỏ Đông.

“4 trục động lực” gồm: Trục số 1 gắn với cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và Quốc lộ 22, 22B, là hành lang phát triển Bắc - Nam chính của tỉnh.

Trục số 2 gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 22, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng phía Nam, kết nối với Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 tới sân bay Long Thành.

Trục số 3 gắn với tuyến Đất Sét - Bến Củi là tuyến vành đai trung chuyển hàng hóa giữa các khu công nghiệp Bến Củi, Thạnh Đức, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia, kết nối với TP.HCM thông qua các nút giao với đường cao tốc CT31 (TP.HCM - Mộc Bài), CT32 (Gò Dầu - Xa Mát) và kết nối về phía Đông đi Bình Dương và Tây Nguyên.

Trục số 4 gắn với đường tỉnh 781, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng trung tâm.

Ngoài ra, “Vành đai an sinh xã hội” gắn với cao tốc dọc biên giới, kết nối liên vùng với Đồng bằng sông Cửu Long qua Long An và Tây Nguyên qua Bình Phước là hành lang hỗ trợ quốc phòng - an ninh và an sinh cho vùng phía Bắc.

Trong đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển 20 vùng sản xuất tập trung nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Tân Châu, Dương Minh Châu, Tân Biên, Gò Dầu, Châu Thành và thị xã Trảng Bàng.

Cạnh đó, phát triển thêm các khu công nghiệp mới; Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát theo định hướng và động lực mới, tạo đột phá;

Về du lịch, tỉnh sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh, coi trọng tính chất sinh thái và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ các dự án theo các phân khu chức năng thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đặc sắc, đẳng cấp quốc tế.

Ngoài ra, phát triển hệ thống đô thị hướng tới đô thị xanh, thành phố thông minh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 7 đô thị mới loại V, trong đó, TP Tây Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II và sẽ tiếp tục phấn đấu đầu tư xây dựng hoàn thiện đạt cơ bản các tiêu chí của đô thị loại I...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Tây Ninh