Chính trị

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ: Mở đường, tạo động lực, tiềm năng, không gian phát triển

Kim Sáng 05/05/2024 - 14:59

Đến năm 2030, Đông Nam Bộ sẽ trở thành vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.

z5410789169283_2f37b2a75f1cbdc8509bd72f67c89e43.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng các lãnh đạo về dự Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 3.

Cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia

Vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, vùng luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước; là đầu tàu kinh tế, trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước.

Trong đó, TP.HCM là trung tâm lớn nhất về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của vùng còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức lớn. Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số chỉ tiêu quan trọng đề ra chưa đạt được.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm; tốc độ tăng năng suất lao động thấp; việc triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng, còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, là điểm nghẽn cản trở sự phát triển.

dscf2610.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ cần phải tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả.

Một số công trình trọng điểm xây dựng còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra.

Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đóng góp nhiều vào thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; chưa làm chủ được công nghệ cao, cốt lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực. Công nghiệp phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tình trạng quá tải ở các trường học, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh công lập chậm được khắc phục; năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, đặc biệt là khi xảy ra dịch bệnh bất thường...

dscf2596.jpg
Toàn cảnh Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 3 với chủ đề "Triển khai Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Do đó, việc Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ sẽ được lập theo cách tiếp cận tổng hợp, có sự thay đổi rõ rệt về tư duy, nhận thức và hành động của các ngành, các địa phương theo hướng chú trọng chủ động phối hợp trên cơ sở thực hiện thống nhất chu trình "chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư".

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.

Nội dung quy hoạch tập trung vào sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động phát triển, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

z5410789165699_2852de5a7b1097bec5cbbe4ee7a76264.jpg
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Thời cơ, vận hội mới

Đột phá

Việc quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ theo hướng "Đột phá – Tiên phong – Liên kết".

Theo đó, vùng Đông Nam Bộ sẽ đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo hơn nữa, tạo chuyển biến có tính đột phá.

Đầu tiên là đột phá về tư duy phát triển, vùng Đông Nam Bộ phải trở thành vùng đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế; là trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng khác.

Thứ hai là đột phá về tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, bao gồm các liên kết đa chiều cạnh về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa - xã hội, chuỗi liên kết kinh tế ngành, bảo việc môi trường, khai thác tài nguyên… bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng.

Thứ ba là đột phá về huy động nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Đó là các tuyến cao tốc hướng tâm, khép kín vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM; đẩy nhanh triển khai các tuyến đường sắt quan trọng, nhất là đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối cảng biển quốc tế; có cơ chế đặc thù để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM;

dscf2625.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị.

Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, gắn với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải tạo thành cụm cảng trung chuyển quốc tế lớn có sức cạnh tranh cao trong khu vực châu Á;

Song song đó, đầu tư nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi lớn trong vùng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước; tập trung đầu tư dự án chống ngập cho TP.HCM. Phát triển hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số…

Thứ tư là đột phá về tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển vùng động lực phía Nam trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á và phát triển các tuyến hành lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo mối liên kết đồng bộ giữa các địa phương trong vùng.

z5410789173366_a5dde2fc36e1a4447f6c7324477a502e.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

Thứ năm là đột phá về cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là tạo đột phá trong phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hiện đại trở thành các động lực tăng trưởng mới như: công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip; Trung tâm tài chính quốc tế; dịch vụ logistics tại các cảng biển, cảng hàng không trung chuyển quốc tế...

z5410789160925_13986641434855894e1ac34ac78ac234.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.

Tiên phong

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước.

Là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải cac-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

z5410789164962_914b6670d1da6bef2744b90b5d0f3bcd.jpg
Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 3 diễn ra tại tỉnh Tây Ninh.

Trong đó, TP.HCM là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước; có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á...

Liên kết

    Trong tương lai, Đông Nam Bộ sẽ trở thành hình mẫu tiêu biểu, hiệu quả cao trong hợp tác liên kết vùng.

    6 HLKT gồm: HLKT Bắc - Nam trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ (từ Đồng Nai đến TP.HCM); HLKT Mộc Bài - TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu; Vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc theo vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM; HLKT Tây Nguyên - Đông Nam Bộ; HLKT theo Quốc lộ 13 từ TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước; HLKT Tây Ninh - Bình Dương đảm bảo kết nối với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế.

    Bên cạnh đó, kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

    Song song đó, phát triển khu vực dọc theo sông Sài Gòn và sông Đồng Nai qua TP.HCM và hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai trở thành hành lang xanh - sinh thái phục vụ kết nối không gian đô thị và phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch liên tỉnh gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan.

    Thông qua quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh, khăng khít hơn, qua đó góp phần khắc phục được tình trạng quy hoạch phát triển cục bộ, cát cứ theo ngành, lĩnh vực hoặc địa phương.

    Vùng Đông Nam Bộ gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh; là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm.

    Diện tích chiếm 7,1% và dân số chiếm 18,9% nhưng Đông Nam Bộ đã đóng góp 31% GDP, 38% tổng thu Ngân sách Nhà nước và 32% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

    (0) Bình luận
    Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ: Mở đường, tạo động lực, tiềm năng, không gian phát triển