Ngày 28/1, hai quan chức quốc phòng Mỹ cho biết có vẻ như Triều Tiên đã sẵn sàng cho một hình thức phóng tên lửa nào đó. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị tiến hành thử tên lửa đạn đạo.
Bình luận của các quan chức này được đưa ra sau khi truyền thông Nhật Bản đưa tin rằng các hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên dường như đang thiết lập một bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa từ cơ sở Dongchang-ri, miền Tây Triều Tiên.
Phát biểu với hãng tin AFP, một quan chức Mỹ, yêu cầu giấu tên, nói: “Các dấu hiệu này cho thấy họ đang chuẩn bị cho một hình thức phóng tên lửa nào đó”. Quan chức này không cho biết việc chuẩn bị của Triều Tiên đang diễn ra ở khu vực nào, song nói rằng người dân ở đó dường như đã sẵn sàng cho “cuộc phóng vật thể vào không gian như thường lệ”.
Người này nói: “Đây có thể là công cuộc chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh hoặc tàu không gian- hiện có rất nhiều phỏng đoán. Triều Tiên tiến hành công việc này đều đặn- họ phóng và đưa trở lại nhiều vật thể”. Nhưng ông nói thêm rằng hiện không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc phóng này “liên quan đến tên lửa đạn đạo”.
Triều Tiên sắp thử tên lửa đạn đạo tầm xa? Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, quan chức Mỹ thứ hai, yêu cầu giấu tên, người nói rằng vụ phóng vật thể vào không gian này sẽ “sớm” xảy ra, đã cảnh báo rằng Triều Tiên thường sử dụng vụ phóng vào không gian là cái cớ để phát triển khả năng tên lửa đạn đạo. Quan chức này nói: “Quan ngại của chúng tôi đó là khi họ tiến hành phóng vật gì đó vào không gian, nó cũng sẽ đi cùng các bộ phận được sử dụng trong tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)”.
Diễn biến này tương tự như sự kiện hồi tháng 12/2012, khi Bình Nhưỡng phóng vệ tinh vào quỹ đạo cùng với tên lửa Unha-3. Cộng đồng quốc tế đã chỉ trích vụ phóng vệ tinh này là vụ thử tên lửa đạn đạo trá hình, dẫn đến việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt của LHQ, bất chấp tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng đây chỉ là sứ mệnh khoa học.
Dẫn lời một nguồn tin chính phủ, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) cho biết các hình ảnh vệ tinh đã được thu thập trong những ngày qua. Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK, dẫn lời một nguồn tin hiểu rõ về quan hệ Nhật-Hàn, cho biết họ nhận thấy có sự di chuyển ngày càng tăng lên của người dân và các phương tiện xung quanh khu vực đặt bệ phóng, song giờ các động thái đó đã được che đậy.
Mỹ vẫn thường xuyên theo dõi Triều Tiên từ trên không gian, trong khi Nhật Bản bắt đầu theo dõi nước này qua vệ tinh từ năm 2003. Triều Tiên bị ngăn cấm tiến hành mọi vụ phóng các vật thể vào vũ trụ có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo theo nghị quyết của HĐBA LHQ, nhưng các vụ thử tên lửa tầm ngắn không bị trừng phạt. Động thái gần đây nhất diễn ra trong bối cảnh các nước đang tiến hành các hoạt động ngoại giao để có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân lần thứ tư của nước này hồi đầu tháng 1/2016. Bình Nhưỡng tuyên bố rằng đó là vụ nổ bom nhiệt hạch thu nhỏ, song giới chuyên gia đã bác bỏ tuyên bố này.
Washington đang thúc đẩy hành động phản ứng mạnh mẽ của LHQ, bao gồm các biện pháp trừng phạt tăng cường. Tuy nhiên Trung Quốc- nhà bảo trợ ngoại giao và tài trợ kinh tế chính cho Triều Tiên- vẫn tỏ ra miễn cưỡng, cho dù Bắc Kinh đã mất dần kiên nhẫn trong những năm gần đây bởi nước láng giềng này của họ vẫn theo đuổi tham vọng vũ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ở Bắc Kinh hôm 27/1 và cho biết hai bên đã nhất trí tăng cường “thêm nhiều nỗ lực” để giải quyết các bất đồng của họ về nghị quyết mới của LHQ. Ông Kerry- người nói rằng một Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân là “mối đe dọa công khai đối với thế giới”- thừa nhận ông và người đồng cấp Vương Nghị vẫn chưa nhất trí về “cụ thể những giới hạn mà nghị quyết đó sẽ đề cập hoặc thực thi”.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-Seok đã từ chối xác nhận hay phủ nhận thông tin của truyền thông Nhật Bản, nhưng nói rằng quân đội Hàn Quốc đang theo dõi cơ sở Triều Tiên để phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của vụ phóng tên lửa tầm xa. Ông Kim nói: “Trước đây, Triều Tiên thường phóng tên lửa tầm xa trước mỗi vụ thử hạt nhân. Tuy nhiên, rất có thể họ không làm như vậy trong lần này”. Ông Kim cũng nhấn mạnh rằng trước đây Bình Nhưỡng thường thông báo Trung Quốc và Mỹ trước khi tiến hành thử hạt nhân, song lần này họ cũng không làm vậy. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng từ bây giờ, Triều Tiên có thể tiến hành các hành động khiêu khích nghiêm trọng một cách bất ngờ mà không đưa ra cảnh báo trước”.
Triều Tiên từng tuyên bố nước này đã tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hồi tháng 12/2015. Bình Nhưỡng đã ca ngợi sự thành công của vụ thử và cho công bố đoạn video về vụ việc đó song các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phi hạt nhân hóa James Martin có trụ sở tại California nói rằng đoạn băng đã được cắt ghép để che giấu thất bại “thê thảm”. Triều Tiên tuyên bố rằng họ đã phát triển các tên lửa tầm xa có khả năng tấn công tới Mỹ, song nhiều chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng vẫn còn rất lâu mới có thể đạt được khả năng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thực sự.