“Thẩm phán tiêu biểu” Đặng Công Lý, Chánh án TAND tỉnh Bình Định: Khi xét xử phải có phương pháp nghiên cứu hồ sơ một cách khoa học

Văn Vũ| 28/05/2014 09:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TANDTC vinh danh “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực” có ý nghĩa rất lớn và cần thiết đối với người Thẩm phán nói chung và Thẩm phán được vinh danh nói riêng...

Là một trong 28 Thẩm phán được TANDTC tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu” đợt đầu tiên, Thẩm phán Đặng Công Lý, Chánh án TAND tỉnh Bình Định tâm sự như vậy.

Những Thẩm phán được vinh danh là những người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác xét xử, thượng tôn pháp luật, liêm khiết, trung thực, kiên quyết bảo vệ công lý trong thực hành nhiệm vụ. Tổ chức vinh danh Thẩm phán là nguồn động viên, khích lệ, cổ vũ kịp thời đối với những nỗ lực, cống hiến của Thẩm phán trong thời gian qua và cũng như sau này. “Riêng cá nhân tôi, tôi vô cùng xúc động, tự hào khi được trao tặng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu” và coi đây là vinh dự nhưng cũng là trọng trách, là động lực để tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc công tác xét xử cũng như các mặt công tác khác”, ông Lý nhấn mạnh.

Năm 2010, Thẩm phán Đặng Công Lý được bổ nhiệm làm Chánh án TAND tỉnh Bình Định. Trên cương vị người đứng đầu hệ thống TAND hai cấp tỉnh Bình Định, Thẩm phán Đặng Công Lý không ngừng phát huy phẩm chất của “người bảo vệ công lý”. Trong các vụ án ông ngồi ghế chủ tọa, hầu như chưa xảy ra lỗi nghiêm trọng nào. Đặc biệt, từ năm 2009 - 2013, ông đã xét xử 527 vụ, tham gia cùng với HĐXX 434 vụ. Ngoài ra, ông còn tham gia trong Ủy ban Thẩm phán xét xử giám đốc thẩm 22 vụ... Những vụ án mà ông làm chủ tọa không có vụ án nào bị hủy hoặc cải sửa nghiêm trọng; không có án quá hạn luật định.

Thẩm phán Đặng Công Lý cho biết: Là lãnh đạo TAND tỉnh Bình Định, bản thân ông luôn chỉ đạo TAND hai cấp tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, quán triệt, học tập và triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, của TANDTC, của HĐND tỉnh về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, gắn việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của toàn hệ thống Tòa án.

“Thẩm phán tiêu biểu” Đặng Công Lý, Chánh án TAND tỉnh Bình Định: Khi xét xử phải có phương pháp nghiên cứu hồ sơ một cách khoa học

Thẩm phán Đặng Công Lý (bên trái)

Xác định nhiệm vụ chính trị là công tác xét xử, Chánh án Đặng Công Lý đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, công tác xét xử lưu động, công tác hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan của Thẩm phán, đảm bảo tính đúng đắn, khả thi của các bản án, quyết định của Tòa án; đặc biệt việc chỉ đạo công tác xét xử của ngành không có vụ án nào xét xử oan người không có tội. Công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử đối với Tòa án cấp huyện được kịp thời khắc phục các sai sót trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án. Tổng kết thực tiễn giải quyết, xét xử các loại vụ án, nhất là những vụ án giải quyết, xét xử bị hủy để tổ chức rút kinh nghiệm theo định kỳ, đồng thời hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất; đẩy mạnh việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho Thẩm phán, cán bộ về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ xét xử và các kiến thức bổ trợ khác.

Thẩm phán Đặng Công Lý tâm sự rằng, để cho bộ máy hoạt động trơn tru thì công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh, “vừa hồng, vừa chuyên” là việc làm thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, việc công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án theo quy định của pháp luật; đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp và cải tiến phương thức chỉ đạo, điều hành ở Tòa án theo hướng phân công, phân cấp hợp lý, gắn quyền hạn với chức trách công tác đối với từng cấp Tòa án, từng bộ phận, cá nhân trong cơ quan, đơn vị.
Trên tinh thần nêu cao trách nhiệm, TAND hai cấp tỉnh Bình Định trong năm 2013 thụ lý tổng số 5.671 vụ án các loại; đã giải quyết, xét xử 5.450 vụ, đạt tỷ lệ 96,1%. Sáu tháng đầu năm 2014, TAND hai cấp tỉnh Bình Định đã thụ lý tổng số 3.418 vụ án các loại; đã giải quyết, xét xử 2.523 vụ, đạt tỷ lệ 73,8%. Để đạt được những thành tích này, Thẩm phán Đặng Công Lý cho biết, ngoài yếu tố con người thì các biện pháp, giải pháp trong công tác đổi mới công tác quản lý, những sáng kiến, kinh nghiệm, áp dụng công nghệ thông tin trong xét xử, trao đổi thông tin cũng rất quan trọng... Bên cạnh đó, TAND hai cấp tỉnh Bình Định cũng thường xuyên gắn chặt với cuộc vận động chính trị sâu rộng trong toàn hệ thống về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phát động mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước trong đơn vị...

Thẩm phán Đặng Công Lý chia sẻ: Bài học bản thân đúc rút từ thực tiễn là khi xét xử các loại vụ án phải có phương pháp nghiên cứu hồ sơ theo một trình tự nhất định và không bỏ qua trình tự nào, sắp xếp hồ sơ một cách khoa học dễ cho việc nghiên cứu, dễ tìm thấy, dễ lấy. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự, cần phải đáp ứng được yêu cầu tìm ra sự thật, dựng lại một cách khách quan diễn biến của sự việc phạm tội, xác định được các vấn đề phải chứng minh trong vụ án, trên cơ sở đó có phương hướng, biện pháp giải quyết đúng đắn. Nguyên nhân để đạt được thành tích không có án hủy, không có án quá hạn vì lý do chủ quan, theo ông Lý thì: Bản thân biết phát huy trí tuệ tập thể của Ủy ban Thẩm phán, tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ với các ngành Kiểm sát, Công an. Không ngừng nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Từng bước đổi mới áp dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiên cứu hồ sơ để rút ngắn thời gian nghiên cứu, chỉ đạo đơn vị tổng kết rút kinh nghiệm xét xử các loại vụ án bị hủy trong từng quý, 6 tháng, một năm.

Nhiều năm liền, Thẩm phán Đặng Công Lý đạt danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cơ sở và được Chánh án TANDTC tặng Bằng khen. Năm 2013, ông Lý được vinh danh là “Thẩm phán tiêu biểu” và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thẩm phán tiêu biểu” Đặng Công Lý, Chánh án TAND tỉnh Bình Định: Khi xét xử phải có phương pháp nghiên cứu hồ sơ một cách khoa học