Tòa án địa phương

TAND TP. Phú Quốc: Điểm sáng trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Tòa án

Thái Đoàn 30/01/2024 10:58

Năm 2023, TAND TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã ứng dụng công nghệ thông tin vào xét xử và tổ chức phiên họp trực tuyến giải quyết các vụ án, vụ việc có liên quan, đảm bảo chất lượng công việc và tiết kiệm thời gian, tài chính.

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống Tòa án đã được TANDTC hết sức quan tâm. Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 04/2016, về việc việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu chứng cứ và cấp tống đạt văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử; Nghị quyết 03/2017, về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC; việc tổ chức tập huấn, họp trực tuyến đã được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

z5119438115112_8396a72bfb1ff060cc46345d519a8b41.jpg
Bà Phạm Thị Kim Thoa, Chánh án TAND TP. Phú Quốc.

Có thể khẳng định, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; phù hợp với chủ trương của Đảng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII về việc đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử và tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Thực hiện chỉ đạo của TANDTC và TAND tỉnh Kiên Giang, TAND TP. Phú Quốc đã và đang mở các phiên tòa xét trực tuyến theo đúng Nghị quyết 33 của Quốc hội.

Bà Phạm Thị Kim Thoa, Chánh án TAND TP. Phú Quốc cho biết, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, khẳng định quan điểm của Đảng ta là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

“Bản chất Tòa án điện tử là chuyển đổi số các hoạt động tố tụng của Tòa án, đưa việc thực hiện hoạt động tố tụng trên trang web hoặc các ứng dụng phần mềm, ví dụ: phần mềm nộp đơn khởi kiện trực tuyến, hệ thống quản lý án, hệ thống quản lý văn bản điều hành là thể hiện của thủ tục tố tụng được số hóa. Việc cho phép xét xử trực tuyến cũng nằm trong nội dung của việc xây dựng Tòa án điện tử”, bà Phạm Thị Kim Thoa chia sẻ.

Theo bà Phạm Thị Kim Thoa, thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội, các vụ án được lựa chọn xét xử trực tuyến là các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, song trong thực tế đã phát sinh khó khăn. Khó khăn lớn nhất trong việc tổ chức những phiên tòa trực tuyến đầu tiên là nhận thức của người làm công tác Tòa án về xét xử trực tuyến, chuyển đổi số. Tiếp đó, là sự thiếu hụt về trang thiết bị, cơ sở vật chất trong xét xử trực tuyến.

Quán triệt nghiêm túc và nhận thức rõ ràng các yêu cầu nêu trên, xuất phát từ tình hình thực tiễn và đặc thù của đơn vị, TAND TP. Phú Quốc đã đề xuất với ban lãnh đạo TAND tỉnh Kiên Giang cho phép áp dụng công nghệ vào việc mở phiên họp trực tuyến đối với các hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên cơ sở tận dụng trang thiết bị trực tuyến của Tòa án có sẵn chỉ cần kết nối với máy tính của cơ sở cai nghiện là có thể mở các phiên họp giải quyết các trường hợp này.

Qua triển khai cho thấy, việc mở phiên họp đối với các hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đơn giản hơn mở phiên tòa vì những hồ sơ này thường ít có người tham gia tố tụng khác mà chỉ có đương sự đang ở tại cơ sở cai nghiện, còn tại Tòa án thì có Thẩm phán, Kiểm sát viên, đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội và Thư ký.

Kết quả, trong năm 2023 TAND TP. Phú Quốc đã thụ lý 180 hồ sơ, đã giải quyết 100%, trong đó đã mở phiên họp trực tuyến quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được 151 hồ sơ.

“Phiên họp trực tuyến thực hiện nghiêm như phiên họp trực tiếp, đường truyền tốt, các đương sự đều hiểu tác hại của ma túy và đồng ý ở lại cơ sở cai nghiện đã cắt cơn, phục hồi sức khỏe, việc xét xử đều đúng quy định pháp luật, trong năm không có trường hợp nào khiếu nại về việc quyết định mức thời gian cai nghiện, cơ quan đề nghị không có kiến nghị, VKS không có kháng nghị.

Từ đó cho thấy việc mở phiên họp trực tuyến rất hiệu quả, tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian đi lại của các cơ quan vì TP. Phú Quốc đi trực tiếp phải mất 2 đến 3 ngày, số tiền cho cả đoàn là khoảng 10 triệu đồng”, Chánh án Phạm Thị Kim Thoa thông tin.

Việc tổ chức xét xử trực tuyến là một kênh thuận lợi để bảo đảm việc tham gia phiên họp được kịp thời, đầy đủ và tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở… cho những người liên quan, việc TAND TP. Phú Quốc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết 151 phiên họp trực tuyến là một điểm sáng cần được nhân rộng trong toàn hệ thống TAND.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND TP. Phú Quốc: Điểm sáng trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Tòa án