Nhịp cầu Công lý

Bình Thạnh (TP.HCM): Ban Quản trị chung cư “phớt lờ” quyết định của Tòa án

Văn Vũ – Hoàng Anh 21/03/2024 18:15

Chi cục THA quận Bình Thạnh vừa phối hợp với TAND quận Bình Thạnh, đại diện chính quyền địa phương tiến hành thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án, buộc Ban quan trị và đơn vị quản lý vận hành tòa nhà Chung cư 24AB mở nước cho người dân sử dụng nhưng bị "phớt lờ" không giải quyết.

Xuất phát từ việc cho rằng, Ban Quản trị (BQT) Chung cư 24AB chi sai mục đích nguồn kinh phí bảo trì nên cư dân chỉ đóng phí quản lý vận hành hàng tháng, mà tạm ngưng đóng kinh phí bảo trì dẫn đến BQT, Ban Quản lý (BQL) chung cư khóa nước của căn hộ này từ đầu năm 2023 đến nay, khiến cuộc sống cư dân hết sức điêu đứng.

Theo đơn khởi kiện của bà Lưu Thị Thu Trang (chủ căn hộ 9.4A Chung cư 24AB, đường D5, Phường 25, quận Bình Thạnh, TP. HCM) gửi tới TAND quận Bình Thạnh yêu cầu BQT và đơn vị quản lý vận hành (QLVH) là Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Giải pháp An Gia (gọi tắt là Công ty An Gia) phải có trách nhiệm mở nước cho gia đình bà cũng như bồi thường thiệt hại cho gia đình bà do bị cắt nước trong thời gian dài.

chung-cu(1).jpg
Chung cư 24AB

Theo bà Trang, do chung cư bà không có khoản kinh phí bảo trì 2% như các chung cư mới nên cư dân thống nhất đóng kinh phí bảo trì mỗi tháng 150 ngàn đồng/căn hộ. Số tiền này sẽ được dùng vào sửa chữa nhỏ các hạng mục cần bảo trì theo quy định của pháp luật. Đối với những hạng mục lớn cần sữa chữa thì có phương án tính toán, hết bao nhiêu thì chia đều cho các căn hộ.

Bên cạnh đó, Hợp đồng QLVH giữa BQT chung cư 24AB với Công ty An Gia cũng thống nhất thỏa thuận, ngoài số tiền thu cố định để trả cho đơn vị QLVH, nếu đơn vị QLVH thu dư thêm từ các nguồn như: giữ xe, quảng cáo… thì chia đôi nguồn dư đó (50% đơn vị QLVH được hưởng và 50% trả về cho cư dân để nhập vào kinh phí bảo trì cho chung cư).

Vào năm 2020, phát hiện trong báo cáo của BQT có chi nhiều khoản không đúng mục đích từ nguồn kinh phí bảo trì, bà Trang và một số cư dân thắc mắc, yêu cầu BQT phải giải trình. Tuy nhiên, BQT cho rằng, các khoản chi này là chi đúng và nhiều năm qua không ai phản đối.

Theo quy định, kinh phí bảo trì phải được sử dụng đúng mục đích theo quy định của Luật Nhà ở, Thông từ 02/2016/TT-BXD, Thông tư 06/2019/TT-BXD cũng như các quy định liên quan khác là chỉ dùng vào mục đích bảo trì hệ thống kết cấu, các trang thiết bị chung trong nhà chung cư, chứ không thể dùng vào các mục đích thăm hỏi, lễ, tết được. Từ đó, bà Trang và một hộ dân khác chỉ đóng phí QLVH hàng tháng (300 nghìn đồng/căn), mà không đóng 150 ngàn kinh phí bảo trì.

2(5).jpg
Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND Quận Bình Thạnh

Cho rằng, bà Trang nhiều tháng không đóng tiền kinh phí bảo trì nên BQT và BQL chung cư 24AB đã tiến hành khóa nguồn nước với căn hộ của bà Trang từ ngày 10/01/2023 (nhằm ngày 20/12 âm lịch năm 2022 – thời điểm cận kề Tết Nguyên đán năm 2023) cho đến nay.

Sau nhiều tháng yêu cầu BQT, BQL mở nước, đồng thời gửi đơn tới UBND Phường 25 cũng như UBND quận Bình Thạnh kêu cứu nhưng không có kết quả. Bà Trang đã khởi kiện BQT và Công ty An Gia để yêu cầu mở nước và bồi thường thiệt hại.

Tháng 6/2023, TAND quận Bình Thạnh đã thụ lý vụ án. Ngày 05/02/2024, TAND quận Bình Thạnh ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc BQT chung cư 24AB và Công ty An Gia thực hiện mở nước sinh hoạt cho căn hộ bà Trang.

Ngày 06/02/2024, Chi cục Thi hành án (THA) quận Bình Thạnh đã ra Quyết định thi hành. Ngày 15/3/2024, Chi cục THA quận Bình Thạnh phối hợp với TAND quận Bình Thạnh, đại diện chính quyền địa phương tiến hành thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án, buộc BQT và Công ty An Gia mở nước cho căn hộ bà Trang. Thế nhưng BQT và đơn vị quản lý vận hành vẫn không chịu thực hiện.

Theo Luât sư Hoàng Ngọc Quý, hiện nay chưa có quy định nào cho phép BQT, BQL nhà chung cư được phép cắt điện, nước của cư dân. Nước là nhu cầu tất yếu hàng ngày để duy trì sự sống và phục vụ sinh hoạt của con người. Việc BQT, BQL cắt nước của cư dân ngay trong dịp Tết và kéo dài gần 15 tháng nay là hành vi rất khó chấp nhận. Xét bản chất, đây là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền con người, trái đạo đức xã hội.

1(7).jpg
Quyết định của Chi cục trưởng Chi cục THADS Quận Bình Thạnh

Luật sư Quý lưu ý, BQT, BQL không được quyền cắt nước của cư dân. Trong trường hợp người sử dụng dịch vụ vi phạm hợp đồng thì đơn vị cung cấp mới được quyền cắt nước. Trong khi bà Trang không nợ tiền nước thì không thể cắt nước của bà.

Việc đúng sai sẽ do Tòa án phân xử. Tuy nhiên, BQT, BQL chung cư 24AB, đường D5, Phường 25, quận Bình Thạnh, TP. HCM cần nhanh chóng mở nước cho cư dân sử dụng. Vì nước là nhu cầu thiết yếu hàng ngày của con người cần đến để duy trì sự sống và phục vụ sinh hoạt.

Việc quản lý, sử dụng phí bảo trì chung cư với phần sở hữu chung phải tuân theo quy định tại Điều 109 Luật Nhà ở năm 2014 như sau:
Kinh phí bảo trì chỉ được sử dụng để bảo trì các phần sở hữu chung của nhà chung cư, không được sử dụng cho việc quản lý vận hành nhà chung cư và các mục đích khác.
Ban quản trị nhà chung cư có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì đúng mục đích, đúng hạng mục cần bảo trì theo kế hoạch bảo trì đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua hằng năm.
Việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung phải có hóa đơn tài chính, có thanh toán, quyết toán theo quy định của pháp luật về tài chính và phải báo cáo Hội nghị nhà chung cư.
Thành viên Ban quản trị nhà chung cư có quyết định sử dụng kinh phí không đúng quy định thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thạnh (TP.HCM): Ban Quản trị chung cư “phớt lờ” quyết định của Tòa án