Năm 2018, ngành Tòa án đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và để lại những dấu ấn đáng ghi nhận trong công tác xét xử, đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
TS.Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 khẳng định: “Đòi hỏi của công dân và xã hội đối với cơ quan tư pháp ngày càng cao; các cơ quan tư pháp phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa…”. Hệ thống các cơ quan tư pháp tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc và hoạt động tư pháp trong đó trọng tâm là hoạt động xét xử được bảo đảm với hiệu quả và hiệu lực cao.
Phát huy thành tích đã đạt được năm 2017, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC đã đề ra 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử năm 2018. Trong đó, xây dựng và thực hiện Quy chế đạo đức nhằm nâng cao sự liêm chính của Thẩm phán là một giải pháp quyết định tính công tâm, khách quan trong hoạt động xét xử của TAND. TANDTC tăng cường công tác hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật và tích cực thực hiện việc giám đốc, kiểm tra hoạt động của các TAND để kịp thời khắc phục những vướng mắc, bất cập, đã góp phần nâng cao chất lượng xét xử.
Chế tài đối với Thẩm phán: Nếu có án bị sửa 0,7% thì không được xét thi đua; nếu quá 1,16% trên tổng vụ án đã xét xử thì bị dừng không được tái bổ nhiệm đã buộc các Thẩm phán phải tích cực học tập nâng cao tay nghề và rèn luyện đạo đức nghề nghiệp.
Năm 2018, TAND các cấp đã giải quyết được 441.553 vụ án các loại. Với số lượng rất lớn các vụ án phải giải quyết nhưng chỉ có 1,09% vụ án bị hủy do lỗi chủ quan của Tòa án. Trong lĩnh vực hình sự không để xảy ra vụ án nào oan trong năm qua. Với kết quả đó có thể khẳng định, đây là một sự nỗ lực rất lớn của các Tòa án và đội ngũ Thẩm phán Tòa án các cấp. Nhiều vụ án về tình hình thụ lý, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm như: Vụ án Châu Thị Thu Nga phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group); vụ án Trịnh Xuân Thanh phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); vụ án Đinh La Thăng… và gần đây là vụ Vụ án Phan Văn Vĩnh bảo kê cho đường dây đánh bạc công nghệ cao; vụ án Phan Văn Anh Vũ; vụ án Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”… Đây là những vụ án rất phức tạp, HĐXX đã kiên quyết đấu tranh tại Tòa để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Những phán quyết đưa ra đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Đặc biệt, số lượng án hình sự mà Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung tăng cao đã thể hiện thái độ rất kiên quyết, cẩn trọng của Tòa án trong xét xử để tránh những oan sai không đáng có. Vụ án Hoàng Công Lương ở Hòa Bình là một ví dụ điển hình. Tòa án đã mạnh dạn trả hồ sơ điều tra bổ sung đề nghị làm rõ nhiều tình tiết vụ án. Từ đó, CQĐT đã khởi tố thêm được một số bị can liên quan đến vụ án này mà giai đoạn điều tra trước đó chưa làm rõ…
Việc xét xử được thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp và theo đúng trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự mới quy định được dư luận đánh giá cao. Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật luôn được quán triệt và thực hiện ở các TAND; nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm.
Thực tế cho thấy, hầu hết các phiên tòa đã diễn ra đều đảm bảo được yêu cầu: Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; tôn trọng quyền con người; Hội đồng xét xử đã thực hiện hết thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật. Có thể thấy rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TANDTC, nhìn chung thời gian qua, các phiên tòa đã được tổ chức tốt hơn. Việc tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng, các Tòa án không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình. Những phán quyết của Hội đồng xét xử đưa ra đều trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa, được dư luận xã hội ủng hộ và đánh giá cao.
Bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ Thẩm phán TAND được khẳng định. Các Thẩm phán đều thực hiện nghiêm túc nguyên tắc độc lập trong xét xử. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam bị cáo, nhất là những bị cáo từng là những người có địa vị cao trong xã hội được thực hiện một cách nghiêm túc.
Việc công bố án lệ được xác định là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng. Để giúp cho các Tòa án có điều kiện thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử, TANDTC đã phối hợp với các chuyên gia pháp lý và những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác xét xử tiến hành bình luận đối với các án lệ đã ban hành; biên tập và xuất bản Cuốn án lệ và bình luận án lệ (Tập 1) - cuốn sách này được cấp phát tới tất cả các Thẩm phán trong toàn hệ thống. Bên cạnh đó, TANDTC đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về phát triển án lệ để tiếp tục đề ra các giải pháp làm tốt hơn công tác này, tập trung phát triển án lệ đối với các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn xét xử và những vấn đề xã hội quan tâm. Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thì tính đến 30/9/2018, có trên 200 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn án lệ trong quá trình giải quyết vụ án.
Việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được xác định là một giải pháp để nhân dân giám sát hoạt động của TAND. Con số 146.336 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của gần 90% Thẩm phán TAND các cấp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của TAND là một sự nỗ lực đáng ghi nhận. Bởi lẽ, cùng với số lượng công việc khổng lồ mà các Tòa án, Thẩm phán đang phải giải quyết thì việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được coi là một nỗ lực lớn trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận Tòa án của người dân. Với tổng lượng 6.764.910 lượt truy cập để tìm hiểu về các bản án và hàng chục nghìn ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định của Tòa án cũng có thể coi là thành công của công tác xét xử.
Quán triệt đạo lý “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, TANDTC triển khai thí điểm Đề án hòa giải các vụ án dân sự, đối thoại án hành chính tại Hải Phòng. Việc hòa giải các vụ án dân sự, đối thoại án hành chính giúp cho hai bên khiếu kiện, bị kiện mà ngồi được với nhau để phân rõ đúng sai sẽ giúp cho việc giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính nhẹ nhàng hơn. Với những thành công nhất định, hy vọng sau khi thí điểm tại 16 tỉnh thành, TANDTC nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Hòa giải các vụ án dân sự, đối thoại án hành chính để giảm áp lực số lượng các vụ án dân sự, hành chính phải đưa ra xét xử vì các bên tranh chấp tự hòa giải được.
Như vậy có thể thấy rằng, năm 2018, với vai trò, trách nhiệm của mình, Tòa án đã tiệm cận đến góc độ thực sự là cán cân công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong nhà nước pháp quyền. Tòa án các cấp đã xây dựng, củng cố, duy trì được đội ngũ cán bộ trong sạch, có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, có phẩm chất đạo đức và có sự công tâm của người làm nghề xét xử, được dư luận đánh giá cao.