Tòa án địa phương

Bảo vệ Thẩm phán và giữ gìn sự tôn nghiêm của Tòa án cần được đặt ra một cách cấp bách

Mạnh Hùng - Đỗ Việt 06/05/2024 17:36

Xung quanh vụ việc Thẩm phán Nguyễn Văn Quý, Phó Chánh án TAND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) bị đâm trọng thương tại phòng làm việc, nhiều chuyên gia pháp lý đều có chung quan điểm cho rằng, cần có cơ chế và khuôn khổ pháp luật nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và uy tín của Thẩm phán.

b04acf4b-49a7-48cc-b6c3-34d247ac228f(1).png
LS. TS Phan Trung Hoài- Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Xây dựng cơ chế bảo vệ bên ngoài và bên trong trụ sở Tòa án.

Theo LS. TS Phan Trung Hoài- Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trước tình hình tội phạm diễn biến rất phức tạp, ngày càng gia tăng về số lượng vụ án và tính chất nguy hiểm, các Thẩm phán, thành viên HĐXX phải thường xuyên đối mặt không chỉ áp lực đảm bảo việc xét xử được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mà còn phải đối diện với các hành vi manh động, coi thường pháp luật của một số đương sự, bị cáo xâm phạm đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền lợi hợp pháp của Thẩm phán.

Trong điều kiện xã hội hiện nay, có một thực tế là trong nhận thức và hành động của đương sự, bị cáo luôn mong muốn nhận được phán quyết có lợi cho mình, nhưng khi bị xử thua kiện, bị xử phạt nghiêm khắc, họ nảy sinh tâm lý thù oán đối với Thẩm phán.

Những vụ việc Thẩm phán bị tấn công tại trụ sở làm việc cho thấy vấn đề bảo vệ Thẩm phán tại phiên tòa, giữ gìn sự tôn nghiêm của Tòa án và bảo vệ Thẩm phán sau phiên tòa, cần được đặt ra một cách cấp bách và hiệu quả, nhằm bảo đảm an toàn về thân thể, tính mạng, để họ an tâm nuôi dưỡng phẩm chất của người Thẩm phán, can đảm và bản lĩnh thực thi nhiệm vụ của mình. Nếu Thẩm phán, các thành viên HĐXX không có được cơ chế bảo vệ chức danh tư pháp thiêng liêng của mình thì làm sao phán định và bảo vệ được công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể xã hội?

Pháp đình là chốn tôn nghiêm, nơi Tòa án thực hiện quyền tư pháp, dành được sự tôn trọng từ tất cả các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng. Tuy nhiên, nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua cho thấy không gian trụ sở một số Tòa án trở nên không an toàn cho chính những người phán xử và những người tham gia tố tụng.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Phan Trung Hoài cho rằng, cần quan tâm xây dựng và vận hành quy định bảo vệ Thẩm phán như bảo đảm việc tuân thủ nghiêm túc nội quy phòng xử án, cơ chế bảo vệ bên ngoài và bên trong trụ sở Tòa án, phòng xử án để bảo đảm tính tôn nghiêm của pháp đình. Cần xây dựng cơ chế phản ứng nhanh để ngăn chặn và xử lý đối với những hành vi xâm phạm quyền tự do cá nhân và cuộc sống bình thường của Thẩm phán và người thân của họ như đe dọa, quấy rối, theo dõi, tấn công, lăng mạ, phá hoại tài sản hoặc các phương tiện khác, sự phối hợp với cơ quan Công an sau khi nhận được tin báo phải nhanh chóng cử lực lượng ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

Trường hợp TAND khi giải quyết các vụ án có mức độ nguy hiểm cao như tội phạm khủng bố, tội phạm có tổ chức mang tính chất xã hội đen, tội phạm ma túy hoặc tội phạm tà giáo cần có biện pháp bảo vệ an toàn cho Thẩm phán và người thân của họ khi ra tòa, cấm những đối tượng cụ thể có liên quan tiếp cận hay các biện pháp bảo vệ khác.

Việc ra, vào Toà án chưa được kiểm soát chặt chẽ

Có thể nói việc ra, vào trụ sở Toà án có một số nơi chưa được kiểm soát chặt chẽ. Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, có nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm cả chủ quan và khách quan dẫn đến việc Thẩm phán bị tấn công.

Về mặt chủ quan, nguyên nhân chính xuất phát từ việc bất đồng quan điểm, không đồng ý với phán quyết của Thẩm phán nên các đối tượng đã có hành vi mang tính chất trả thù cá nhân.

Ngoài ra, đúng như nội dung trả lời chất vấn của Chánh án Toà án Nhân dân tối cao trong phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 03 năm 2023, chế độ chính sách và cơ chế bảo vệ Thẩm phán hiện nay của Việt Nam chúng ta so với nhiều nước kém hơn rất nhiều.

Đơn cử như tại các Toà án địa phương, lực lượng an ninh bảo vệ chưa đủ để đảm bảo an toàn cho Thẩm phán cũng như cán bộ Toà án, việc ra-vào Toà án chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc tiếp cận khu vực làm việc của Thẩm phán/cán bộ Toà án còn tương đối dễ dàng, chưa có rào cản về an ninh, an toàn. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách pháp luật bảo vệ Thẩm phán cũng chưa được đầy đủ. Bộ luật Hình sự của chúng ta cũng không có các điều luật chuyên biệt để xử lý các hành vi xâm phạm sức khoẻ, tính mạng của Thẩm phán và/hoặc cán bộ tư pháp như một số các nước khác trên thế giới.

dafdc49f-63e0-48b3-bb26-5c5ae1cf2a67.jpeg
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh

Luật sư Nghĩa cho rằng đến lúc cần thực hiện nhiều giải pháp từ hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật cho đến thực thi các biện pháp bảo đảm an ninh an toàn cho Toà án, Thẩm phán trên thực tế cũng như tuyên truyền nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của người dân.

Cần bổ sung quy định mới về bảo vệ Tòa án bao gồm cả Trụ sở các Tòa án, Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác.

Bên cạnh đó, các Toà án cần tự tăng cường biện pháp an ninh bảo vệ, kiểm soát chặt chẽ người, đồ dùng/vật dụng được mang ra-vào Trụ sở Toà án, phân cách khu vực làm việc nội bộ của Thẩm phán/cán bộ Toà án với các khu vực công cộng khác trong Toà án bằng các biện pháp an ninh kiểm soát nội bộ như cửa vân tay, mã số, bảo vệ (nếu có), lắp đặt chuông báo động để kích hoạt trong trường hợp khẩn cấp, thiết lập cơ chế phối hợp/phản ứng nhanh giữa Toà án và cơ quan công an nơi gần nhất.

Nên trang bị công cụ hỗ trợ cho nhân viên bảo vệ

Thẩm phán Nguyễn Văn Đàn, Chánh án TAND huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho biết, công việc xét xử của Thẩm phán hết sức khó nhọc, luôn tiềm ẩn nguy cơ bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự do suy nghĩ sai trái của bị cáo, đương sự. Để có thể hạn chế sự việc tương tự xảy ra cần rất nhiều biện pháp, giải pháp của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị, xã hội trong đó có hệ thống Tòa án các cấp. Ở góc độ Thẩm phán, Chánh án Tòa án huyện, ông Đàn đề xuất cần thiết xây dựng, hoàn thiện các quy định về cơ chế bảo vệ Thẩm phán, bảo vệ trụ sở các Tòa án, trong đó có quy định về biên chế nhân viên bảo vệ được đào tạo chuyên nghiệp, trang bị công cụ hổ trợ đầy đủ, có hành lang pháp lý đảm bảo.

z5415621207918_31d3455cb7ccdafce43da32aec34e3bc.jpg
Thẩm phán Nguyễn Văn Đàn, Chánh án TAND huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

Đồng thời, nghiên cứu vấn đề thành lập Tòa án khu vực trên cơ sở sáp nhập nhiều Tòa án cấp huyện để có điều kiện tăng cường quy mô mọi mặt cho Tòa án sơ thẩm khu vực, trong đó có sự nâng cao cơ chế bảo đảm an ninh, an toàn. Ngoài ra, cần nhiều giải pháp để nâng cao vị thế của Tòa án, của Thẩm phán trong hệ thống chính trị, đảm bảo để mọi người dân nhận thức được bản án là pháp luật của Nhà nước chứ không phải là sản phẩm chủ quan của cá nhân Thẩm phán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ Thẩm phán và giữ gìn sự tôn nghiêm của Tòa án cần được đặt ra một cách cấp bách