Tòa án địa phương

Vụ Phó Chánh án bị đâm tại phòng làm việc ở Quảng Trị: Vì sao bị cáo bị tuyên 3 năm tù nhưng vẫn được tại ngoại?

Mạnh Hùng 06/05/2024 13:17

Vụ án Phó Chánh án TAND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) bị đâm tại phòng làm việc là một vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày vừa qua, có nhiều thắc mắc cho rằng một bị cáo bị tòa tuyên phạt 3 năm tù giam mà vẫn cầm theo hung khí nguy hiểm vào phòng làm việc của Phó Chánh án Nguyễn Văn Quý để gây án.

f2307660-6f51-4ab6-93c8-9ec55fd22de4.jpeg
Thẩm phán Lê Thiết Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị

PV Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Thẩm phán Lê Thiết Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị để làm rõ hơn về vấn đề này.

Không phải mọi trường hợp đều phải bắt tạm giam ngay sau khi tuyên án

Theo Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị Lê Thiết Hùng, sở dĩ bị án Trần Văn Tuân đã bị TAND tỉnh Quảng Trị xử phạt 3 năm tù tại bản án hình sự phúc thẩm số 06/2025/HS-PT ngày 26/3/2024 nhưng chưa đi thi hành án là bởi các lý do sau:

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 355 của Bộ luật TTHS thì bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. Như vậy, đối với bị cáo đang tại ngoại, sau khi tuyên bản án phúc thẩm thì hình phạt tù được thực hiện bằng việc HĐXX ra quyết định tạm giam để đảm bảo cho việc thi hành án. Đây là nguyên tắc chung đối với các trường hợp bị cáo tại ngoại bị kết án phạt tù.

Tuy nhiên, theo quy định tại đoạn cuối khoản 3 Điều 347 Bộ luật TTHS thì đối với bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì HĐXX có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án. Điều luật quy định “có thể” được hiểu là không phải mọi trường hợp đều phải bắt tạm giam ngay sau khi tuyên án mà có một số trường hợp ngoại lệ, chưa bắt ngay.

Theo thực tiễn xét xử của các Tòa án thì những trường hợp nếu bị cáo có một trong các điều kiện được xem xét cho hoãn chấp hành án phạt tù chẳng hạn, thì có thể chưa bắt mà đợi tới khi có quyết thi hành án phạt tù của Tòa án cấp sơ thẩm thì người bị kết án mới tự nguyện chấp hành án, trường hợp hết thời gian tự nguyện mà không có mặt theo quyết định của Tòa án thì sẽ bị áp giải.

a57be026-eb53-4303-9045-c9f3e807bcad(1).jpeg
Hiện trường vụ án

Thứ hai, đối chiếu với trường hợp bị cáo Trần Văn Tuân, bị cáo này bị Tòa án cấp phúc thẩm xử 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm c khoản 2 Điều 260 BLHS. Về hoàn cảnh gia đình bị cáo, tại thời điểm xét xử thì bị cáo đã ly hôn và nuôi 2 con, trong đó có 1 con chưa thành niên, là lao động duy nhất trong gia đình; bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, ổn định, phạm tội vô ý… Để tạo điều kiện cho bị cáo sắp xếp hoàn cảnh gia đình, trên tinh thần nhân văn của pháp luật XHCN cho nên HĐXX không bắt giam bị cáo ngay sau khi tuyên án.

Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa

Cùng phân tích về vấn đề trên, theo luật sư Đỗ Văn Thăng, Đoàn luật sư TP Hà Nội, bị cáo Trần Văn Tuân đã bị TAND tỉnh Quảng Trị xử phạt 3 năm tù tại bản án hình sự phúc thẩm số 06/2025/HS-PT ngày 26/3/2024. Do đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 355 BLTTHS 2015 thì sau khi Tòa cấp phúc thẩm tuyên án thì bản án có hiệu lực từ ngày tuyên án.

Căn cứ theo khoản 3 Điều 364 - BLTTHS 2015 và khoản 4 Điều 23 Luật THAHS 2019 thì đối với trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thi hành án. Quá thời hạn 7 ngày mà người đang tại ngoại khi bị tòa kết án không có mặt để chấp hành thi hành án thì cảnh sát thi hành án hình sự và cơ quan hỗ trợ tư pháp sẽ tiến hành thực hiện áp giải thi hành án.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 329 BLTTHS 2015 về trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì HĐXX “có thể” ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội. Khoản 3 Điều 347 BLTTHS có quy định đối với bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì HĐXX “có thể” ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án”.

Cũng theo vị luật sư này, điều luật quy định “có thể” được hiểu là không phải mọi trường hợp đều phải bắt tạm giam ngay sau khi tuyên án mà vẫn có một số trường hợp ngoại lệ nhằm thể hiện tính nhân đạo, nhân văn trong việc áp dụng pháp luật, hướng đến bảo vệ quyền con người cho người bị kết án và cả người thân của họ.

Theo luật sư Đỗ Văn Thăng, khoản 1 Điều 24 Luật THAHS năm 2019 quy định: Đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án “có thể tự mình” hoặc theo đơn đề nghị của người bị kết án, văn bản đề nghị của VKS cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp Quân khu nơi người chấp hành án làm việc hoặc cư trú ra quyết đinh hoãn chấp hành án phạt tù.

Đến nay, trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, hướng dẫn về việc hoãn chấp hành án phạt tù, chưa có văn bản nào quy định cụ thể, chi tiết về các trường hợp Tòa án có thể có quyền tự mình ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù cho người bị kết án. Theo thực tiễn xét xử của các Tòa án thì những trường hợp nếu bị cáo có một trong các điều kiện được xem xét cho hoãn chấp hành án phạt tù, thì có thể chưa bắt mà đợi tới khi có quyết định thi hành án phạt tù của Tòa án cấp sơ thẩm thì người bị kết án mới tự nguyện chấp hành án.

Ở trường hợp bị cáo Trần Văn Tuân, tại thời điểm xét xử bị cáo đã ly hôn vợ và hiện đang nuôi 2 con, trong đó có 1 con chưa thành niên, là lao động duy nhất trong gia đình; bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, ổn định, phạm tội do lỗi vô ý…Nguyên tắc thi hành án hình sự tại khoản 3, khoản 4 Điều 4 Luật THAHS 2019 có quy định: Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án; kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất, mức độ phạm tội, độ tuổi, sức khỏe, giới tính, trình độ học vấn và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án.

Theo quy định tại Điều 67 BLHS năm 2015 thì người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp: Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…

Để tạo điều kiện cho bị cáo sắp xếp hoàn cảnh gia đình, trên tinh thần nhân văn của pháp luật XHCN cho nên HĐXX không bắt giam bị cáo Tuân ngay sau khi tuyên án. Thời hạn ra quyết định thi hành án được quy định tại khoản 2 Điều 364 BLTTHS 2015.

Theo đó, thời hạn mà cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định thi hành án là 07 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm. Trường hợp ủy thác ra quyết định thi hành án thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án.

Được biết, hiện Công an huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vẫn đang củng cố hồ sơ, điều tra vụ việc Thẩm Nguyễn Văn Quý, bị một bị án dùng kéo, vào phòng làm việc đâm trọng thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Phó Chánh án bị đâm tại phòng làm việc ở Quảng Trị: Vì sao bị cáo bị tuyên 3 năm tù nhưng vẫn được tại ngoại?