Chính trị

Thủ tướng: Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, nhân văn, hiệu quả

15/07/2025 - 13:23

Sáng 15/7, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I nhiệm kỳ 2025-2030.

Thủ tướng: Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, nhân văn, hiệu quả- Ảnh 1.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I nhiệm kỳ 2025-2030 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong 2 ngày 14 và 15/7/2025, tại Hà Nội, Đảng bộ Bộ Ngoại giao tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030.

Tham dự Phiên chính thức của Đại hội ngày 15/7 có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và đại diện một số bộ, ngành.

Về phía Bộ Ngoại giao có đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao; các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ cùng gần 300 đại biểu đến từ 98 cấp ủy trực thuộc ở trong nước, đại diện cho hơn 12.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Thủ tướng: Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, nhân văn, hiệu quả- Ảnh 2.
Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I nhiệm kỳ 2025-2030 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Góp phần củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi

Với chủ đề "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp; phát huy vai trò tiên phong, trọng yếu, thường xuyên của đối ngoại và hội nhập quốc tế; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới", Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 - 28/8/2025).

Đây là hoạt động chính trị đặc biệt quan trọng của toàn ngành Ngoại giao, không chỉ kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và các mặt công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2020-2025, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ tới, mà còn là dịp để nhìn lại chặng đường 80 năm triển khai thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và tổng kết, đánh giá những đóng góp của công tác đối ngoại sau gần 40 năm Đổi mới.

Báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ: Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Bộ Ngoại giao thực hiện hợp nhất với Đảng bộ Ngoài nước; hợp nhất với Ban Đối ngoại Trung ương và tiếp nhận một số chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; đồng thời triển khai tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Với quyết tâm chính trị cao, ngành Ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và "đạt nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước những năm qua, góp phần củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế đất nước", thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng: Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, nhân văn, hiệu quả- Ảnh 3.
Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại Đại hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quán triệt sâu sắc xây dựng Đảng là then chốt, Đảng ủy Bộ Ngoại giao trong nhiệm kỳ vừa qua đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng gắn kết chặt chẽ với xây dựng ngành và đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu mang tính lịch sử của công tác đối ngoại, đưa ngành Ngoại giao sang giai đoạn phát triển mới theo hướng toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp. Phẩm chất, bản lĩnh và sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng cao. Các tổ chức đảng được củng cố, kiện toàn tinh gọn, hiệu quả hơn. Phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc được đổi mới. Thể chế, quy định về công tác Đảng ngày càng hoàn thiện, nhất là đối với công tác đảng ngoài nước.

Trong bối cảnh tình hình thế giới đang chuyển biến nhanh, phức tạp chưa từng có, nhiệm kỳ 2025-2030 là giai đoạn đất nước ta chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mở ra nhiều thời cơ, vận hội mới, song cũng đặt ra trọng trách và yêu cầu nhiệm vụ mới, nặng nề hơn đối với công tác đối ngoại và ngoại giao.

Toàn thể cán bộ, đảng viên Bộ Ngoại giao tiếp tục nâng cao quyết tâm chính trị, đoàn kết một lòng, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy truyền thống vẻ vang và vai trò tiên phong, trọng yếu, thường xuyên của đối ngoại, nỗ lực hơn nữa với quyết tâm chính trị cao nhất triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, xây dựng Đảng bộ và ngành Ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi tầm nhìn, mục tiêu 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.

Tại Đại hội, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi đóng góp vào Báo cáo Chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025; Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Đại hội cũng đã công bố các quyết định của Đảng ủy cấp trên chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng bộ Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025 – 2030 và đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025- 2030.

Theo đó, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025-2030; đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; đồng chí Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy.

Thủ tướng: Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, nhân văn, hiệu quả- Ảnh 4.
Thủ tướng ghi nhận những thành tích, kết quả mà Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã đạt được trong nhiệm kỳ 2020-2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tính chiến đấu cao, khát vọng lớn, tinh thần đổi mới mạnh mẽ

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt Đảng ủy Chính phủ, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội với tính chiến đấu cao, khát vọng lớn, tinh thần đổi mới mạnh mẽ.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã bám sát, thực hiện nghiêm túc, chủ động, tích cực triển khai đường lối đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương và các đối tác quốc tế.

Thủ tướng ghi nhận những thành tích, kết quả mà Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã đạt được trong nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần vào thành tựu chung của đất nước; góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy.

Phân tích, làm rõ thêm một số thành tựu, kết quả nổi bật, cụ thể, Thủ tướng cho rằng Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, hình thành hệ thống chủ trương, chiến lược, cơ sở pháp lý và khuôn khổ để triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả đường lối đối ngoại, góp phần xây dựng cục diện đối ngoại thuận lợi.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025 là nhiệm kỳ mang đậm dấu ấn về thể chế hóa và cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng ủy Bộ Ngoại giao, với hơn 300 báo cáo lớn, 300 tờ trình, 17 nghị quyết và đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực hiện nhiệm vụ đối ngoại. Nổi bật là Nghị quyết số 59 ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, một trong "bộ tứ trụ cột" làm nền tảng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Thủ tướng: Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, nhân văn, hiệu quả- Ảnh 5.
Thủ tướng nhấn mạnh, làm rõ thêm một số bài học kinh nghiệm quan trọng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, với trường phái "ngoại giao cây tre", phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến", từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã mở rộng quan hệ ngoại giao từ 189 lên 194 nước, đưa tổng số đối tác chiến lược, đối tác toàn diện lên 37 nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ từ mức đối tác chiến lược trở lên đối với tất cả các nước lớn, toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, toàn bộ các nước G7, 18/20 nước G20.

Ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, trở thành nội dung quan trọng trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, khai thác hiệu quả các cơ hội hợp tác quốc tế. Đặc biệt, công tác ngoại giao vaccine rất thành công, góp phần đưa Việt Nam "đi sau về trước" trong tiêm chủng vaccine, mở cửa sớm, đây là một tiền đề để đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trong thời gian qua.

Công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân được triển khai tích cực, hiệu quả, kịp thời.

Sự phối hợp giữa ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai nhuần nhuyễn, đồng bộ, tạo ra thế trận đối ngoại toàn diện, toàn dân, góp phần quan trọng làm sâu sắc quan hệ của ta với các đối tác, nâng cao vai trò, vị thế của đất nước; đồng thời nâng cao vai trò, uy tín của Đảng ta trên trường quốc tế.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực; quán triệt, kiên trì và quyết tâm triển khai thành công Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.

Thủ tướng: Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, nhân văn, hiệu quả- Ảnh 6.
Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 - 28/8/2025) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng cần chủ động, tích cực hơn nữa trong nghiên cứu, đánh giá chiến lược và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp.

Thủ tướng nhấn mạnh, làm rõ thêm một số bài học kinh nghiệm quan trọng: Giữ vững đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, giữa Bộ Ngoại giao với các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương, giữa Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn để "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"; nắm chắc tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, không để bị động, bất ngờ về chiến lược; xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, nhân văn, hiệu quả.

Mỗi cán bộ ngoại giao là một chiến sĩ tiên phong

Theo Thủ tướng, thời gian tới, dự báo tình hình sẽ có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi; do đó, cần tiếp tục phát huy bản lĩnh, tự tin, kiên trì, kiên định với đường lối cơ bản đã xác định nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, luôn sáng suốt, tỉnh táo trong xử lý các công việc, không hoang mang lo sợ, cũng không chủ quan, lơ là.

Thủ tướng: Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, nhân văn, hiệu quả- Ảnh 7.
Thủ tướng mong rằng với tinh thần trách nhiệm cao của người đảng viên, các đại biểu dự đại hội sẽ nghiêm túc thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 sẽ thành công tốt đẹp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cơ bản thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới đã nêu trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, Thủ tướng đồng thời gợi mở, phân tích, nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể để các đại biểu tiếp tục nghiên cứu và thảo luận trong Đại hội.

Thứ nhất, nghiêm túc quán triệt các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Chính phủ lần thứ I và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I, tổ chức thực hiện hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thứ hai, tiên phong, nòng cốt, chủ động, tích cực, sáng tạo hiệu quả trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới; hoàn thiện lý luận, làm sâu sắc thêm trường phái "ngoại giao cây tre" với "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến"; góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đất nước, góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra (tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao).

Thứ ba, theo dõi, nắm chắc tình hình thế giới và khu vực, tình hình càng biến động, khó lường thì càng phải nắm chắc để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, không để Đảng, Nhà nước bất ngờ về mặt chiến lược, về những vấn đề mới, nhạy cảm phát sinh trong thực hiện đường lối đối ngoại, đặc biệt là nắm chắc, nghiên cứu, phân tích, tham mưu về "đối tác, đối tượng".

Thủ tướng: Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, nhân văn, hiệu quả- Ảnh 8.
Thủ tướng trao quyết định và chụp ảnh chung với Ban Thường vụ Đảng bộ Bộ Ngoại giao - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ tư, góp phần phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa đường lối đối ngoại và đối nội trong phát triển kinh tế - xã hội; tập trung thực hiện 3 trụ cột phát triển đất nước (xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), 3 đột phá chiến lược, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, "sắp xếp lại giang sơn" và các nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; góp phần phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển nhanh nhưng bền vững; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.

Thứ năm, góp phần quốc tế hóa nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới; biến các danh hiệu, di sản văn hóa thành nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Thứ sáu, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phát huy mạnh mẽ tinh thần dân chủ, khát vọng, đam mê, cống hiến và hy sinh của đội ngũ cán bộ ngoại giao, với niềm tin thắng lợi, niềm tin vào chính nghĩa, vượt qua giới hạn của bản thân mình; mỗi cán bộ ngoại giao phải là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đối ngoại.

Thủ tướng: Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, nhân văn, hiệu quả- Ảnh 9.
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tại Đại hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với Chương trình, nội dung của Đại hội, Thủ tướng mong rằng với tinh thần trách nhiệm cao của người đảng viên, các đại biểu dự đại hội sẽ nghiêm túc thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 sẽ thành công tốt đẹp, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành ngoại giao, đóng góp vào những thành tựu, kết quả chung của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Theo baochinhphu.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, nhân văn, hiệu quả