Văn hóa - Du lịch

Hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý, phát huy di sản tư liệu của Việt Nam

Minh Anh 10/05/2024 - 10:32

Việt Nam đã có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Điều này thúc đẩy việc hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu của Việt Nam; đánh dấu bước triển khai hiệu quả quá trình nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

“Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam vừa chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Bà Lê Thị Hồng Vân, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, đây không chỉ là niềm vui riêng với Thừa Thiên Huế, còn là niềm vinh dự và tự hào của người dân Việt Nam.

disantulieupm.jpg
Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh.

Hồ sơ được ghi danh lần này đã nâng tổng số các danh hiệu, di sản UNESCO mà Việt Nam sở hữu lên 68 danh hiệu, góp phần thực hiện vượt mục tiêu “Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030”.

Đây cũng là sự ghi nhận, tin tưởng các nước khu vực và bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tư liệu. Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tham gia và mở rộng sự kết nối, trao đổi các kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu trong khu vực.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World - MOW) của Việt Nam, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá: Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có di sản tư liệu.

Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền cũng chia sẻ, đến nay Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Đây chính là cơ sở thực tiễn để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trở thành một chương mới trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024.

30_209.jpg
Các ma nhai trên lối vào động Tàng Chơn, danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 73 điều), trong đó, dành riêng một chương về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu gồm 11 điều (từ Điều 50 đến Điều 60).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý, phát huy di sản tư liệu của Việt Nam