Trong 2 ngày 11-12/10, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Phương Mai - cựu Chủ tịch HĐQT Cty CP tư vấn Kiến trúc đô thị Hà Nội (UAC) về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, ngày 14/3, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử tuyên phat bị cáo Nguyễn Phương Mai (SN 1960, trú tại phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lĩnh án tù chung thân về hai tội danh trên.
Theo cáo trạng truy tố, Công ty Cổ phần tư vấn Kiến trúc đô thị Hà Nội thuộc quản lý của Tổng Công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (viết tắt là UDIC). Từ tháng 12/2009 đến tháng 1/2013, Công ty Cổ phần tư vấn Kiến trúc đô thị Hà Nội do Nguyễn Phương Mai làm Chủ tịch HĐQT.
Tháng 7/2008, UAC liên doanh với 3 doanh nghiệp khác để thực hiện dự án phát triển nhà ở tại khu đô thị Đông Nam, đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Để tham gia liên doanh, UAC ra chủ trương huy động vốn để đầu tư vào dự án.
Bị cáo Nguyễn Phương Mai tại phiên tòa phúc thẩm chiều ngày 12/10
Đến tháng 1/2013, do thị trường bất động sản sụt giảm, UAC đã rút toàn bộ vốn khỏi dự án phát triển nhà tại khu đô thị Đông Nam.
Với tư cách Chủ tịch HĐQT là người đại diện pháp luật của UAC, bị cáo Nguyễn Phương Mai đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao thực hiện việc ký kết các thỏa thuận hợp tác, thỏa thuận vay vốn, hợp đồng vay vốn, dùng dấu của công ty đóng nhưng các phiếu thu tiền không phải do công ty phát hành.
Chữ ký của kế toán, thủ quỹ là giả, đóng con dấu giả “đã thu tiền” trên phiếu thu tiền của 13 bị hại dưới hình thức các cá nhân này cho UAC vay vốn để được quyền mua nhà tại dự án trên với số tiền là hơn 29,3 tỷ đồng.
Số tiền này Phương Mai không đưa vào hệ thống sổ sách, không nhập tiền vào quỹ của UAC mà đã chiếm đoạt toàn bộ.
Sự việc bị lộ khi những bị hại nộp tiền cho bị cáo Mai không được UAC mời lên để ký hợp đồng mua nhà nên họ có đề nghị rút lại tiền nhưng cựu Chủ tịch HĐQT lẩn tránh không thực hiện.
Đồng thời, quá trình làm việc với UAC thì những người này được biết toàn bộ phiếu thu của họ nhận từ bị cáo Mai không phải do Phòng Tài chính kế toán của UAC phát hành, chữ ký của kế toán và thủ quỹ trong phiếu thu là chữ ký giả. Toàn bộ tài liệu như thỏa thuận vay vốn và phiếu thu tiền trên đều không nằm trong hệ thống sổ sách do UAC quản lý.
Theo tài liệu tố tụng, cơ quan công an còn nhận được đơn của bà Bùi Thị Mỹ Hạnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y tế Đức Hạnh (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) và bà trần Thị Lan Hương – Giám đốc Công ty TNHH Vinh Hạnh (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tố cáo Phương Mai có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan tố tụng làm rõ, dù không có chức năng cấp giấy phép xây dựng nhưng bị cáo tự nhận có quan hệ với nhiều đồng chí là lãnh đạo của UBND TP Hà Nội và ngành có liên quan về cấp phép xây dựng.
Do tin tưởng nên bà Hạnh đã đưa cho Mai 1 tỷ đồng lo giấy phép xây dựng. Sau khi cầm tiền, Phương Mai đã không liên hệ với bất cứ ai để nhờ nâng cấp xây dựng như đã hứa.
Đối với bị hại là bà Lan Hương, dù không có chức năng và nhiệm vụ về việc thay đổi quy hoạch và mục đích sử dụng đất ở lâu dài xây dựng chưng cư cao cấp, nhưng Phương Mai vẫn tự giới thiệu có mối quan hệ với các đồng chí lãnh đạo Hà Nội có thể giúp được công việc cho bà Hương, xin giấy phép thay đổi quy hoạch sử dụng đất xây dựng chung cư.
Tin tưởng, bà Lan Hương đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn về việc thay đổi quy hoạch và mục đích sử dụng đất với cựu Chủ tịch UAC. Phương Mai được tạm ứng trước 50% giá trị hợp đồng với số tiền là 30.000USD. Sau khi nhận tiền, Phương Mai không thực hiện theo nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng mà chiếm đoạt số tiền trên.
Tại phiên tòa, sau khi nghị án căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan, HĐXX nhận thấy trong vụ án này có nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên quyết định chấp thuận đề nghị của đại diện Viện KSND hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.