Sáng 27/4, Ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên-Quân đoàn 3 tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập (1/5/1964 - 1/5/2024). Trong không khí trang nghiêm, những kỷ niệm của chiến trường năm xưa được nhắc lại, dấu ấn được ôn lại vẹn nguyên với những người lính cụ Hồ.
Tới dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tham dự buổi gặp mặt có các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tướng lĩnh quân đội các thời kỳ, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, thân nhân gia đình các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Tây Nguyên-Quân đoàn 3 tại Hà Nội và khu vực phía Bắc.
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Võ Minh Lương bày tỏ vui mừng được gặp các tướng lĩnh, cựu chiến binh, những người đã từng sống, chiến đấu trong đội Mặt trận Tây Nguyên-Quân đoàn 3 với những chiến thắng vang dội, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, nhân dân cả nước hoàn thành sứ mệnh lịch sử Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi ôn lại vị trí, vai trò và những chiến công vẻ vang của Mặt trận Tây Nguyên-Quân đoàn 3, Thượng tướng Võ Minh Lương vui mừng được biết với nghĩa tình đồng đội sâu sắc, trong nhiều năm qua, Ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên-Quân đoàn 3 đã tập hợp các cựu chiến binh, thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực; động viên, thăm hỏi, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống; thu thập thông tin, tìm kiếm đồng đội hy sinh; xây dựng các di tích nhằm tri ân những người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc để giáo dục các thế hệ trẻ không quên sự hy sinh của thế hệ cha, ông…
Thượng tướng Võ Minh Lương mong muốn các cựu chiến binh Mặt trận Tây Nguyên-Quân đoàn 3 dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ; truyền thống kiên trung, bất khuất của Bộ đội Tây Nguyên, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Có mặt tại buổi lễ, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, người “kiến trúc sư trưởng” của tập thể cán bộ tham mưu đầy tài năng dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, đã xây dựng phương án tấn công địch không có phòng ngự, đỉnh cao của nghệ thuật nghi binh “dương Đông, kích Tây”, “tương kế, tựu kế”… chia sẻ trong xúc động:
"Thắng lợi của chiến trường miền Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng là của tất cả lực lượng tập hợp của toàn nhân dân, không riêng người dân một vùng nào. Đó là những chiến công vẻ vang của cả dân tộc, cả đất nước Việt Nam.
Giờ trong tại Hội trường này, các đồng chí có cơ hội trở lại Tây Nguyên sẽ không còn nhận ra nơi ngày xưa đã từng là chiến trường ác liệt. Thay vào đó là những địa danh sánh vai với các tỉnh, thành phố phát triển vững mạnh trong cả nước và các quốc gia khác. Càng như vậy, chúng tôi càng thấy tự hào về những đóng góp của mình, của đồng đội chúng tôi tại đó.
Bên cạnh những dòng nhựa trắng của các cánh rừng cao su có trong đó là những dòng máu đỏ của đồng đội, chiến sĩ chúng tôi. Và cũng như những tình cảm thuần khiết, sự bao bọc của đồng bào nơi đây dành cho các chiến sĩ năm xưa. Tôi còn nhớ mãi, những ngày nạn đói năm 1968, 1969, hàng nghìn chiến sỹ phải sống nhờ những củ sắn, củ mài, cọng măng của bà con đồng bào. Dù khó khăn, gian khổ họ vẫn bám bản để cùng bộ đội đấu tranh.
Nên giờ, các đồng chí có mặt tại đây dù trong hoàn cảnh nào thì chúng ta cũng hưởng trọn 60 năm tự hào, kết quả của mặt trận Tây Nguyên. Nên giờ, các chiến sĩ còn điều kiện về sức khoẻ hãy trở lại những địa danh của mặt trận thời điểm khốc liệt đó. Để nhớ lại, thắp một nén hương để tưởng nhớ, để tiếp nối truyền thống mà đồng đội chúng ta để lại. Và cũng là tri ân với đồng bào các dân tộc nơi đây."
Nghe những lời chia sẻ đầy tâm huyết của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, các cựu chiến binh có mặt tại Hội trường vô cùng xúc động. Những buổi kỷ niệm như thế này không chỉ là dịp để thế hệ tương lai của đất nước được tri ân, được tự hào về thế hệ cha ông của mình mà còn là dịp để những kỷ niệm không thể nào quên của các cán bộ chiến sỹ được ôn lại và vang mãi. Đồng thời cũng cho thấy, Đảng và Nhà nước sẽ mãi khắc ghi những công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, các cựu chiến binh đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Buổi gặp mặt kỷ niệm 60 năm ngày thành lập mặt trận Tây Nguyên đã thành công tốt đẹp và để lại những ấn tượng sâu sắc trong trái tim những người tham dự.
Tây nguyên là vùng đất chiến lược về quân sự, quốc phòng, có tiềm năng to lớn về kinh tế và những nét văn hóa dân tộc độc đáo. Trong chiến tranh thống nhất đất nước, cả ta và địch đều nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của Tây Nguyên. Ngày 01/5/1965, Mặt trận Tây nguyên được thành lập thì tháng 10/1965, Mỹ và chư hầu đã chính thức đưa quân lên tham chiến tại vùng này. Trong suốt 11 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên chiến trường Tây nguyên đã có nhiều chiến dịch quân sự quy mô lớn được mở ra, nhiều trận đánh ác liệt với nhiều loại khí tài quân sự, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Hầu hết những Sư đoàn thiện chiến nhất của Mỹ, ngụy đều được điều động tham chiến tại chiến trường này. Những chiến dịch nổi tiếng như Playme cuối năm 1965, chiến dịch Đông và Tây Sa Thầy năm 1966, chiến dịch Đắk Tô 1 (1967), Đắk Tô 2 (1969), chiến dịch Đắk Siêng 1970, Nam đường 18 năm 1971 đã đi vào lịch sử dân tộc, ghi lại những dấu son chói lọi trong quân sử Việt Nam. Đặc biệt, đòn tiến công chiến lược xuân Mậu Thân 1968 và chiến dịch xuân hè 1972 đã làm thay đổi cục diện chiến trường Tây nguyên, gây thiệt hại nặng nề cho địch và cục diện chiến trường nghiêng về hướng có lợi cho ta. Đặc biệt, chiến dịch Tây Nguyên tháng 3 năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn cao nguyên và các tỉnh duyên hải từ Bình Định đến Phú Yên, giáng cho địch một đòn chí mạng, tạo tiền đề cho sự sụp đổ hoàn toàn và tan rã nhanh chóng của chế độ Sài Gòn một tháng sau đó.
Nối tiếp truyền thống của bộ đội chủ lực Tây Nguyên, Quân đoàn 3 đã lập nhiều chiến công vang dội. Chỉ sau một tháng thành lập đã đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh chiếm 2/5 mục tiêu chủ yếu của chiến dịch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Quân đoàn 3 lại nhận nhiệm vụ giải quyết hậu quả chiến tranh, xây dựng chính quyền non trẻ, tham gia truy quét Phun rô. Quân đoàn 3 cũng cơ động bảo vệ biên giới phía nam tổ quốc và giúp nước bạn Cam-Pu-Chia đánh đuổi quân diệt chủng Pôn-Pốt. Năm 1979, Quân đoàn 3 lại cơ động ngược về biên giới phía Bắc. Sau 9 năm xây dựng, huấn luyện và tham gia chiến đấu, năm 1987, theo yêu cầu bố trí chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Quân đoàn 3 lại di chuyển toàn bộ về Tây Nguyên, tiếp tục sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng đất chiến lược của Tổ quốc cho đến ngày hôm nay. Sau chiến dịch Tây Nguyên, để phát triển lực lượng nhằm đẩy mạnh tốc độ tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, căn cứ Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 26/3/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định thành lập Quân đoàn 3 gồm hầu hết các đơn vị chủ lực tham gia chiến trường Tây Nguyên thời kỳ đó.