Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư quy định ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT về việc ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ hộ gia đình.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký ban hành Thông tư số 53/2017/TT-BTNMT quy định ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT về việc ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ hộ gia đình, gây ồn ào dư luận suốt thời gian qua.
Điều 1 của Thông tư 53 nêu rõ: “Ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai từ ngày 5/12/2017 đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về vấn đề này”.
Thông tư 53 có hiệu lực thi hành từ ngày hôm nay (5/12). Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Thông tư 53. UBND các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết.
Ảnh minh họa
Trước đó, ngày 29 tháng 9 năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và có hiệu lực từ ngày 05 tháng 12 năm 2017. Tuy nhiên, sau khi Thông tư được ban hành, dư luận và người dân có một số ý kiến băn khoăn về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện; trong đó, lo ngại làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, nhũng nhiễu khi thực hiện…
Bộ Tài nguyên và Môi trường một lần nữa khẳng định việc hướng dẫn ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất đối với trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình tại Khoản 5 Điều 6 của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT là phù hợp với quy định tại Khoản 29 Điều 3, Khoản 1 Điều 97 và Khoản 2 Điều 98 của Luật Đất đai; Điều 101 và Điều 212 của Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết do trước đây, pháp luật về đất đai hướng dẫn ghi đại diện của hộ gia đình sử dụng đất trên Giấy chứng nhận. Trong quá trình thực hiện các giao dịch về quyền của người sử dụng đất, việc ghi tên hộ gia đình trên Giấy chứng nhận như trên đã bộc lộ tồn tại, hạn chế như nhà nước còn gặp khó khăn khi thực hiện bảo hộ quyền sử dụng đất hợp pháp của các thành viên hộ gia đình sử dụng đất khi có những rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện giao dịch dân sự do quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình không được xác lập cụ thể; Phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp về quyền sử dụng đất của các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, trong khi việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp lại rất khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý và thường kéo dài.
Trước thực tế nêu trên, ngày 09/12/2016 , tại Thông báo số 395/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các quy định pháp luật liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chủ động sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận, tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện các giao dịch bảo đảm.
Về một số ý kiến băn khoăn của dư luận và vướng mắc có thể phát sinh khi áp dụng Thông tư 33, Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích nhiều người dân và dư luận hiểu nhầm quy định về tên các thành viên trong sổ hộ khẩu và các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình được ghi trên Giấy chứng nhận.
Theo đó, đối tượng áp dụng của quy định này chỉ điều chỉnh cho chủ thể sử dụng đất là “hộ gia đình” mà trong đó có các thành viên có chung quyền sử dụng đất; các trường hợp khác như quyền sử dụng đất của cá nhân, của vợ và chồng, dòng họ… thì vẫn áp dụng theo quy định hiện hành (Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT).
Việc ghi tên người sử dụng đất trên Giấy chứng nhận đối với quy định này chỉ áp dụng đối với thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình theo quy định tại Khoản 29 Điều 3 của Luật Đất đai (theo đó, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất) mà không phải là nhân khẩu trong Sổ hộ khẩu như dư luận lo ngại.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc áp dụng Thông tư 33 không làm phát sinh thêm bất cứ thủ tục nào. Tuy nhiên, với mong muốn tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, và mỗi người dân đều hiểu rõ quyền, lợi ích của việc ghi tên từng thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình trên giấy chứng nhận; đồng thời để các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị điều kiện triển khai thực hiện tốt hơn, hiểu chính xác và đầy đủ quy định trong thông tư 33/2017/TT-BTNMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian có hiệu lực của quy định tại Khoản 5 Điều 6 của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về vấn đề này.