Trong bối cảnh tình hình thị trường còn khó khăn, doanh nghiệp có dòng tiền yếu, tỷ lệ vay nợ cao và nguồn tiền mặt để trả nợ rất hạn chế, vì vậy theo Bộ Tài chính các doanh nghiệp bất động sản cần được theo dõi chặt chẽ về khả năng thanh toán nợ trái phiếu.
Khó khăn trong thanh toán 35,8 nghìn tỷ đồng nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn
Theo Bộ Tài chính, hiện nay pháp luật về doanh nghiệp (DN), chứng khoán, tổ chức tín dụng không có quy định về chia nhóm DN theo nhóm có khả năng trả nợ, nhóm có nguy cơ mất khả năng thanh toán, nhóm không có khả năng thanh toán.
Tuy nhiên, để phân tích và nhận định rủi ro, Bộ Tài chính tiếp tục căn cứ vào báo cáo tài chính mới nhất của DN phát hành trái phiếu cung cấp cho HNX (Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội) để chia các DN có trái phiếu đáo hạn năm 2024 theo 03 nhóm: (i) rất khó khăn trong việc trả nợ, (ii) có khả năng gặp khó khăn trả nợ, (iii) các DN còn lại.
Theo đó, nhóm thứ nhất bao gồm các DN rất khó khăn trong việc trả nợ (âm vốn chủ sở hữu); Nhóm thứ hai, bao gồm các DN có khả năng gặp khó khăn trả nợ (kết quả kinh doanh thua lỗ và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên); Nhóm thứ ba bao gồm các DN còn lại.
Đáng chú ý, đối với trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) theo phân loại như trên Bộ Tài chính đưa ra những con số kèm với những đánh giá rất đáng lưu tâm.
Về dư nợ trái phiếu của loại hình doanh nghiệp BĐS hiện là 351,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 34,8% tổng dư nợ) do 182 DN BĐS phát hành, trong đó nhà đầu tư tổ chức nắm giữ 58,6%, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 41,4%. Về loại hình trái phiếu: trái phiếu có bảo đảm khoảng 285,2 nghìn tỷ đồng (81,2%), trái phiếu không có bảo đảm khoảng 66,2 nghìn tỷ đồng (18,8%). Trong số trái phiếu không có bảo đảm thì nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 74,7%.
Về khối lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 là 99,6 nghìn tỷ đồng do 92 tổ chức phát hành, trong đó trái phiếu không có bảo đảm do nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 5,9%. Về loại hình trái phiếu: Trái phiếu có bảo đảm khoảng 91,8 nghìn tỷ đồng (92,2%); trái phiếu không có bảo đảm khoảng 7,7 nghìn tỷ đồng (7,8%).
Nếu phân loại theo tiêu chí nêu trên thì các DN BĐS dự kiến có khó khăn trong thanh toán nợ TPDN đến hạn là 35,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 35,9% khối lượng trái phiếu đáo hạn của các DN BĐS), bao gồm; (i) rất khó khăn trong việc trả nợ: 3 DN với khối lượng 4,6 nghìn tỷ đồng; (ii) có khả năng gặp khó khăn trả nợ: 18 DN với khối lượng 31,2 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, 3 DN rất khó khăn trong việc trả nợ 4,6 nghìn tỷ đồng gồm có: CTCP Du lịch và Đầu tư xây dựng Châu Á, Công ty CP phát triển BDS Nhật Quang, CTCP đầu tư Smart Dragon đều có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu âm 8,8 lần.
18 DN có khả năng gặp khó khăn trả nợ 31,2 nghìn tỷ đồng do kết quả kinh doanh thua lỗ và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên gồm: Công ty TNHH phát triển BĐS An Khang, Công ty TCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex-Bình Phước, Công ty TNHH Phát triển BĐS Cát Liên Hoa, Công ty CP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương, Công ty CP Fuji Nutri Food, Công ty CP Đầu tư Golden Hill, Công ty TNHH Đầu tư Phú Thịnh Phát, Công ty CP Dịch vụ đầu tư Lucky House, Công ty CP Marina Mekong, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nam An, Công ty CP North Star Holdings, Công ty CP Phú Thọ Land, Công ty CP Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam, Công ty CP Đầu tư Technical, Công ty TNHH thành phố AQUA, Công ty TNHH BĐS Vĩnh Xuân.
Dự báo tình hình thị trường năm 2024, theo Bộ Tài chính, khối lượng đáo hạn TPDN trong năm 2024 có giảm so với năm 2023 nhưng vẫn ở mức cao, trong đó tập trung vào các ngành rủi ro thanh toán như BĐS.
Theo Bộ này, thị trường BĐS có dấu hiệu dần hồi phục nhưng dự báo vẫn chưa hết khó khăn. Mặc dù Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà và Luật Kinh doanh BĐS mới được ban hành dự kiến sẽ góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực này, tuy nhiên, các chính sách nêu trên từ năm 2025 mới có hiệu lực.
Trong khi đó các DN BĐS vẫn gặp nhiều khó khăn, theo số liệu của Bộ KH&ĐT số lượng DN giải thể, ngừng kinh doanh trong năm 2023 lần lượt là 1.286 doanh nghiệp (tăng 7,7% so với năm 2022) và 3.705 doanh nghiệp (tăng 47,4% so với năm 2022), các DN BĐS vẫn thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai) cũng như đáo hạn các nghĩa vụ nợ.
“Dự kiến tình hình thị trường BĐS vẫn còn khó khăn, DN BĐS có dòng tiền yếu, tỷ lệ vay nợ cao và nguồn tiền mặt để trả nợ rất hạn chế, tiêm ẩn nhiều rủi ro. Theo đó, các DN BĐS cần được tiếp tục theo dõi chặt chẽ về khả năng thanh toán nợ trái phiếu”, Bộ Tài chính lưu ý.
Trong năm 2024, để ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường BĐS, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS theo nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP, tạo điều kiện cho các DN BĐS tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi đề hỗ trợ phục hồi, phát triển; đồng thời khẩn trương xây dựng trình Chính phủ các văn bản hướng dân Luật Kinh doanh BĐS, trong đó bao gồm các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh BĐS và cơ chế quản lý, giám sát.
92 doanh nghiệp BĐS sắp đáo hạn trái phiếu gần 100.000 tỷ đồng
Trước đó, để phối hợp trong công tác quản lý, giám sát thị trường TPDN, Bộ Tài chính cung cấp danh sách các doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu riêng lẻ còn dư nợ tại thời diểm 31/12/2023 và có trái phiếu đáo hạn trong năm 2024.
Đáng chú ý, trong danh sách Bộ Tài chính cung cấp, có thể kể tới một số doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu rất lớn như: Công ty TNHH Capitaland Tower (12.240 tỷ đồng), Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - CTCP (10.406 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát (10.000 tỷ đồng), Công ty CP Bất động sản Hano-vid (9.544 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư và cho thuê tài sản TNL (9.299 tỷ đồng), Công ty CP Bất động sản Mỹ (7.773 tỷ đồng), CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (6.517 tỷ đồng), Công ty CP đầu tư Quang Thuận (6.000 tỷ đồng)… Tổng dư nợ trái phiếu của 182 doanh nghiệp trong danh sách là 351.390 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng công bố danh sách 92 doanh nghiệp sắp đáo hạn trái phiếu với tổng giá trị 99.558 tỷ đồng. Trong đó, đứng “top” đầu gồm có: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Hưng Yên có số trái phiếu đáo hạn lớn nhất (7.200 tỷ đồng). Tiếp đó là Công ty CP Đầu tư Golden Hill (5.760 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư kinh doanh Nam An (4.700 tỷ đồng), Công ty TNHH BĐS Lan Việt (4.100 tỷ đồng), Công ty CP Kinh doanh BĐS S Việt Nam (2.500 tỷ đồng), Công ty CP Phát triển BĐS Nhật Quang (2.150 tỷ đồng), Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (2.000 tỷ đồng)…