Tại phiên trả lời chất vấn trong Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm thừa nhận còn tình trạng nhũng nhiễu, bôi trơn khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) khiến người dân bức xúc.
Chiều 11/7, phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Thực hiện chương trình kỳ họp, HĐND tỉnh tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn thực hiện chức năng giám sát của HĐND.
Đây là hoạt động luôn được cử tri và nhân dân quan tâm. Thực hiện tốt việc chất vấn và trả lời chất vấn sẽ thể hiện rõ nét vai trò, vị thế, trách nhiệm của HĐND, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Việc lựa chọn nội dung chất vấn và người được chất vấn là những nội dung được đông đảo cử tri và đại biểu quan tâm, liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của nhân dân và tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Sau khi phân tích, đánh giá, tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh lựa chọn chất vấn 2 thành viên UBND tỉnh là Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo.
Thành phần cùng tham gia chất vấn và trả lời chất vấn là đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan và Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai của tỉnh.
Bên cạnh trả lời của người được chất vấn, chủ tọa sẽ yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tham gia làm rõ một số nội dung có liên quan, sau đó mời đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực có ý kiến; thời gian không quá 5 phút/1 người.
Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa Lê Sỹ Nghiêm đã báo cáo giải trình về tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài khiến người dân bức xúc, gây lãng phí tài nguyên. Tình trạng cấp sổ đỏ lần đầu trong năm 2022 tăng đột biến lên 2,55 lần, hồ sơ quá hạn 3,4%.
Sang năm 2023 hồ sơ có giảm xuống và quá hạn chỉ còn 2,5%. Số hồ sơ cấp đổi trả lại còn nhiều do nhiều nguyên nhân trong đó có thay đổi về diện tích, khó khăn trong quá trình đo đạc.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng dẫn ra câu chuyện có cử tri Đặng Ngọc Vinh là thương binh nặng hơn 70 tuổi (ở Quảng Đại, Sầm Sơn) lên tận nhà ông để kêu cứu về tình trạng sách nhiễu trong cấp sổ đỏ cho gia đình. Khi kiểm tra tại Sầm Sơn xác định rõ hồ sơ của ông Vinh đầy đủ, đúng quy định của pháp luật nhưng Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Sầm Sơn thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, gây khó cho người dân.
Ngay tại kỳ họp, qua đường dây nóng cử tri xã Thanh Sơn (Nghi Sơn) phản ánh phải đóng 20 triệu đồng cho địa chính xã mới được làm sổ đỏ. Bí thư Hưng tiếp thu và chuyển cho lãnh đạo Nghi Sơn kiểm tra, xác minh, xử lý nếu có tiêu cực.
Ông Lê Sỹ Nghiêm thừa nhận còn tình trạng sách nhiễu, bôi trơn của cán bộ khi cấp sổ đỏ cho người dân. Sở đã nhận được 149 đơn thư còn tin nhắn, phản ánh của báo chí thì rất nhiều. Hiện, hồ sơ người dân có thể nộp tại UBND xã, hoặc chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc cấp huyện, thị, thành phố). Vì vậy cần làm rõ trách nhiệm tại xã, chi nhánh, phòng Tài nguyên môi trường, lãnh đạo huyện.
Về giải pháp khắc phục, ông Lê Sỹ Nghiêm đưa ra việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính. Thường xuyên thanh, kiểm tra cán bộ thực thi nhiệm vụ cấp sổ đỏ. Thời gian qua, Sở đã tiến hành siết chặt quản lý, đã buộc thôi việc 1 viên chức, cảnh cáo 3 cán bộ, khiển trách 5 cán bộ thuộc Văn phòng Đăng ký quyền sủ dụng đất.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra ở các khâu nhạy cảm, dễ xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực như hồ sơ trả lại. Việc trả lại xem có đúng không, đủ chưa, hợp lí hay không và thành 3 liên (người dân, văn phòng, báo cáo tỉnh) để kiểm soát. Liên quan tới việc đo đạc, xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất cần được tập trung, công khai để người dân giám sát.
Sắp tới Sở sẽ phối hợp với các địa phương đồng loạt làm hồ sơ cấp sổ cho từng thôn, xã 1 lượt để người dân giám sát chéo. Nếu có tiêu cực thì sẽ dễ phát hiện, xử lý từ sớm.
Nhiều đại biểu tại Kỳ họp đã chất vấn nhiều vấn đề liên quan tới thủ tục, trình tự thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật đất đai, hoặc chậm làm hồ sơ đo đạc, giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án…
Theo báo cáo kết quả khảo sát của HĐND tỉnh Thanh Hóa vào cuối tháng 5/2022 về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh còn tồn đọng nhiều hồ sơ về đất đai.
Trong giai đoạn 2018 - 2021 cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giải quyết chậm 7.416 hồ sơ về đất đai, có hồ sơ trả lại đến 3 lần.
“Một số công chức, viên chức có biểu hiện phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực” cũng đã được HĐND tỉnh Thanh Hóa chỉ ra. Đây là biểu hiện tiêu cực “hành dân” đòi “bôi trơn” của một số cán bộ, công chức cấp xã, phường trong việc thực thi nhiệm vụ.