Nhịp cầu Công lý

Vụ làm giả thông tin trong 12 Sổ đỏ ở Bắc Giang: Vì sao hồ sơ giả “qua mặt” nhiều cán bộ một cách dễ dàng?

K.Lâm 12/11/2023 09:39

Trong số 12 Sổ đỏ mà Giang Văn Việt (nguyên Giám đốc Công ty Đo đạc Giang Gia) đã làm giả thông tin về chuyển mục đích sử dụng sang đất ở thì có ít nhất 6 Sổ đỏ được quay trở lại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai (CNVPĐKĐĐ) huyện Lục Ngạn, Bắc Giang để làm thủ tục tách thửa, sang tên hoặc cấp sổ mới. Điều khó hiểu là tài liệu đất đai gian dối này đã dễ dàng “qua mặt” cán bộ thẩm định, “vượt” qua hàng loạt thủ tục để trở thành “đất sạch”...

Cần xem xét vai trò đồng phạm

Như đã Công lý đã thông tin, bị cáo Giang Văn Việt và bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (công chức Địa chính -Xây dựng xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) đã tự nhận mình làm được thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa đất để ra giá, nhận tiền của các hộ dân.

a.jpg
b.jpg
Giang Văn Việt và Nguyễn Mạnh Hùng tại thời điểm bị bắt tạm giam (ảnh:baobacgiang.com)

Theo cơ quan điều tra, Việt đã sử dụng máy tính để soạn thảo và in thông tin sai lệch (về diện tích chuyển mục đích sử dụng sang đất ở..) lên 12 Sổ đỏ gốc của 11 hộ dân. Sau đó, Việt giả chữ ký lãnh đạo CNVPĐKĐĐ huyện Lục Ngạn để xác nhận nội dung chỉnh lý tại Sổ đỏ.

Để hoàn chỉnh, Việt đã đến trụ sở CNVPĐKĐĐ huyện Lục Ngạn, lấy dấu của đơn vị đóng vào phần đã ký giả, đồng thời vào phòng để hồ sơ tự chỉnh sửa nội dung trong Sổ địa chính để phù hợp với thông tin đã làm giả trong Sổ đỏ.

Khi chủ đất có nhu cầu tách thửa, Việt lập hồ sơ xin tách thửa, xin cấp đổi Sổ đỏ và nộp hồ sơ (cùng Sổ đỏ đã in thông tin giả) ở bộ phận một cửa UBND huyện Lục Ngạn. Khi có kết quả, Việt nhận lại hồ sơ từ cán bộ CNVPĐKĐĐ rồi trả Sổ đỏ cho chủ đất. Còn hồ sơ và Sổ đỏ cũ thì Việt đem đốt, tiêu hủy để phi tang chứng cứ.

Với thủ đoạn trên, trong năm 2020 và 2021, Việt đã làm giả thông tin trong 12 Sổ đỏ, trực tiếp chiếm đoạt của 5 bị hại hơn 921 triệu đồng. Hùng nhờ Việt làm giả thông tin trong 6 Sổ đỏ và trực tiếp đến CNVPĐKĐĐ, lấy dấu đóng dấu lên 2/6 Sổ đỏ, chiếm đoạt của 6 bị hại hơn 930 triệu đồng.

Với hành vị trên, Việt, Hùng cùng bị truy tố về tội “Làm giả, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Riêng Việt bị truy tố thêm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Hùng bị truy tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Trước việc truy tố trên, một số Luật sư cho rằng, Việt và Hùng không chỉ đồng phạm về tội “Làm giả, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” mà còn có dấu hiệu đồng phạm về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Luật sư Nguyễn Trung Thành (Đoàn LS Hà Nội) nêu quan điểm, theo quy định thì chỉ cần các đối tượng “ngầm hiểu” với nhau để thực hiện tội phạm thì đã có dấu hiệu của việc đồng phạm. Trong vụ án này, Việt đã làm giả thông tin trong Sổ đỏ để lấy của mỗi hộ dân hàng trăm triệu. Vì vậy, nếu bảo bị cáo này không biết Hùng cũng thu lợi từ việc làm giả Sổ đỏ cho các hộ dân khác là điều khó tin.

Cơ quan điều tra thấy “không cần thiết” thực nghiệm điều tra theo yêu cầu của Tòa

Trong vụ án này, Giám đốc CNVPĐKĐĐ huyện Lục Ngạn là Trương Văn Tư cũng bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do bị cho là không ban hành quy chế quản lý, sử dụng con dấu của đơn vị; không có văn bản phân công cụ thể cho người kiêm nghiệm quản lý con dấu, quản lý sổ địa chính, dẫn tới việc để Việt và Hùng lợi dụng sơ hở tự ý đóng dấu của CNVPĐKĐĐ trên các Sổ đỏ đã in thông tin giả, tự ghi các nội dung giả mạo vào sổ địa chính, gây thiệt hại cho những người bị Hùng, Việt chiếm đoạt là trên 1,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bị cáo Tư kêu oan và khẳng định việc bị cáo không có văn bảng phân công người quản lý con dấu không phải là nguyên nhân dẫn đến việc Việt, Hùng phạm tội bởi bị cáo đã có phân công miệng cho bà Vi Thị Chinh (kế toán) quản lý con dấu. Trên thực tế, dấu để ở phòng bà Chinh và bà này cũng là người thường xuyên đóng dấu vào các công văn của đơn vị. Bản thân bà Chinh trong báo cáo và một số lời khai đều thừa nhận “người ngoài không được tự ý đóng dấu, tôi không cho tự ý đóng dấu… Cán bộ nào đóng dấu sẽ sang gặp tôi hoặc Thu (cán bộ hợp đồng- PV) xin đóng dấu…”

Phù hợp với nội dung trên, bị cáo Việt cũng từng khai nhận: khi vào phòng có hỏi mượn bà Chinh con dấu để đóng vào hồ sơ.

Tại CQĐT cũng như tại phiên tòa, Việt và Hùng cho biết, do có mối quan hệ quen biết với cán bộ CNVPĐKĐĐ, bị cáo đã đến phòng bà Chinh (kế toán) và bà Thu hỏi xem có ai thì mượn dấu để đóng, hoặc tự ý lấy dấu để đóng vào Sổ đỏ đã in sẵn thông tin giả.

Với diễn biến trên, HĐXX TAND tỉnh Bắc Giang đã từng trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ về trách nhiệm của Chinh và Thu cùng với Tư trong vụ án này. Đặc biệt, theo HĐXX, tại phiên tòa, bị cáo Hùng có khai về việc có lần đến CNVPĐKĐĐ đã nhờ bà Chinh đóng dấu trên các trích đo và Sổ đỏ giả. Vì vậy, cần làm rõ lời khai này và cần thực nghiệm điều tra, cho bị cáo Hùng đến CNVPDKĐĐ huyện Lục Ngạn đóng dấu trên các chữ ký giả trong Sổ đỏ.

Đáng tiếc là yêu cầu này đã không được CQĐT thực hiện vì thấy “không cần thiết”. Thay vào đó, CQĐT chỉ cho Hùng vẽ lại vị trí để dấu, mô tả lại việc lấy dấu đóng và đưa ra kết luận rằng, Hùng là người trực tiếp đóng dấu trên Sổ đỏ của bà T.T.L và ông L.V.V. Còn bà Chinh không giúp Hùng đóng dấu những trường hợp này.

Tuy nhiên, gia đình bị cáo Tư thì vẫn cho rằng việc cho thực nghiệm điều tra theo yêu cầu của Tòa là cần thiết để làm rõ bị cáo Hùng có đúng là người đóng dấu không, hay phải cần sự “hỗ trợ” người khác.

Sổ đỏ giả dễ dàng “lọt” quy trình 14 bước

Trong 12 Sổ đỏ mang thông tin giả về chuyển mục đích sử dụng đất ở mà Việt đã làm giả thì đã có ít nhất 6 Sổ đỏ được quay trở lại CNVPĐKĐĐ huyện Lục Ngạn để các cán bộ ở đây làm thủ tục tách thửa, sang tên hoặc cấp Sổ đỏ mới. Điều khó hiểu là những tài liệu đất đai gian dối này đều đã dễ dàng lọt qua 14 bước theo quy trình hành chính, trong đó có những thủ tục khá quan trọng như: kiểm tra, xác định nghĩa vụ tài chính (với hóa đơn, chứng từ liên quan); cán bộ thẩm định sự phù hợp, đầy đủ của các tài liệu; lãnh đạo Chi nhánh ký duyệt hồ sơ, cập nhật hồ sơ địa chính…

Đơn cử như vụ việc của bà N.T.T (xã Quý Sơn), Việt đã in giả thông tin chuyển mục đích sử dụng 70m2 đất ở trên Sổ đỏ cho bà này với giá 121,4 triệu đồng. Sau đó, bà T có nhu cầu cấp đổi Sổ đỏ để đứng tên mình ở trang chính chứ không phải trang chỉnh lý như Sổ đỏ cũ.

Ông Trần Triệu Sơn (Phó Giám đốc CNVPĐKĐĐ) đã trực tiếp duyệt hồ sơ trên, rồi đưa Sổ đỏ mới cho Việt “nhờ” mang sang bộ phận một cửa để trả kết quả cho bà T. Lợi dụng việc được nhờ này, Việt đã tự ý cầm Sổ đỏ về đưa cho bà T, còn hồ sơ và Sổ đỏ cũ thì Việt đốt, hủy nhằm giấu diếm vụ việc. Đến khi công an vào cuộc, ông Sơn đã cùng Việt trực tiếp đến thuyết phục bà T. để lấy lại vật chứng là Sổ đỏ đã cấp sai trước đó.

Gia đình bị cáo Tư cho rằng, việc ông Sơn không thực hiện đúng quy trình, để Việt mang hồ sơ về bộ phận một cửa đã khiến hành vi phạm tội được che dấu ở khâu cuối. Nếu làm đúng quy trình thì vụ việc đã bị phát hiện, ngăn chặn từ những vụ đầu tiên chứ không thể kéo dài đến 11 trường hợp được.

Vì việc làm của mình, ông Sơn đã được Việt đưa phong bì để “cảm ơn”. Đến giai đoạn điều tra thì ông Sơn đã nộp CQĐT 3 triệu đồng để “khắc phục hậu quả” sau khi nhận tiền của Việt.

Luật sư Nguyễn Đức Năng (Công ty Luật TNHH NĂNG & PARTNER) từng có văn bản cho rằng, nếu chỉ có thông tin giả trong Sổ đỏ thì hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai sẽ không được cập nhật. Vì vậy, nếu làm đúng quy trình, đúng trách nhiệm thì việc phát hiện một hồ sơ giả là không hề khó khăn…

Tại phiên tòa, bị cáo Tư cũng nghi ngờ về việc cán cán bộ đã không phát hiện được chữ viết lạ trong hồ sơ vì “6 Sổ đỏ thực hiện giao dịch cấp đổi, chuyển nhượng, tách thửa thì bắt buộc cán bộ trực tiếp làm phải biết được thông tin chữ viết không phải của mình”

Việc số lượng lớn Sổ đỏ cùng dễ dàng “lọt lưới” như trên khó có thể là chuyện tình cờ. Tuy nhiên, CQĐT vẫn cho rằng một số cán bộ của VPĐKĐĐ huyện Lục Ngạn như ông Trần Triệu Sơn, ông Nguyễn Đức Thắng (đều là Phó Giám đốc Chi nhánh, được phân công ký duyệt hồ sơ), ông Lương Văn Quyết (cán bộ thẩm định hồ sơ)…đều thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo quy trình nên không đủ cơ sở xác định phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Ông Sơn, ông Quyết nhờ Việt mang trả hồ sơ về bộ phận một cửa chỉ có vi phạm về quy trình trong việc trả kết quả, dẫn tới để mất hồ sơ gốc của công dân nhưng hành vi này không cấu thành tội phạm.

Trước kết luận này, bà Trần Thị Mai (vợ bị cáo Tư) vẫn liên tục có đơn đề nghị xem xét lại trách nhiệm của ông Sơn, ông Thắng, ông Quyết, bà Chinh, cũng như của Điều tra viên và Kiểm sát viên trong vụ án này, trong đó có việc Điều tra viên tiếp xúc với ông Sơn ở quán cà phê và thông tin ông Sơn đưa tiền để tác động Kiểm sát viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ làm giả thông tin trong 12 Sổ đỏ ở Bắc Giang: Vì sao hồ sơ giả “qua mặt” nhiều cán bộ một cách dễ dàng?