Nhịp cầu Công lý

Dự án Nhà máy xử lý rác Phương Thảo: Một điển hình về sự lãng phí - Bài 2: “Kim thiền thoát xác”

Phú Khởi - Huy Tâm - Tâm Phúc 10/04/2025 - 08:13

Nhà máy xử lý rác vừa đi vào vận hành thử nghiệm thì đã phải tạm ngưng vì công nghệ xử lý không đạt yêu cầu. Sau đó, chủ đầu tư dự án này xin chuyển đổi sang công nghệ đốt nhưng một lần nữa vẫn không đi vào hoạt động được vì công nghệ đốt cũng không đạt yêu cầu. Trong lúc này thì Công ty Phương Thảo thông báo đến cơ quan chức năng về việc chuyển nhượng cổ phần, thay đổi người đại diện pháp luật.

LTS: Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho Nhân dân, cho Chính phủ, có khi tai hại hơn nạn tham ô. Lãng phí diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau.

Lãng phí không chỉ gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo mà còn làm giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội …”

Cuộc tháo chạy khỏi dự án?

Tháng 4/2013, Dự án Nhà máy xử lý rác Phương Thảo vừa đi vào vận hành thử nghiệm thì đã bị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ngưng hoạt động vì nước thải của nhà máy không đủ tiêu chuẩn thải ra môi trường, tỷ lệ chất trơ sau xử lý còn cao hơn quy định, chưa có báo cáo tác động đánh giá môi trường (ĐTM); lò đốt chất thải thông thường, chưa nộp đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại…

Do công nghệ xử lý ủ phân vi sinh không đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, năm 2015, Công ty Phương Thảo đã xin chuyển sang công nghệ xử lý bằng công nghệ đốt. Tuy nhiên, do công nghệ lò đốt không đạt yêu cầu, tỷ lệ chất trơ sau xử lý cao hơn quy định, một lần nữa dự án này lại tiếp tục “đắp chiếu”.

a-1-1-.jpg
Nhà máy xử lý rác Phương Thảo tại thời điểm mới đi vào hoạt động thử

Điều đáng chú ý là trong lúc doanh nghiệp nợ nần vì nhà máy không đi vào hoạt động được, không có doanh thu thì tháng 12/2017, Công ty Phương Thảo đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Vĩnh Long, trong đó nêu nội dung ban lãnh đạo của công ty đã có sự thay đổi.

Theo đó, ông Trần Văn Bích sở hữu 81,25% cổ phần giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT); bà Liêu Cát Phương Thảo chỉ còn sở hữu 18,75% cổ phần nên chỉ là thành viên HĐQT. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, tại thời điểm được giao chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Thảo, ông Trần Văn Bích đang bệnh nặng (bị tai biến) nên không còn năng lực điều hành các hoạt động của công ty.

Từ tháng 10/2017 cho đến nay, bà Phương Thảo không có mặt tại công ty, không bàn giao tài sản, các giấy tờ cho Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc mới nên công ty đã chính thức tạm ngưng hoạt động kể từ đó cho đến nay.

Theo nguồn tin riêng của PV Báo Công lý, mặc dù Công ty Phương Thảo làm ăn kém hiệu quả, nợ ngân hàng hàng trăm tỷ đồng nhưng bà Liêu Cát Phương Thảo đã xuất cảnh và đang định cư ở nước ngoài.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), ngày 01/4/2013, Dự án Nhà máy xử lý rác Phương Thảo đã đi vào vận hành thử nghiệm thời gian tối đa 6 tháng. Trong quá trình kiểm tra để công nhận dự án đảm bảo phương án bảo vệ môi trường thì đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều sai sót tại dự án này.

Cụ thể là các vi phạm được đoàn kiểm tra chỉ ra: nước thải của nhà máy sau xử lý chưa đạt quy chuẩn thải ra môi trường; tỷ lệ chất trơ sau xử lý còn cao hơn quy định; chưa có ĐTM; lò đốt chất thải thông thường; chưa nộp đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại…

a2.jpg
Mặc dù chủ đầu tư cho biết sử dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý rác, nhưng trên thực tế, quy trình xử lý rất lạc hậu

Trong khi đó theo báo cáo ĐTM của dự án được phê duyệt tại Quyết định số 1924/QĐ-UBND ngày 20/8/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Long, công nghệ nhà máy được cung cấp bởi Công ty TECSEM của Pháp với nội dung cụ thể là: máy mới nhập khẩu đồng bộ, đơn vị này cũng hỗ trợ đào tạo chuyên viên vận hành, chuyển giao công nghệ cho Công ty Phương Thảo.

Trong các buổi làm việc với địa phương, bà Liêu Cát Phương Thảo và nhân viên kỹ thuật của Công ty Phương Thảo luôn đưa ra cam kết rằng nhà máy được lấp đặt máy móc, công nghệ đúng như thiết kế được duyệt.

"Tuy nhiên, trong qua trình thực hiện dự án thì Công ty Phương Thảo đã tự ý thay đổi sang sử dụng thiết bị của Đức với công nghệ lên men ủ khí, phối hợp với đảo khí (Công nghệ Saraphin). Việc thay đổi này, Công ty Phương Thảo chưa gửi hồ sơ chứng minh công nghệ đã thay đổi tương đương với công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đây là điều bất thường lớn trong quá trình thẩm định để xét công nhận dự án đảm bảo phương án bảo vệ môi trường, để đủ điều kiện đi vào vận hành chính thức”, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết.

a-3-1-.jpg
Công nghệ đốt rác do Công ty Phương Thảo đầu tư không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, nên cũng ngưng hoạt động sau khi đốt thử nghiệm

Với những hạn chế nêu trên, Công ty Phương Thảo không có cách khắc phục nên chỉ sau thời gian vận hành thử nghiệm, nhà máy phải tạm ngưng hoạt động. Do công nghệ xử lý ủ phân vi sinh không đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, năm 2015, Công ty Phương Thảo đã xin chuyển sang công nghệ xử lý bằng công nghệ đốt.

Với dự án này, Công ty Phương Thảo tiếp tục được VDB cho vay tiếp 106 tỷ đồng. Tuy nhiên, một lần nữa công nghệ đốt rác của Công ty Phương Thảo đầu tư vẫn không đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường nên cơ quan chức năng buộc công ty phải dừng hoạt động.

a-4-1-.jpg
Mặc dù có nhà máy nhưng do nhà máy không hoạt động, tỉnh Vĩnh Long đành quay lại xử lý theo hình thức chôn lấp như cũ

Dư luận đang quan tâm là bên cạnh vấn đề về năng lực của nhà đầu tư thì trách nhiệm của cơ quan quản lý tại dự án này như thế nào khi để xảy ra tình trạng chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết bị, công nghệ so với thiết bị, công nghệ đã được cơ quan chức năng thẩm định từ ban đầu, dẫn đến nhà máy không thể đi vào hoạt động được, gây thất thoát vốn ngân hàng, lãng phí nguồn lực đất đai của xã hội.

Theo Công an tỉnh Vĩnh Long, tại thời điểm bà Liêu Cát Phương Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Phương Thảo xuất cảnh, mặc dù Dự án Nhà máy xử lý rác Phương Thảo không hoạt động nhưng do chưa có kết luận của cơ quan chức năng về việc có hay không dấu hiệu tội phạm nên cơ quan công an không có căn cứ để ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Liêu Cát Phương Thảo.

Bài 3: Hàng trăm tỷ đồng vốn ngân hàng khó thu hồi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Nhà máy xử lý rác Phương Thảo: Một điển hình về sự lãng phí - Bài 2: “Kim thiền thoát xác”