Nhịp cầu Công lý

Dự án Nhà máy xử lý rác Phương Thảo: Một điển hình về sự lãng phí - Bài 1: Hệ lụy từ dự án kém hiệu quả

Phú Khởi - Huy Tâm - Tâm Phúc 09/04/2025 - 09:40

Xử lý rác thải là vấn đề “đau đầu” đối với nhiều địa phương trong những năm qua đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL. Năm 2005, tỉnh Vĩnh Long rất “vui mừng” khi thu hút được Công ty Phương Thảo xây dựng nhà máy xử lý rác sinh hoạt quy mô lớn. Đây cũng địa phương đầu tiên tại ĐBSCL có nhà máy xử lý rác. Thế nhưng nhà máy này vừa “khai sinh” thì đã “khai tử”.

LTS: Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho Nhân dân, cho Chính phủ, có khi tai hại hơn nạn tham ô. Lãng phí diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau.

Lãng phí không chỉ gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo mà còn làm giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội …”

Ngân hàng “chôn vốn”

Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành phân Compost bảo vệ môi trường, phục vụ nông nghiệp (Nhà máy xử lý rác Phương Thảo), do Công ty Phương Thảo làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Vĩnh Long cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 03/02/2009 với diện tích sử dụng đất gần 80.000m2, công suất xử lý 200 - 300 tấn rác/ngày, 36.000 tấn phân/năm; tổng mức đầu tư 192 tỷ đồng.

Trong đó, vốn của nhà đầu tư là 29 tỷ đồng, vốn vay tổ chức tín dụng 163 tỷ đồng. Thời gian dự kiến đi vào hoạt động tháng 12/2010.

a-1.jpg
Biển hiệu Nhà máy xử lý rác Phương Thảo không còn nguyên vẹn

Trong lần cấp giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ hai (ngày 26/10/2012), dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 400 tỷ đồng; trong đó vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 233 tỷ đồng. Thời gian dự kiến đi vào hoạt động cũng được điều chỉnh đến tháng 01/2013.

Tháng 4/2013, Nhà máy xử lý rác Phương Thảo đã thông báo với cơ quan chức năng về việc vận hành thử nghiệm nhà máy. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, nhà máy phải dừng hoạt động vì qua kiểm tra của cơ quan chức năng công nghệ của nhà máy xử lý không đạt yêu cầu.

Đến cuối năm 2013, trong Văn bản số 199/CTYPT ngày 29/12/2013 do bà Liêu Cát Phương Thảo, Giám đốc Công ty Phương Thảo ký gửi cho Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết: Dự án đã vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam 127 tỷ đồng, tính đến thời điểm cuối năm 2013, lãi vay và lãi phạt của hợp đồng tín dụng này đã trên 160 tỷ đồng. Do công nghệ xử lý ủ phân vi sinh không đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, năm 2015, Công ty Phương Thảo đã xin chuyển sang công nghệ xử lý bằng công nghệ đốt. Với dự án này, Công ty Phương Thảo tiếp tục được VDB cho vay 106 tỷ đồng.

a-2.jpg
Nhà máy xử lý rác Phương Thảo bị bỏ hoang nhiều năm

Tuy nhiên, tháng 6/2015, phát biểu trong buổi lễ đưa lò đốt rác thứ nhất đi vào hoạt động, bà Liêu Cát Phương Thảo cho biết, công ty chỉ mới được giải ngân 47 tỷ đồng (đạt 40%) do hai bên gặp “trục trặc” thủ tục, do thiếu vốn dẫn đến công ty không đủ kinh phí hoạt động.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long (nay là Sở Tài chính), hiện nay, phía VDB khu vực Cần Thơ cũng đang phối hợp cùng với địa phương trong xử lý tài sản thu hồi vốn vay tại dự án này. Tuy nhiên, qua nhiều lần đấu giá vẫn chưa tìm được đơn vị trúng đấu giá.

Rác “tra tấn” người dân

Bà Trần Thị Lan, một hộ dân sinh sống gần khu vực bãi rác (ấp Phú Hưng, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, từ khi bãi rác được dời về đây, các hộ dân sống lân cận rất “khổ sở” vì mùi hôi.

Các ao gần khu vực bãi rác cũng không thể nuôi cá vì nước rỉ từ bãi rác tràn ra không có con nào sống nổi. Riêng gia đình bà có hơn chục phòng trọ, trước khi có bãi rác thì kinh doanh được nhưng từ khi có bãi rác thì khách trọ rất ít, kinh tế gia đình rất khó khăn.

a-3.jpg
Nhà máy “đắp chiếu” địa phương phải dành nhiều chi phí để mở rộng khu chôn lấp rác.

Bà Hồng, nhà gần khu vực bãi rác này cho biết, do rác thải được đổ chất như núi, mà không được xử lý nên mùi hôi rất nồng nặc, ảnh hưởng rất lớn đến sức của người dân ở đây. Có nhiều lúc gia đình bà muốn bán để đi chỗ khác sinh sống nhưng kêu bán nhà đất thì không ai mua, vì sống gần bãi rác thì không ai muốn.

Theo phản ánh của những hộ kinh doanh ven Quốc lộ 1A đoạn gần khu vực bãi rác, mặc dù bãi rác hiện nay được tập kết lùi vào sâu bên trong ruộng nhưng mùi hôi vẫn tỏa ra, ảnh hưởng đến việc kinh doanh, nhất là buôn bán mặt hàng ăn uống, giải khát. Nhiều hộ sản xuất nông nghiệp quanh khu vực bãi tập kết cũng phản ánh nước rỉ từ bãi rác chảy vào mương, vườn, đồng làm ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi cả khu vực này.

a-4.jpg
Do nhà máy xử lý rác “đắp chiếu” nên tỉnh Vĩnh Long phải tốn hàng chục hecta đất để chôn lấp rác, gây lãng phí nguồn tài nguyên về đất đai

Từ một bãi chôn lấp rác ban đầu khoảng 3ha, đến nay địa phương đã cho đầu tư thêm 4 bãi chôn lấp rác khác với tổng diện tích trên 20ha nhưng vẫn không đủ chỗ nơi chôn lấp rác khi mà lượng rác thải ngày càng tăng.

Trong khi đó, theo Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long, việc mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thay thế cho Nhà máy xử lý rác Phương Thảo hiện mới được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương. Sở Xây dựng cũng đang dự thảo tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt.

Mọi bước chuẩn bị đầu tư nhà máy xử lý rác mới chỉ mới bắt đầu, điều này đồng nghĩa là bãi rác chôn lấp tiếp tục được kéo dài thêm và người dân ở khu vực bãi rác còn phải “sống chung” với rác chưa có hồi kết!

Hiện nay nhà xưởng tại khu vực dự án Nhà máy xử lý rác Phương Thảo đã xuống cấp nghiêm trọng, hoang phế; rủi ro tín dụng tại dự án này rất lớn khi ngân hàng cho phát mãi tài sản thì giá trị tài sản còn lại khó có thể đủ để thu hồi vốn vay.

Bài 2: “Kim thiền thoát xác”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Nhà máy xử lý rác Phương Thảo: Một điển hình về sự lãng phí - Bài 1: Hệ lụy từ dự án kém hiệu quả