Tính đến thời điểm Nhà máy xử lý rác Phương Thảo dừng hoạt động hoàn toàn, dự nợ gốc và lãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (Ngân hàng VDB), tại dự án này là trên 500 tỷ đồng. Sau hơn 10 năm bị bỏ hoang, nhà xưởng mục nát, máy móc rỉ sét, hư hỏng.
LTS: Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho Nhân dân, cho Chính phủ, có khi tai hại hơn nạn tham ô. Lãng phí diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau;
Lãng phí không chỉ gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo mà còn làm giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội …”
Tài sản trăm tỷ từng bị “xẻ thịt”
Liên quan đến Nhà máy xử lý rác Phương Thảo, theo tìm hiểu, năm 2015, Lâm Quế Mẫn (SN 1967, ngụ TPHCM); Lê Nguyễn Trần Huấn (SN 1969, ngụ TP Cần Thơ) và Nguyễn Phạm Huy Hoàng (SN 1977; nguyên Tổng Giám đốc Công ty Thẩm định giá Tây Nam, có địa chỉ ở Phường 3, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), đã cấu kết làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để mua đấu giá Nhà máy xử lý rác Phương Thảo để bán phế liệu và chia nhau tiêu xài cá nhân.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Vĩnh Long, năm 2015, thông qua hoạt động kinh doanh, Mẫn quen biết với Huấn và Hoàng cùng nhau đăng ký thành lập Công ty cổ phần Me Kong mục đích là để tham gia đấu giá mua lại Nhà máy xử lý rác Phương Thảo.
Tháng 12/2018, công ty này được Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Nhưng thực chất công ty không có vốn, cũng không có hoạt động kinh doanh.
Sau đó, Hoàng, Mẫn, Huấn nhờ Lê Thành Quân (SN 1982, ngụ tỉnh Tiền Giang); Trần Trọng Nhân (sinh năm 1987, ngụ TPHCM); Lê Minh Truyền (SN 1986, ngụ tỉnh Vĩnh Long), làm giả chứng thư bảo lãnh của ngân hàng với số tiền 10 tỷ đồng với giá 1,1 tỷ đồng để nộp hồ sơ tham gia đấu giá Nhà máy xử lý rác Phương Thảo.
Ngày 4/1/2019, Truyền được cử làm đại diện Công ty Me Kong tham gia đấu thầu và trúng đấu giá mua dự án Nhà máy xử lý rác Phương Thảo với giá 152,5 tỷ đồng. Trong thời gian này, do không có tiền cọc cho ngân hàng nên Huấn, Hoàng, Mẫn bàn bạc bán phế liệu của nhà máy cho nhiều nơi với số tiền gần 8 tỷ đồng để chiếm đoạt. Sau đó, Hoàng chuyển nhượng Công ty Me Kong cho Huấn. Huấn tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bán phế liệu cho nhiều công ty khác với số tiền 9 tỷ đồng.
Ngày 12/6/2023, HĐXX TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt Lâm Quế Mẫn 9 năm tù (cộng với 9 năm tù bị TAND TP Cần Thơ tuyên trong một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác, tổng hình phạt bị cáo Mẫn phải chấp hành là 18 năm tù); Lê Nguyễn Trần Huấn 12 năm 6 tháng tù (cộng với 10 năm tù bị TAND TP Cần Thơ tuyên trước đó trong một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác, tổng hình phạt bị cáo Huấn phải chấp hành là 22 năm 6 tháng tù); Nguyễn Phạm Huy Hoàng mức án 9 năm tù, cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Với vai trò giúp sức làm giả giấy tờ chứng thư bảo lãnh, Lê Thành Quân bị HĐXX tuyên phạt 2 năm tù cho hưởng án treo; Trần Trọng Nhân 3 năm tù cho hưởng án treo; Lê Minh Truyền 2 năm tù cho hưởng án treo về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Đồng thời, buộc các bị cáo lừa đảo trả lại số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.
Nguy cơ thất thoát
Theo ông Lương Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long, ngày 27/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Văn bản số 1866/UB-KTTH về việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt do Công ty Phương Thảo làm chủ đầu tư. Ngày 30/5/2019, Sở Tài Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định 129/QĐ-SKHĐT về việc chấm dứt hoạt động của dự án này.
Ngày 22/6/2021, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 1590/QĐ-UBND về việc thu hồi hơn 76.290m2 đất cho Công ty Phương Thảo thuê để đầu tư nhà máy xử lý rác. Ngày 14/6/2023, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Công văn số 2939/UBND-KTNV về việc xử lý tài sản trên đất, thu hồi đất do Công ty cổ Phương Thảo đầu tư.
Đến ngày 19/9/2023, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Văn bản số 5173/UBND-KTNV về việc chấm dứt hoạt động Dự án nâng cấp nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt - công nghệ Châu Âu của Công ty Phương Thảo.
Ngày 22/9/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 226/QĐ-SKHĐT về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án nâng cấp nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt - công nghệ Châu Âu do Công ty Phương Thảo đầu tư.
Đồng thời, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Vĩnh Long cũng yêu cầu Công ty Phương Thảo có trách nhiệm nộp lại giấy chứng nhận đầu tư; hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án đầu tư và thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Ông Lương Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm, căn cứ Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ, nhà đầu tư được xử lý bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác trong thời hạn 24 tháng kể từ khi dự án bị thu hồi đất.
Nhà đầu tư mua lại tài sản trên đất nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật thì sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất để tiếp tục thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, đúng quy hoạch được phê duyệt.
“Đối với Dự án Nhà máy xử lý rác Phương Thảo mặc dù đã có quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Long về thu hồi đất vào tháng 6/2021 (Quyết định số 1590/QĐ-UBND) nhưng tới nay chủ đầu tư vẫn chưa xử lý xong tài sản trên đất.
Do vậy, địa phương đã có đủ cơ sở pháp lý để buộc di dời hoặc cưỡng chế di dời tài sản trên đất, trả lại mặt bằng để địa phương mời gọi nhà đầu tư khác vì lĩnh vực xử lý rác đang là yêu cầu cấp bách của địa phương”, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long Lương Trọng Nghĩa khẳng định.
Được biết, hiện nay UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành quyết định mời gọi đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải công suất xử lý trên 500 tấn/ngày nhằm giải quyết lượng rác thải sinh hoạt cho TP Vĩnh Long và các huyện lân cận. Nhà máy xử lý rác thải này được xây dựng ngay trên phần diện tích nhà máy xử lý rác Phương Thảo hiện nay.
Như vậy, khi địa phương lựa chọn được nhà đầu tư mới thì nhà đầu tư cũ phải di dời tài sản để trả lại mặt bằng. Trong khi đó, ngành chức năng địa phương không liên lạc được với nhà đầu tư cũ, tài sản do nguồn vốn Ngân hàng VDB đầu tư cho dự án này khó thu hồi vì hư hỏng, xuống cấp, chưa tìm được tổ chức, cá nhân đăng ký mua lại.
Theo Văn bản số 671/VIL.TTGS của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh Long về việc cung cấp thông tin theo đề nghị PV Báo Công lý, tính đến ngày 31/5/2024, tổng số tiền mà Ngân hàng VDB phải thu tại Dự án Nhà máy xử lý rác Phương Thảo hơn 503 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc quá hạn hơn 163,6 tỷ đồng; lãi phát sinh chưa thanh toán gần 340 tỷ đồng. Phía Ngân hàng VDB đã dừng tính lãi phạt trên lãi trả chậm đến ngày 21/12/2023.
Phía Ngân hàng VDB cũng đã triển khai các giải pháp xử lý, thu hồi vốn vay, đã khởi kiện Công ty Phương Thảo ra Tòa. Ngày 27/9/2023, TAND TP Cần Thơ đã có bản án dân sự phúc thẩm số 24/2023/KDTM-PT về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất liên quan đến dự án Nhà máy xử lý rác Phương Thảo. Chi cục Thi hành án dân sự quận Ninh Kiều đã có Quyết định số 697/QĐ-CCTHADS về việc thi hành án theo bản án số 24/2023/KDTM-PT.
Trao đổi với PV, đại diện Chi cục Thi hành án dân sự quận Ninh Kiều cho biết, thực hiện thi hành án theo bản án, đơn vị đang tiến hành phối hợp với cơ quan chức năng thẩm định giá 4 tài sản của Công ty Phương Thảo để thu hồi vốn vay, lãi vay cho Ngân hàng VDB.
Hiện tại, Chi cục đang phối hợp với cơ quan định giá thẩm định giá khu đất ở với diện tích 120m2 tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều để đưa ra đấu giá. Đồng thời cũng ủy thác cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long), thi hành án đối với tài sản là cơ sở vật chất, máy móc, nhà xưởng Nhà máy xử lý rác Phương Thảo; ủy thác cho Chi cục Thi hành án dân sự TP Vĩnh Long thi hành án đối với khu đất ở diện tích 91,6m2 tại Phường 5, TP. Vĩnh Long; ủy thác cho Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thi hành án đối với tài sản là 2 khu đất trồng lúa với tổng diện tích hơn 18.000m2 tại địa phương này.
Đại diện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Long Hồ cho biết, tài sản được xem có giá trị cao nhất trong khối tài sản thế chấp vay vốn phải xử lý theo bản án là cơ sở vật chất, máy móc, nhà xưởng Nhà máy xử lý rác Phương Thảo tại địa phương.
Tuy nhiên, sau hàng chục năm bỏ hoang, khối tài sản này đã bị hư hỏng rất nhiều. Cơ quan thi hành án không phải là đơn vị chuyên môn trong thẩm định giá. Do đó để xác định được giá trị khối tài sản này thì cần phải thuê đơn vị thẩm định giá mất rất nhiều thời gian và việc tìm tìm được người mua tài sản này cũng rất khó khăn. Đây là trở ngại lớn nhất của đối với việc thi hành bản án.
Bài cuối: Lãng phí chưa có hồi kết!