Nhịp cầu Công lý

Vụ làm giả thông tin trong 12 Sổ đỏ ở Bắc Giang: Vì sao nhiều cán bộ được CQĐT xác định “vô can”?

K.Lâm 07/11/2023 06:27

Dù HĐXX TAND tỉnh Bắc Giang đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm và hành vi “nhận tiền bồi dưỡng” của một số cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (CNVPĐKĐĐ) huyện Lục Ngạn, cũng như làm rõ về hậu quả do hành vi thiếu trách nhiệm của một bị cáo nhưng kết quả điều tra bổ sung dường như vẫn còn mâu thuẫn với những lời khai trước đây.

Giám đốc doanh nghiệp sử dụng dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước như chốn không người

Theo cáo buộc, tuy không có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa đất nhưng bị cáo Giang Văn Việt - nguyên Giám đốc Công ty Đo đạc Giang Gia và bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, công chức Địa chính - Xây dựng xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn vẫn nhận mình làm được công việc trên và tự đặt ra giá cả để nhận tiền, chiếm đoạt của 11 người dân đang có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

co-quan-dieu-tra-thi-hanh-lenh-bat-bi-can-truong-van-tu..jpg
Bị cáo Trương Văn Tư thời điểm bị bắt giữ.

Khi nhận bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) của những người có nhu cầu, Việt đã sử dụng máy tính để soạn thảo và in thông tin sai lệch (về diện tích chuyển mục đích sử dụng sang đất ở..) lên phần chỉnh lý của Sổ đỏ theo yêu cầu của chủ sử dụng đất. Sau đó, Việt giả chữ ký của ông Trương Văn Tư (Giám đốc CNVPĐKĐĐ huyện Lục Ngạn) và ông Trần Triệu Sơn (Phó giám đốc CNVPDDKĐĐ) vào phần xác nhận của cơ quan có thẩm quyền…

Sau đó, Việt, Hùng đến trụ sở của CNVPĐKĐĐ, lấy dấu của đơn vị này đóng vào phần đã ký giả. Để tránh bị phát hiện, Việt còn tự ý chính sửa nội dung trong Sổ địa chính để phù hợp với thông tin chính lý đã làm giả trong Sổ đỏ

Khi những chủ đất trên có nhu cầu tách thửa, Việt đã lập hồ sơ xin tách thửa, xin cấp đổi Sổ đỏ và nộp hồ sơ (cùng Sổ đỏ đã in thông tin giả) ở bộ phận một cửa UBND huyện Lục Ngạn. Sau khi có kết quả, Việt mang Sổ đỏ mới cấp trả cho mọi người. Còn hồ sơ và Sổ đỏ cũ thì Việt đem đốt, tiêu hủy để phi tang chứng cứ.

Với thủ đoạn trên, trong năm 2020 và 2021, Việt đã làm giả thông tin 12 bộ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó tự in thông tin sai lệch lên 6 Sổ đỏ, chiếm đoạt của 5 bị hại, tổng cộng hơn 921 triệu đồng.

6 bộ Sổ đỏ khác Việt làm giả thông tin do được Hùng nhờ. Hùng trực tiếp đến CNVPĐKĐĐ, lấy dấu đóng dấu lên 02 Sổ đỏ do Việt đã làm giả nội dung chỉnh lý, chiếm đoạt của 6 bị hại tổng số hơn 930 triệu đồng.

Với hành vị trên, Việt bị truy tố về tội “Làm giả, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Nguyễn Mạnh Hùng bị truy tố về các tội “Làm giả, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Liên quan đến vụ việc, Giám đốc CNVPĐKĐĐ huyện Lục Ngạn là ông Trương Văn Tư cũng bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo buộc, bị cáo này đã không ban hành quy chế quản lý, sử dụng con dấu của đơn vị; không có văn bản phân công cụ thể cho người kiêm nghiệm quản lý con dấu, quản lý Sổ địa chính, dẫn tới việc để Việt và Hùng lợi dụng sơ hở tự ý đóng dấu của CNVPĐKĐĐ trên các Sổ đỏ đã in thông tin giả, cũng như tự ý ghi các nội dung giả mạo vào sổ địa chính, gây thiệt hại cho những người bị Hùng, Việt chiếm đoạt là trên 1,8 tỷ đồng.

Tại CQĐT cũng như tại phiên tòa, Việt và Hùng cho biết, do có mối quan hệ quen biết với cán bộ CNVPĐKĐĐ, bị cáo đã đến phòng bà Vi Thị Chinh (kế toán) và bà Trần Thị Thu (cán bộ hợp đồng)- nơi để con dấu của CNVPĐKĐĐ- hỏi xem có ai thì mượn dấu để đóng, hoặc tự ý lấy dấu để đóng vào Sổ đỏ đã in sẵn thông tin giả

Để phù hợp với hồ sơ, Việt còn vào phòng để Sổ địa chính, lấy Sổ địa chính trên giá sách và trực tiếp ghi những nội dung phù hợp với nội dung giả mạo mà Việt đã làm giả trong sổ đỏ.

Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm từ ngày 28/7 đến 1/8/2023, HĐXX TAND tỉnh Bắc Giang đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của bà Chinh và bà Thu; xác minh hành vi nhận tiền của ông Trần Triệu Sơn (Phó giám đốc CNVPDDKĐĐ) từ bị cáo Việt có dấu hiệu của tội nhận hối lộ và đưa hối lộ hay không; làm rõ về hậu quả mà Trương Văn Tư phải chịu trách nhiệm về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Ai là người thiếu trách nhiệm trong quản lý con dấu?

Khai báo về trách nhiệm của mình, bị cáo Trương Văn Tư khẳng định mình đã thực hiện đúng chức trách và cho biết, năm 2015, sau khi nhận con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu, biên bản từ Sở TN&MT thì bị cáo đã giao con dấu cho bà Vi Thị Chinh quản lý, sử dụng (việc giao nhận bằng mệnh lệnh hành chính, không có văn bản). Sau đó, bà Chinh đã thực hiện đóng dấu, thu tiền của các tổ chức (công ty đo đạc) và người dân đến nhận kết quả.

Bản thân bà Chinh cũng từng có báo cáo thừa nhận “tôi và đồng chí Thu được giám đốc giao nhiệm vụ cất con dấu của đơn vị…Quá trình giải quyết có liên quan đến con dấu, viên chức đơn vị tự đóng dấu và phải chịu trách nhiệm…Mọi người ngoài đơn vị không được đóng dấu. Tôi không cho tự ý đóng dấu…”.

Cùng với đó, ông Trần Triệu Sơn (Phó Giám đốc CNVPĐKĐĐ) cũng khai “việc đóng dấu cho các trích đo và tài liệu của bên tư vấn thì do đồng chí Chinh kế toán đóng trực tiếp”

Liên quan đến việc này, bị cáo Việt cũng từng có lời khai cho biết “tôi có hỏi chị Chinh là, chị ơi, em có máy trích đo được ký duyệt. Chị cho em mượn dấu để đóng. Bà Chinh nói: dấu để trên bàn, chị bận, em đóng hộ con dấu cho chị…Tôi lấy dấu đóng vào các trích đo và lợi dụng lúc mọi người không để ý thì tự tay đóng dấu trên các giấy chứng nhận giả…”

Từ những chứng cứ trên, Luật sư Nguyễn Đức Năng (Công ty Luật TNHH NĂNG & PARTNER) cho rằng, việc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” lẽ ra thuộc về bà Chinh chứ không phải do bị cáo Tư, bởi bà này đã không quản lý con dấu được giao một cách nghiêm túc, dẫn đến để cho người ngoài sử dụng vào mục đích sai trái. Việc bị cáo Tư giao nhiệm vụ cho Kế toán của đơn vị kiêm quản lý, sử dụng con dấu là đúng quy định trong quản lý, điều hành vì đơn vị không có cán bộ văn thư.

Trong Kết luận điều tra bổ sung, tuy xác định con dấu thực tế để phòng làm việc của bà Chinh, bà Thu nhưng CQĐT cho rằng hai người này không được lãnh đạo phân công cụ thể trách nhiệm trong quản lý con dấu nên không có cơ sở xem xét hành vi thiếu trách nhiệm.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Mai (vợ bị cáo Tư) thì có đơn thư khẳng định kết luận trên hoàn toàn mâu thuẫn với chứng cứ của vụ án và mâu thuẫn với chính lời khai của bà Chinh trước đây.

Dấu hiệu đưa-nhận hối lộ

Về hành vi nhận tiền của ông Trần Triệu Sơn (Phó Giám đốc CNVPĐKĐĐ huyện Lục Ngạn), bị cáo Giang Văn Việt từng khai rằng, bị cáo đã mang hồ sơ đất đai của bà Nguyễn Thị Tâm nộp cho ông Sơn tạị phòng “một cửa”. Hôm sau, Việt có lên phòng ông Sơn đưa cho ông này 3 triệu đồng và bảo có hồ sơ của bà Tâm nhờ Sơn làm giúp. Ông Sơn nhận tiền và đồng ý làm giúp. Lý do đưa tiền là do trước đó đã nhờ Sơn hoàn thiện thủ tục cấp đổi Sổ đỏ cho bà Tâm.

Về việc này, ông Sơn cũng có lời khai thừa nhận, “sau khi nhận hồ sơ ở bộ phận một cửa thì hôm sau, anh Việt có lên phòng đưa cho tôi một phong bì. Việt nhờ tôi làm giúp hồ sơ bà Tâm giúp Việt. Tôi bảo Việt là “để anh xem, có gì anh xử lý”.

van-phong-dkd-d.png
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Lục Ngạn- nơi xảy ra vụ án

Giai đoạn điều tra, ông Sơn đã nộp cho CQĐT 3 triệu đồng và cho biết “đây là số tiền khắc phục hậu quả sau khi tôi nhận tiền của Việt đưa cho trong việc tôi đã giúp Việt làm hồ sơ cấp đổi cho bà Tâm”.

Đáng nói, trường hợp của bà Nguyễn Thị Tâm trên đây chính là 1 trong 6 trường hợp mà CQĐT đã xác định Việt làm giả thông tin trong Sổ đỏ và sửa Sổ địa chính (chiếm đoạt hơn 120 triệu đồng của bà Tâm). Trường hợp này, ông Trần Triệu Sơn sau khi làm xong thủ tục đã đưa Sổ đỏ mới cho Việt “nhờ” mang sang bộ phận một cửa để trả kết quả cho bà Tâm. Lợi dụng việc được nhờ này, Việt đã tự ý cầm Sổ đỏ về đưa cho và Tâm, còn hồ sơ và Sổ đỏ cũ thì Việt đốt, hủy phi tang chứng cứ.

Tại phiên tòa, ông Sơn cũng thừa nhận việc “nhờ” Việt như trên là sai về trình tự trả kết quả, việc ông Sơn không trực tiếp mang xuống bộ phận 1 cửa là sai. Khi vụ việc bị công an vào cuộc, cũng chính Việt là người đã nhờ ông Sơn trực tiếp gặp bà Tâm để thuyết phục bà này nhằm thu lại Sổ đỏ đã cấp sai. Vì vậy, HĐXX cho rằng cần điều tra xác minh hành vi của ông Sơn có dấu hiệu nhận hối lộ và hành vi của bị cáo Việt có dấu hiệu của tội đưa hối lộ hay không.

Liên quan đến hành vi của ông Sơn, HĐXX cũng yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ về đoạn trích camera tại quán cà phê, tiến hành giám định âm thanh của hai bản ghi âm do bị cáo Tư và luật sư cung cấp nhằm làm rõ trình bày của bị cáo về việc ông Sơn đã tiếp xúc với Điều tra viên ngoài trụ sở và có đưa tiền cho Kiểm sát viên để tác động bỏ qua nội dung ông Sơn nhận hối lộ.

Cùng với đó, Luật sự và gia đình bị cáo Tư cũng liên tục có đơn thư đề nghị làm rõ vai trò của ông Trần Triệu Sơn và một Phó Giám đốc khác vì hai ông này được giao phụ trách rà soát, kiểm tra, thẩm định tài liệu trước khi ký hồ sơ biến động đất đai những đã “để lọt” nhiều hồ sơ giả, cũng như vi phạm trong việc trả hồ sơ sai quy trình, từ đó giúp bị cáo Việt tiêu hủy chứng cứ, che dấu được sai phạm.

Tuy nhiên, quá trình điều tra bổ sung, CQĐT cho rằng giữa bị cáo Việt và ông Sơn không có thỏa thuận, hứa hẹn về “đưa tiền” từ trước. Ông Sơn đã thực hiện theo nhiệm vụ, không vượt quá thẩm quyền…nên việc ông này nhận tiền từ bị cáo Việt không có dấu hiệu tội đưa- nhận hối lộ.

Như vậy, hiện nay, thời điểm bị cáo Việt đưa tiền cho ông Sơn cũng như mục đích đưa tiền đang có nhiều lời khai mâu thuẫn, cần được làm rõ tại phiên tòa. Công lý sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh diễn biến phiên tòa sơ thẩm (lần 2) tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ làm giả thông tin trong 12 Sổ đỏ ở Bắc Giang: Vì sao nhiều cán bộ được CQĐT xác định “vô can”?