Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và quyết tâm vì một Tòa án liêm chính

TS. Lưu Bình Nhưỡng| 13/09/2016 11:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau lời tuyên thệ, chương trình hành động của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình với những điểm nhấn khi ông nhấn mạnh sẽ “khắc ghi và thực hiện lời tuyên thệ của mình trước Quốc hội, nguyện đem hết sức lực và trí tuệ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Trước Quốc hội, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã long trọng tuyên thệ: “Khắc ghi và thực hiện lời tuyên thệ của mình trước Quốc hội, tôi nguyện đem hết sức lực và trí tuệ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đảm nhiệm trọng trách mà Quốc hội giao phó là người đứng đầu cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Sau lời tuyên thệ, chương trình hành động của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình với những điểm nhấn khi ông nhấn mạnh sẽ “khắc ghi và thực hiện lời tuyên thệ của mình trước Quốc hội, nguyện đem hết sức lực và trí tuệ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Cùng với đó là lời hứa sẽ cùng tập thể lãnh đạo TANDTC phát huy truyền thống, đoàn kết một lòng, đề cao kỷ luật, xây dựng TAND trong sạch và liêm chính, chăm lo xây dựng đội ngũ Thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh để nhân danh Nhà nước đưa ra các phán quyết thượng tôn pháp luật, nghiêm minh và công bằng.

Với tư cách một đại biểu Quốc hội, là người tham gia hoạt động trong lĩnh vực cải cách tư pháp, tôi thực sự ấn tượng và tâm đắc về những quyết tâm vì một Tòa án liêm chính của Chánh án TANDTC. Vì, lời tuyên thệ ấy không chỉ thể hiện cam kết của cá nhân Chánh án mà còn biểu đạt rõ vai trò, sứ mệnh của người đứng đầu cơ quan cao nhất về xét xử, thực hiện quyền tư pháp theo Hiến pháp và pháp luật, nhằm phụng sự Tổ quốc và nhân dân.

Chánh án TANDTC do Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất bầu ra, là người đứng đầu cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, đại diện cho một nhánh quyền lực Nhà nước trong cơ chế: Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013). Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án TANDTC được quy định rõ tại Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Trong các nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án TANDTC thì các nhiệm vụ, quyền hạn có liên quan đến hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp là quan trọng nhất (về bản chất xét xử là hoạt động chức năng quan trọng nhất của việc thực hiện quyền tư pháp), thể hiện vai trò quyền lực tư pháp của Chánh án TANDTC trên các phương diện. Cụ thể: Là người đứng đầu cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp với tư cách là thành viên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, đồng thời chủ tọa các cuộc họp của Hội đồng này, Chánh án bình đẳng như các Thẩm phán TANDTC tham gia xét xử, có quyền đưa ra quan điểm, ý kiến và quyết định cá nhân về vụ, việc. Điều đó đòi hỏi Chánh án TANDTC phải có năng lực, trình độ, phẩm chất của một Thẩm phán TANDTC, phẩm chất của một chuyên gia pháp luật hàng đầu quyết định những vụ, việc quan trọng nhất về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh tế, hành chính và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, là Chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTC cũng là người phải đảm nhiệm vai trò người điều hành các phiên họp đó theo đúng quy tắc, kết luận khoa học và công tâm. Vai trò của người chủ tọa các phiên họp Hội đồng Thẩm phán không chỉ dừng ở việc xem xét, phán quyết về các án từ mà còn xử lý những việc khác theo thẩm quyền như xem xét ban hành nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; xem xét ban hành án lệ… những vấn đề có liên quan đến quy trình và chất lượng hoạt động của các TAND.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và quyết tâm vì một Tòa án liêm chính

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội

Với vai trò là người lãnh đạo cao nhất của TANDTC, theo quy định của pháp luật, Chánh án TANDTC có nhiều nhiệm vụ, quyền hạn rất quan trọng. Cụ thể: Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực của các Tòa án nhân dân theo pháp luật tố tụng; trình Quốc hội phê chuẩn việc đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC; trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó chánh án TANDTC và Thẩm phán các Tòa án khác; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh: Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp cao, Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp tỉnh, cấp huyện; Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương…

Trong quá trình chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, Chánh án TANDTC phải thể hiện rõ phẩm chất chính trị, bản lĩnh chuyên môn và vai trò của người lãnh đạo, đặc biệt trong công tác cán bộ, quản lý tài chính, cơ sở vật chất. Vì đó là những lĩnh vực nhạy cảm, nếu thiếu cẩn trọng có thể dẫn đến những hậu quả lớn. Việc xem xét trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc tự mình bổ nhiệm một vị trí lãnh đạo, một chức danh tư pháp, nhất là chức danh Thẩm phán, không thể dễ dãi hoặc vì động cơ không trong sáng hoặc không dựa trên những tiêu chí luật định. Điều đó đòi hỏi Chánh án TANDTC là một người rất cẩn trọng, sáng suốt, khách quan, công tâm trong tư duy và hành động khi quyết định mọi vấn đề.

Ngoài ra, với tư cách là người được Quốc hội tin tưởng, bầu làm Chánh án TANDTC, giữ vị trí cao nhất của quyền lực tư pháp - một trong ba thứ quyền lực hợp thành quyền lực Nhà nước thống nhất, Chánh án TANDTC phải thực hiện nghiêm các quy định của Hiến pháp, luật, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội, các Nghị quyết của Quốc hội, của UBTVQH có liên quan đến hoạt động tư pháp và các nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án TANDTC. Phải liên hệ chặt chẽ, phối hợp các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong công tác.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, với tư cách là người đứng đầu một nhánh quyền lực Nhà nước, Chánh án TANDTC còn có trách nhiệm thực hiện quyền kiểm soát đối với các cơ quan, cán bộ, công chức khác, nhất là trong hoạt động tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án), đồng thời thực hiện hoạt động kiểm soát đối với các nhánh quyền lực khác nhằm bảo đảm tính toàn diện trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tư pháp.

Để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân như lời tuyên thệ, Chánh án TANDTC phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết; luôn luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri; quan tâm xem xét những thỉnh cầu, kiến nghị của người dân, đương sự, bị can, bị cáo, bị án một cách thấu tình, đạt lý, làm cho người dân và toàn xã hội “tâm phục, khẩu phục”, luôn tin tưởng vào TAND, coi Tòa án là biểu tượng của công lý, công bằng là nơi “cứu cánh”, lưới công lý cao nhất và cuối cùng của họ. Phải thường xuyên quan tâm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; triển khai thực hiện các đạo luật, trong đó có Luật Tổ chức TAND năm 2014, các luật về tố tụng; triển khai thực hiện mạnh mẽ các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách lập pháp, cải cách tư pháp (xây dựng TAND là trung tâm, biểu tượng của công lý; xét xử là trọng tâm, tranh tụng là khâu đột phá); thực hiện cải cách hành chính, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp.

Lời tuyên thệ của Chánh án TANDTC được Quốc hội chờ đón, ghi nhận và được đặt trong sự giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên và toàn thể nhân dân, cử tri cả nước. Sự ghi nhận trịnh trọng, sự giám sát chặt chẽ vừa là động lực, vừa là điều kiện giúp ông thực hiện tốt vai trò của mình.

Trước tình hình vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, vẫn còn tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm; thiếu sự quan tâm đến công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; một bộ phận cán bộ hoạt động tư pháp yếu về chuyên môn, sa sút về phẩm chất; trước đòi hỏi của Nhà nước và nhân dân về một nền tư pháp, trong sạch, vững mạnh, công bằng, dân chủ, nghiêm minh, “miễn nhiễm” với tiêu cực… chắc chắn Chánh án TANDTC phải ưu tiên và tập trung rất cao độ trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì quyền con người, quyền và lợi ích của người dân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và quyết tâm vì một Tòa án liêm chính