Tham nhũng phát sinh từ những “lỗ hổng” trong công tác cán bộ

Quốc Huy| 28/09/2016 07:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay (28/9), Ủy ban Tư pháp Quốc hội (UBTP) sẽ cho ý kiến về dự án Luật PCTN. Trước đó, tại phiên họp UBTVQH, cơ quan này cũng đã chỉ ra những bất cập trong việc bổ nhiệm cán bộ thời gian qua và coi đó như hình thức tham nhũng cần xử lý.

 Lạm dụng việc bổ nhiệm

Trước đó, báo cáo trước UBTVQH về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2016, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nêu lên thực trạng về tình hình tham nhũng hiện nay và những tồn tại, hạn chế trong công tác này. Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo của Chính phủ vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung như “có nơi”, “có lúc”, “có địa phương”, “có một bộ phận cán bộ, công chức”... mà không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi. Do vậy cần phải phân định rõ ràng trách nhiệm tập thể với trách nhiệm của từng cá nhân có thẩm quyền quyết định, tránh tình trạng khi xảy ra sai phạm thì không quy được trách nhiệm cá nhân, lấy trách nhiệm tập thể làm nơi ẩn tránh an toàn cho trách nhiệm cá nhân.

UBTP cũng đề cập đến quy định của pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác đối với một số vị trí chưa phù hợp, nhất là ở các vị trí chỉ có một cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm hoặc đòi hỏi tính chuyên môn, nghiệp vụ cao. Việc không chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý (các chức danh này sẽ thực hiện theo quy định về luân chuyển) đã làm hạn chế hiệu quả của biện pháp này.

Cũng theo bà Lê Thị Nga, có một thực tế đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ Đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Đó là việc đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân. Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước.

Vì vậy, UBTP đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới. 

Tham nhũng phát sinh từ những “lỗ hổng” trong công tác cán bộ

Phiên họp toàn thể lần thứ ba của UBTP

Đáng chú ý, cũng liên quan đến công tác cán bộ, Chính phủ lần đầu tiên thừa nhận trước Quốc hội: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân và có những trường hợp phạm tội tham nhũng phải xử lý trước pháp luật”. UBTP cho rằng, hiện còn thiếu tiêu chí khoa học, khách quan để người đứng đầu đánh giá chính xác cán bộ, công chức. Sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa được coi là tiêu chí, thước đo quyết định sự tồn tại và thăng tiến của cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến tình trạng trì trệ, thiếu động lực làm việc, thậm chí vòi vĩnh, nhũng nhiễu. Với quy định “biên chế suốt đời”, “có vào không có ra”, “có lên không có xuống”… đã tạo nên sức ì rất lớn trong đội ngũ cán bộ hiện nay, nhất là xem xét để kỷ luật họ. Mặt khác, phiếu tín nhiệm của cán bộ, công chức trong đơn vị là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nên dễ nảy sinh tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, “dễ mình dễ ta”. Đây là những bất cập trong công tác tổ chức cán bộ và là nguyên nhân quan trọng làm cho công tác cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị phục vụ PCTN kém hiệu quả.

Nên xử lý trách nhiệm người đứng đầu như thế nào?

Theo nhiều ý kiến nhận xét, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Năm 2016 việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu giảm 155,5% so với cùng kỳ năm 2015. Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, của đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2016, chỉ có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý trong khi đó có tới 159 vụ/402 bị cáo TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm. Có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó có 05 người bị xử lý hình sự. Năm 2015 có 46 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, trong đó có 04 người bị xử lý hình sự.

Các chuyên gia cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu, không nên hiểu đơn giản chỉ là vấn đề chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng hoặc vi phạm pháp luật, mà cần phải hiểu rộng hơn. Đó là toàn bộ các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ mà người đứng đầu phải thực hiện một cách tự giác, có ý thức; trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm của người đứng đầu là sự thực hiện bổn phận, nghĩa vụ của mình đối với cấp trên, cấp dưới, với xã hội một cách tự giác. Do đó, phạm vi trách nhiệm của người đứng đầu thể hiện trên các mặt: trách nhiệm tổ chức, điều hành thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm trong tổ chức, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền; trách nhiệm quản lý tài sản công.

Luật PCTN hiện hành có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN. Nhưng qua Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN của Thanh tra Chính phủ cho thấy các quy định về trách nhiệm người đứng đầu còn nhiều hạn chế, bất cập. Pháp luật PCTN chỉ quy định chung chung: “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm...”. Bên cạnh đó, cơ chế xác định trách nhiệm của người đứng đầu còn chưa đầy đủ, rõ ràng, mới chỉ dừng lại ở những quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi đã để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý mà chưa quy định việc xử lý khi người đứng đầu không thực hiên đầy đủ trách nhiệm do pháp luật quy định dẫn đến việc xảy ra tham nhũng.

Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) lần này quy định về trách nhiệm của người đứng đầu có nhiều điểm mới và cụ thể hơn Luật hiện hành. Dự thảo đã chỉ rõ và cụ thể hóa những người được gọi là “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị” theo quy định của Luật này để thuận lợi cho việc áp dụng và cá thể hóa trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, xác định rõ nội dung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để làm căn cứ xác định trách nhiệm khi người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm của mình, để xảy ra hành vi tham nhũng.

Nhiều ý kiến cho rằng, để khuyến khích người đứng đầu chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách mà chủ động từ chức trước khi xem xét trách nhiệm thì không bị xử lý kỷ luật. Quy định như vậy vừa nhằm đề cao trách nhiệm chính trị của cá nhân người đứng đầu vừa mong muốn hình thành “văn hóa từ chức” khi để xảy ra vi phạm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham nhũng phát sinh từ những “lỗ hổng” trong công tác cán bộ