Tâm điểm dư luận

Xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực

Trung Nguyễn 23/11/2023 - 14:23

Công tác phòng, chống tham nhũng năm là nội dung luôn được cử tri, nhân dân dành sự quan tâm, theo dõi. Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2023 của Chính phủ đã đề cập đến việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Theo đó, trong năm 2023, nhiều biện pháp đã phát huy hiệu quả.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, năm 2023, có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.

Công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng có chuyển biến tích cực. Các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 12.029 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 185 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm.

Trong kỳ báo cáo, các bộ, ngành, địa phương cũng tiến hành hơn 7.000 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 331 vụ việc và 624 người vi phạm (tăng 16% số vụ vi phạm so với năm 2022); đã xử lý hành chính 246 người; chuyển xử lý hình sự 2 người; kiến nghị thu hồi 45,2 tỷ đồng, đã thu hồi được 37,4 tỷ đồng.

Về chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển cán bộ, báo cáo Chính phủ thông tin, các cấp, ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác của 45.192 lượt cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Chính phủ, Thủ tướng cũng quán triệt các bộ, ngành, địa phương kịp thời thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết thời hạn bổ nhiệm. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện.

Vẫn theo báo cáo của Chính phủ, công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội được quan tâm, chú trọng.

Về kê khai tài sản, thu nhập cuối năm 2022, các cấp, ngành đã triển khai thực hiện nghiêm túc. Theo số liệu, đã có 60.458 người kê khai tài sản thu nhập lần đầu; 545.535 người đã kê khai tài sản thu nhập hằng năm; 44.015 người đã kê khai tài sản thu nhập bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản thu nhập phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai tài sản thu nhập.

Các cơ quan đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 với 13.093 người. Kết quả, có có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…

Đáng chú ý, qua kiểm tra có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Nhìn lại một năm qua cho thấy, các cơ quan chức năng đã xử lý hành vi tham nhũng một cách toàn diện, nghiêm minh. Các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng. Cơ quan điều tra đã khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can.

Tòa án đã xét xử sơ thẩm 562 vụ/1.207 bị cáo về các tội tham nhũng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm như: vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC); vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Vụ án kit xét nghiệm Covid-19 Việt Á...

Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Hàng nghìn tỷ đồng, hàng trăm nghìn mét vuông đất trong các vụ án tham nhũng được thu hồi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực còn có những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế. Tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp; phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài; tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà xảy ra ở cả khu vực ngoài Nhà nước, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Vì vậy, Chính phủ đưa ra hàng loạt nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó là ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…

Chính phủ cũng tiếp tục rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị; rà soát, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực