Tâm điểm dư luận

Hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Trung Nguyễn 21/07/2025 - 11:01

Từ đầu năm 2025 đến nay, mặc dù phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng, cấp bách, mang tính chiến lược, tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được triển khai quyết liệt, có nhiều chuyển biến mới.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã chủ động nhận diện, phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong các lĩnh vực gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế và tính mạng, sức khỏe của nhân dân, đến quyền lợi của người lao động; có sự câu kết, móc nối giữa doanh nghiệp, bị can với cán bộ thoái hóa, biến chất trong các cơ quan Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận; khởi tố, điều tra một số vụ án gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản Nhà nước, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa mạnh mẽ, theo đúng tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố mới 1.776 vụ/4.038 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, đã kết luận điều tra 07 vụ án/127 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 05 vụ án/87 bị can; xét xử sơ thẩm 07 vụ án/94 bị cáo; xét xử phúc thẩm 09 vụ án/221 bị cáo.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả. Riêng các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong giai đoạn điều tra, đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa, thu giữ số tài sản trị giá trên 313 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; đặc biệt, trong giai đoạn xét xử, nhiều bị cáo và gia đình tự nguyện nộp lại hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án..

Các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh đã chỉ đạo triển khai khá toàn diện các nhiệm vụ, cả phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Theo đó, đã đưa 53 vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo; các cơ quan chức năng địa phương đã xử lý kỷ luật 43 người đứng đầu do tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 21 trường hợp bị xử lý hình sự; đã khởi tố mới 416 vụ án/1.207 bị can về các tội tham nhũng, tiêu cực; nhiều địa phương đã xử lý kỷ luật, khởi tố bị can là cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý.

Một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực là phải hoàn thiện thể chế. Do đó, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý hoàn chỉnh là rất cần thiết, là một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng tiêu cực.

Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung chỉ đạo hoàn thành việc rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, quan điểm về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được ban hành từ đầu nhiệm kỳ XIII của Đảng đến nay. Tập trung hoàn thành việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi.

Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, có phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án, công trình chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí. Tập trung điều tra, phấn đấu xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đảm bảo đến hết nhiệm kỳ XIII cơ bản không còn tồn đọng những vụ, việc cũ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực liên quan đến công tác bố trí, sắp xếp cán bộ và quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong và sau sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Khẩn trương kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh và các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở các địa phương sau hợp nhất, sáp nhập;...

Chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động công vụ; khẩn trương xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia, tích hợp các dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm đồng bộ, liên thông, dễ khai thác, sử dụng để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán trên dữ liệu nhằm phát hiện, cảnh báo sớm, ngăn chặn kịp thời vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực