Tin địa phương

Hải Phòng: Xử lý 6 vụ việc tham nhũng, tiêu cực; đưa thêm 4 vụ vào theo dõi

Vũ Ba 12/01/2024 - 13:43

Ngày 11/1, TP. Hải Phòng có Thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố tại phiên họp thứ Năm.

Theo đó, tại phiên họp thứ Năm diễn ra vào chiều 10/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố (Ban Chỉ đạo) dưới sự chủ trì của ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã đánh giá tình hình, kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Cụ thể, năm 2023, Ban Chỉ đạo đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy kịp thời cụ thể hóa các chủ trương chỉ đạo của Trung ương và Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bằng các văn bản chỉ đạo cụ thể. Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng được triển khai đồng bộ, bài bản, hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật Nhà nước được đổi mới theo hướng thiết thực, cụ thể, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban Chỉ đạo ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác, Chương trình kiểm tra, giám sát, thành lập 06 Đoàn Kiểm tra chuyên đề và 03 Đoàn Kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xử lý. Ban Chỉ đạo đã chủ động rà soát, bổ sung 04 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi để tập trung chỉ đạo xử lý... góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố.

Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xử lý. Kết quả đến nay đã kết thúc xử lý 06 vụ việc, vụ án và đang hoàn thiện hồ sơ tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục kết thúc chỉ đạo đưa ra khỏi diện theo dõi gồm: Vụ án Bùi Văn Lức, nguyên cán bộ địa chính thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; vụ án “Tham ô” xảy ra tại Ban Quản lý Bến phà Gót thuộc Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng; vụ việc liên quan đến cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng; vụ việc liên quan đến Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng; vụ việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa 1236, phường Anh Dũng, quận Dương Kinh; vụ việc xảy ra tại Dự án Chợ đầu mối, quận Hồng Bàng.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý 05 vụ án, vụ việc gồm: Vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã Hưng Đạo, huyện Kiến Thụy (nay là phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh); vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Vườn Quốc gia Cát Bà; vụ việc thu hồi tài sản trong vụ án Lê Thị Hiền; vụ việc liên quan Dự án Làng biệt thự cao cấp Vạn Hương, quận Đồ Sơn; vụ việc liên quan Dự án Khu du lịch Quốc tế Hòn Dấu, quận Đồ Sơn.

phong-chong-tham-nhung.jpg
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố chủ trì phiên họp

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố cùng các cơ quan, đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chỉ đạo của Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy, Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành phố, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố cung đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể thực hiện.

Trong đó có một số nhiệm cụ quan trong như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của Trung ương, Thành ủy về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: thuế, đất đai, quản lý khai thác tài nguyên, vận tải, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, những lĩnh vực chuyên môn sâu; kiểm tra xác minh các thông tin phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố giác, tin báo có căn cứ về những hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực... Kịp thời phát hiện, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc tham mưu, ban hành các cơ chế, chính sách, quy định có nhiều sơ hở hoặc cài cắm lợi ích cục bộ, có “xung đột lợi ích”, “lợi ích nhóm” để tổ chức, cá nhân lợi dụng tham nhũng, tiêu cực.

Thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;.

Tập trung chỉ đạo hoàn thành việc xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xử lý; tiếp tục rà soát, đưa các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn thành phố vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi để tập trung chỉ đạo xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng: Xử lý 6 vụ việc tham nhũng, tiêu cực; đưa thêm 4 vụ vào theo dõi