Nguyên Chủ tịch HĐQT lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

Mạnh Hùng| 21/10/2018 09:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bỏ tiền ra để mua công ty “chết”, Trần Hữu Tiệp, Chủ tịch HĐQT MTM và đồng phạm đã tìm cách để doanh nghiệp này hoạt động như thật, rồi xâm nhập vào thị trường chứng khoán. Bằng thủ đoạn đó, các bị cáo trong vụ án này đã qua mặt hàng nghìn nhà đầu tư.

Mới đây, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử với bị cáo Trần Hữu Tiệp (SN 1983, trú tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (viết tắt là MTM) và 14 đồng phạm trong vụ án thao túng giá chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và giả mạo trong công tác liên quan cổ phiếu MTM.

Được biết, tháng 6/2016, cổ phiếu MTM (sàn UPCoM) bị thông báo ngừng giao dịch. Sau đó cổ đông phát hiện nhiều biểu hiện bất thường như Tổng cục thuế thông báo công ty ngừng hoạt động mà chưa đóng mã số thuế, hình ảnh công ty lấy của một công ty khác cùng ngành, trụ sở công ty là quán ăn... . Sau đó, cổ đông có đơn thư tới cơ quan công an đề nghị điều tra làm rõ.

Nguyên Chủ tịch HĐQT lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Trong quá trình điều tra xác định, Công ty cổ phần Mỏ và xuất khập khẩu khoáng sản miền Trung (mã MTM - sàn UPCoM) được thành lập từ năm 2007 có trụ sở ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An, với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Các cổ đông của công ty chưa góp vốn và Công ty cũng không tiến hành khai thác khoáng sản.

Đến năm 2010, Nguyễn Văn Dĩnh, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Nari Habico, mua lại hồ sơ Công ty MTM với giá 3 tỷ đồng.

Mặc dù công ty không hoạt động kinh doanh, không có vốn nhưng Nguyễn Văn Dĩnh vẫn tìm cách làm giả hồ sơ để đưa cổ phiếu MTM đăng ký giao dịch UPCoM. Bị cáo Dĩnh chỉ đạo các cá nhân Nguyễn Thị Hiên (em gái Dĩnh); Ngô Văn Hiến, Kế toán trưởng CTCP Đầu tư khoáng sản Tây Bắc (mã KTB) làm giả hồ sơ để đủ điều kiện niêm yết. Các bị cáo đã làm giả danh sách 103 cổ đông, làm giả chứng từ tăng vốn Công ty MTM lên 310 tỷ đồng, làm giả các hợp đồng mua bán, góp vốn chứng từ ngân hàng thể hiện Công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh, có lợi nhuận...

Các tài liệu này được sử dụng để hạch toán sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo thuế. Tháng 4/2014, Công ty MTM thuê  Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Thăng Long T.D.K; Công ty IFC - Thanh Hóa kiểm toán các báo cáo tài chính.

Mặc dù không trực tiếp làm việc với Ban Giám đốc, kế toán trưởng MTM, chỉ căn cứ vào hồ sơ, chứng từ được cung cấp, không soát xét kỹ hồ sơ nhưng các đơn vị kiểm toán vẫn đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Công ty MTM nộp hồ sơ gửi HNX để đăng ký niêm yết. Sự việc chưa xong thì Nguyễn Văn Dĩnh bị bắt trong một vụ án khác (tháng 5/2015).

Bị cáo Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công đã tiếp cận với vợ bị can Dĩnh để mua lại hồ sơ của Công ty MTM dù biết Công ty không có vốn, không hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lần này, Trần Hữu Tiệp hoàn thiện hồ sơ để đưa cổ phiếu MTM đăng ký giao dịch UPCoM, làm giả hồ sơ đại hội cổ đông, thay đổi nhân sự chủ chốt với nội dung Trần Hữu Tiệp làm Chủ tịch HĐQT, Phùng Thành Công làm Trưởng ban kiểm soát.

Sau khi cổ phiếu MTM đăng ký giao dịch UPCoM để thu hút các nhà đầu tư, Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công thống nhất để Công phụ trách và chỉ đạo cấp dưới sử dụng 59 tài khoản mở tại một số công ty chứng khoán mua bán cổ phiếu MTM khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm.

Khi vụ việc được chuyển sang cơ quan công an, cơ quan điều tra xác định có 1.064 người đứng tên sở hữu cổ phiếu MTM chịu thiệt hại số tiền 56 tỷ đồng.

Trong quá trình điều tra xác định bị cáo Trần Hữu Tiệp còn có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán cổ phiếu MTM. Bị cáo Tiệp bán cổ phiếu MTM cho một số cá nhân. Sau đó, cổ phiếu không lưu ký được, bị hủy đăng ký giao dịch nhưng bị cáo Tiệp không hoàn trả tiền mà chiếm đoạt.

Với hành vi phạm tội nêu trên, bị cáo Trần Hữu Tiệp bị truy tố xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng Phùng Thành Công đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra tách rút tài liệu, xử lý sau khi bắt được.

Tại phiên tòa xét xử vừa qua, do vắng mặt một số bị cáo được tại ngoại, một số luật sư đề nghị hoãn phiên tòa, triệu tập thêm một số cá nhân và bị cáo Trần Hữu Tiệp cũng có ý kiến đề nghị hoãn phiên tòa.

Cũng tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, trước khi phiên tòa diễn ra, Tòa án đã triệu tập hợp lệ các bị cáo, các bị hại, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nhưng tại phiên tòa vắng mặt nhiều bị hại, chỉ có gần 10 bị hại có mặt, và vắng mặt một số bị cáo tại ngoại, luật sư... . Do đó để đảm bảo quyền lợi các cá nhân, đơn vị, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, tiếp tục triệu tập các bị hại và những người khác

Căn cứ vào tình hình thực tế tại phiên tòa cũng như ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát, HĐXX TAND TP. Hà Nội đã hội ý và quyết định hoãn phiên tòa.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Chủ tịch HĐQT lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng