Ngày 25/4, lần đầu tiên Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã tổ chức gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi với hơn 300 thanh thiếu niên, trong đó nhiều em có quá khứ lầm lỗi, có nguy cơ vi phạm pháp luật, là công dân sinh sống trên địa bàn.
Buổi gặp gỡ đặc biệt có sự tham dự của đại diện VKSND quận, hơn 40 cơ sở giáo dục trên địa bàn quận, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp Hà Nội), lãnh đạo UBND 17 phường trên địa bàn quận Hà Đông.
Đây là một trong những Hội nghị quan trọng được Công an quận Hà Đông tổ chức, trên cơ sở báo cáo và được sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an quận Hà Đông và Quận ủy, UBND quận Hà Đông, hướng đến mục tiêu cao nhất là vì sự bình yên của con trẻ.
Theo thống kê, từ năm 2022 đến nay trên địa bàn quận Hà Đông xảy ra 23 vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến thanh thiếu niên, với 68 trường hợp đang là học sinh. Tổng kết cho thấy, chủ yếu các em vi phạm là do nhận thức còn hạn chế, thay đổi tâm sinh lý của lứa tuổi, ảnh hưởng của phim ảnh bạo lực, và những mặt trái của mạng xã hội…
Trong cuộc gặp gỡ đặc biệt này, nhiều em học sinh có quá khứ “bất hảo” đã chia sẻ chính câu chuyện của mình như bài học đắt giá. Điển hình, em B.C.Đ (sinh năm 2007, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) kể lại, năm 2022, trong một lần thách thức trên Facebook đã rủ thêm 26 bạn mang theo hung khí để đi đánh nhau. Sau vụ việc, cả hai nhóm gồm 48 người đã bị xét xử về tội "Gây rối trật tự công cộng" và "Cố ý gây thương tích". Hiện Đ. cho biết đã được Công an phường Phú Lương, chính quyền địa phương và gia đình giúp đỡ hòa nhập cộng đồng.
Hay em N.K.K (đang là học sinh một trường cao đẳng) có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phức tạp, không được sống cùng bố mẹ nên thiếu sự quan tâm, chăm sóc nên giao du với nhóm bạn xấu, thường xuyên bỏ học chơi game, đua đòi hút thuốc lá điện tử. Vì không có tiền để chơi game và mua thuốc lá điện tử, em đã theo bạn xấu rủ đi trộm xe máy để lấy tiền tiêu. Sau khi có hành vi vi phạm pháp luật, K. đã đến Công an phường Mộ Lao đầu thú. Do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, K. được Công an cho gia đình bảo lãnh về. Chia sẻ câu chuyện của mình, K. luôn cảm thấy có lỗi, tự răn mình.
Bà T.T.T.X là phụ huynh của một thanh niên đã gây ra tại nạn giao thông làm chết người khi không đủ tuổi được phép đi xe máy trên 50cc. Với sự giúp đỡ, quan tâm của lực lượng Công an, con bà đã vượt qua mặc cảm và thi đỗ đại học… Bà X. chia sẻ, các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là cần quản lý, nhắc nhở con em hơn nữa, làm bạn của con mỗi ngày.
Tại buổi gặp gỡ, bà Trần Kim Dung, Trưởng phòng Pháp luật hành chính - hình sự, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp Hà Nội) chia sẻ thêm các quy định về việc chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời, khuyến cáo rằng các em ở tuổi vị thành niên phải luôn nghĩ rằng không được vi phạm pháp luật, không được nghe đối tượng xấu rủ rê, xui dại là chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự.