Chỉ là tài xế lái xe thuê mới học đến lớp 8 nhưng Vương Thanh Lộc (SN 1972, quê Đồng Tháp) lại nhập vai “Bí thư Tỉnh ủy”, "Bộ trưởng" khiến nhiều Giám đốc cả tin sập bẫy.
Đây không phải lần đầu Vương Thanh Lộc phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật. Năm 2014, Lộc từng bị TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt 09 tháng tù vì lừa đảo.
Sau lần đầu phạm tội, chẳng những không sám hối, Lộc còn trượt dài, tiếp tục "ngựa quen đường cũ" và bị Tòa án tuyên phạt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo vào năm 2020.
Trong thời gian thử thách, Lộc cũng không ngán ngại, chẳng cần “ẩn mình chờ thời”, vẫn ngang nhiên thi triển các chiêu trò gian manh để thu gom tiền bạc bất chính.
Khoảng đầu tháng 3/2022, Lộc vô tình gặp lại sếp cũ là ông Lê Minh Tr. (ngụ TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Hơn 20 năm trước, ông Tr. từng làm Giám đốc Nhà máy ở Cao Lãnh, trong khi Lộc chỉ là thợ cơ khí.
Đến năm 2003, Lộc xin nghỉ việc nhà máy để chuyển sang làm tài xế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp, từ đó hai người bặt tin nhau.
Gặp lại sếp cũ tay bắt mặt mừng, Lộc “nổ” bản thân có quan hệ thông gia với Chủ tịch UBND tỉnh và có quan hệ thân thiết với Bí thư Tỉnh ủy. Lộc chủ động xin số điện thoại của ông Tr. để tiện liên lạc nhằm lừa đảo.
Trước tiên, Lộc mua một sim số điện thoại gọi cho ông Tr, giả giọng tự giới thiệu là Bí thư Tỉnh ủy rồi nói biết số do Lộc giới thiệu, muốn làm quen vói ông Tr. Ông Tr. cả mừng, thường xuyên gọi điện thoại nói chuyện rất “tâm đầu ý hợp”. Nhiều lần ông ngỏ ý muốn gặp mặt nhưng Lộc trong vai “Bí thư” đều viện lý do từ chối.
Thời gian này, ông Tr tâm sự với người quen là ông Phạm Hoàng A., (đang là Giám đốc doanh nghiệp) về việc mình quen biết Bí thư Tỉnh ủy, thường gọi điện trò chuyện nhiều lần, thậm chí đã “kết nghĩa huynh đệ”.
Ông A. nghe xong muốn làm quen nên xin số điện thoại và gọi nhưng “Bí thư” không nghe máy. Thực tế Lộc thấy số lạ nên từ chối nhận cuộc gọi. Sau đó Lộc gọi lại cho ông Tr. hỏi có cho ai số điện thoại không? Ông Tr. xác nhận cho một người bạn Giám đốc muốn làm quen với “Bí thư”.
Nghe xong, Lộc lại đưa ông A. vào “tầm ngắm”, liền chủ động gọi điện lại làm quen với ông A. Lộc tiếp tục giả danh Bí thư để trò chuyện, tâm tình với Giám đốc doanh nghiệp.
Một lần, Lộc nhập vai “Bí thư” gọi điện cho ông A. tâm sự việc mẹ bị bệnh tim, đang cần gấp số tiền lớn phẫu thuật, từ đó hỏi mượn tiền ông A. để lo cho mẹ. Ông A. nghe xong tưởng thật nên cảm động trước sự “hiếu thảo” và nói sẵn sàng đáp ứng.
Sau đó, ông A. nhiều lần chuyển tổng số tiền 310 triệu đồng cho "Bí thư". Đặc biệt tinh vi, Lộc còn cho một người đóng vai “tài xế Bí thư” đến gặp trực tiếp ông A. để nhận 40 triệu đồng. Điều đó khiến ông A. thêm tin tưởng.
Trong khoảng thời gian trao đổi với nạn nhân, Lộc biết được việc ông A. có ý định đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Tp. Hồ Chí Minh. Trong vai Bí thư, Lộc thêu dệt chuyện rất thân với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, đồng thời hứa sẽ giới thiệu để ông A. làm quen.
Sau đó, bị cáo Lộc sử dụng một số điện thoại gọi thẳng cho ông A. giả danh Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường rồi nói được Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp giới thiệu.
Ông A. tin tưởng là thật nên rất mừng. Vẫn với “chiêu” người thân bị bệnh, Lộc trong vai “Bộ trưởng” nói vợ đang điều trị bệnh tại Singapore, chi phí điều trị lớn nên hỏi mượn tiền ông A. Trong tháng 8/2022, ông A. nhiều lần chuyển tiền gửi Lộc trong vai “Bộ trưởng” 350 triệu đồng. Tổng số tiền Lộc lừa ông A. lên đến 660 triệu đồng.
Chiêu trò của Lộc sau đó bị ông A. phát giác nên tố cáo. Lộc bị bắt và bị TAND tỉnh Đồng Tháp xét xử sơ thẩm, phạt 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Lộc kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Vương Thanh Lộc bất ngờ kêu oan, cho rằng bị cáo không chiếm đoạt 310 triệu đồng khi giả danh “Bí thư Tỉnh ủy”.
HĐXX làm rõ các tình tiết và nhận định: Tại Cơ quan điều tra, Lộc khai nhận việc giả danh Bí thư Tỉnh ủy nhằm mục đích “mượn” tiền nhưng thực chất là chiếm đoạt tiền ông A. Sau khi giả danh Bí thư để phạm tội, bị cáo tiếp tục lấy giả danh Bộ trưởng để tiếp tục lừa bị hại.
Xâu chuỗi toàn bộ hành vi, từ khi bị cáo làm quen cho tới thời điểm chiếm đoạt tiền của bị hại là phù hợp với diễn biến thực tế hành vi phạm tội. Từ đó, HĐXX không chấp nhận trình bày kêu oan của bị cáo.
Với lần tái phạm này, Lộc bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó, HĐXX tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Vụ án khép lại, những người dự khán không khỏi băn khoăn trước sự “nhẹ dạ cả tin” khó ngờ của những doanh nhân. Chỉ với những cuộc điện thoại vu vơ cũng đủ khiến hai doanh nhân tin sái cổ.
Bài học cảnh giác từ vụ án là rất nóng hổi trong bối cảnh tội phạm công nghệ đang hoành hành phức tạp, mọi người cần chủ động phòng ngừa để không lâm cảnh “tiền mất tật mang”.