Hồ sơ vụ án

Cựu Chủ tịch FLC dùng thủ đoạn gì để thao túng chứng khoán?

Mạnh Hùng 10/04/2024 - 07:08

Theo chỉ đạo của anh trai là Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch FLC, hai người em gái là Trịnh Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế đã cấp 1.568 lần tiền khống để thao túng 5 mã cổ phiếu.

6466616d-5a1b-414b-a7a5-e59c7bca805b.png
FLC từng là 1 tập đoàn có nhiều dự án bất động sản lớn trên cả nước

Trong cáo trạng mới ban hành, truy tố 50 bị can vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty, đơn vị liên quan, cơ quan công tố đã chỉ ra thủ đoạn thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết và các em gái.

Theo cáo trạng, Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC - là cổ đông sáng lập và giữ chức chủ tịch HĐQT Công ty BOS (từ ngày 10/1/2011 – 20/8/2013).

Quá trình hoạt động, Trịnh Văn Quyết đã cử Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT FLC, đồng thời giữ nhiệm vụ tại 5 công ty thuộc tập đoàn này, Trịnh Thúy Nga - em gái của Quyết - làm Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty BOS để quản lý, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của công ty này theo chỉ đạo của ông ta.

Trong đó, có hoạt động cấp hạn mức sức mua (bằng hình thức cấp tiền khống) cho các tài khoản chứng khoán mở tại Công ty BOS để Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi bất chính.

Cáo trạng cho thấy, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế - em gái của Quyết - liên hệ với 45 cá nhân có quan hệ họ hàng, người thân ký giấy tờ, thủ tục để Huế thành lập 20 công ty và mở 500 tài khoản chứng khoán đứng tên các công ty và các cá nhân này. Sau đó, Huế sử dụng các tài khoản này để liên tục mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa, đóng cửa; đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh… nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.

Theo đó, với cổ phiếu AMD, từ ngày 26/5/2017 – 13/7/2017, thu lợi hơn 39 tỉ đồng; Cổ phiếu HAI thu lợi hơn 238,8 tỉ đồng (từ ngày 26/6/2017 – 9/2/2018); cổ phiếu FLC thu lợi bất chính hơn 397 tỉ đồng…

Để thực hiện thao túng các mã cổ phiếu trên, đầu giờ giao dịch hàng ngày, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế để Huế chỉ đạo Trịnh Thị Thúy Nga cấp khống tiền cho các tài khoản.

Theo đó, Huế gọi điện, nhắn tin cho Nga thông báo các số tài khoản thiếu tiền, cần được cấp hạn mức để đặt lệnh mua chứng khoán theo chỉ đạo của Quyết.

Nga tiếp tục chỉ đạo lãnh đạo Phòng dịch vụ chứng khoán cấp hạn mức mua khống cho các tài khoản đang thiếu tiền của Huế bằng cách đăng nhập vào phần mềm quản trị “BOS Floor Trading”, điền số tiền tương ứng theo yêu cầu của bị can.

Cáo trạng cho hay, từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/1/2022, Nga đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện 1.568 lần cấp khống tiền cho 79/141 tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng với tổng giá trị hơn 170.000 tỉ đồng.

Từ đó, Huế đặt 15.128 lệnh mua hơn 2,8 tỉ cổ phiếu của 5 mã chứng khoán trên, tổng giá trị hơn 46.000 tỉ đồng, trong đó đã khớp lệnh mua hơn 463 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị hơn 11.000 tỉ đồng, còn thiếu hơn 11.651 tỉ đồng.

Để hợp thức cho số tiền thiếu là hơn 11.651 tỉ đồng, trong 228 ngày giao dịch, kế toán của BOS đã ký 300 ủy nhiệm chi với tổng số hơn 24.000 tỉ đồng trình Nga, chuyển vào tài khoản của Công ty BOS, để Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam thanh toán bù trừ cho các tài khoản chứng khoán của khách hàng giao dịch tại BOS.

Trong thời gian diễn ra sai phạm trên, ngày 31/10/2019, Công ty BOS đã bị Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) xử phạt 125 triệu đồng về hành vi cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định. Song sai phạm này vẫn tiếp diễn với số tiền cấp khống lớn hơn, đến khi bị cơ quan điều tra, khởi tố.

Theo cơ quan công tố, ở hành vi trên, Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, chỉ đạo hai em gái và cấp dưới và các đồng phạm khác thực hiện việc cấp khống tiền để thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, ART, FLC thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu Chủ tịch FLC dùng thủ đoạn gì để thao túng chứng khoán?