Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài: Cần nhanh chóng giải quyết khiếu nại của công dân

Văn Vũ| 07/06/2018 09:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan Dự án đường TSN-BL-VĐN, khi các hộ dân còn chưa kịp vui mừng với lời xin lỗi của lãnh đạo địa phương, thì đã nhận được văn bản trả lời do ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM ký, với nội dung không thụ lý giải quyết khiếu nại.

Cấp trên xin lỗi, cấp dưới im lặng

Kết luận của Thanh tra Chính phủ số 158/KL-TTCP ngày 30/01/2011, về xác minh làm rõ nội dung phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TSN-BL-VĐN), đã làm lộ rõ hàng loạt sai phạm về việc chấp hành pháp luật liên quan đến việc đổi 5 khu đất lấy 1 con đường, cùng các bất cập về đền bù, giải tỏa.

Khi công trình chưa hoàn thành, chưa quyết toán thì Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh thời điểm đó là ông Lê Thanh Hải đã có ý kiến chỉ đạo Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh là dùng giá trị quyền sử dụng hơn 1 triệu m2 đất của 5 khu đất tại quận 10, quận 2, quận 9, để thanh toán cho giá trị khái toán này. Điều đáng lưu ý là cả 5 khu đất này đều chưa có quy hoạch tỷ lệ 1/500, nên giá trị quyền sử dụng đất chỉ tạm tính, nguy cơ gây thất thoát lớn cho ngân sách.

Để có mặt bằng thi công tuyến đường theo phương án tuyến có thay đổi do Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh tự quyết, không xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì nhà đất của hàng chục hộ dân đã bị thu hồi ngoài dự kiến, trong đó có các hộ dân phường 2, quận Tân Bình.

Dù giá trị khái toán của công trình là 340 triệu USD, với giá trị thi công khoảng 291 triệu USD, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 120 triệu USD, nhưng thực tế các hộ dân bị thu hồi nhà đất ngoài dự kiến vẫn liên tiếp khiếu kiện đòi quyền lợi khi chỉ một đoạn đầu từ Sân bay Tân Sơn Nhất đến ngã 5 Gò Vấp đã có ít nhất 3 mức giá bồi thường, hỗ trợ.

Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài: Cần nhanh chóng giải quyết khiếu nại của công dân

Các hộ dân bị thu hồi nhà đất ngoài dự kiến vẫn liên tiếp khiếu kiện đòi quyền lợi khi chỉ một đoạn đầu từ Sân bay Tân Sơn Nhất đến ngã 5 Gò Vấp đã có ít nhất 3 mức giá bồi thường, hỗ trợ.

Nhận thấy quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng, các hộ dân phường 2, quận Tân Bình đã nhiều lần kiến nghị được gặp lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh để cung cấp các chứng cứ, làm rõ bản chất khách quan của sự việc, vì rằng nhà đất của họ là hợp pháp nhưng lại không được bồi thường bằng mức giá mà 47 hộ dân phường 3, quận Gò Vấp, vốn có nguồn gốc là đất công viên Gia Định, là 77 triệu đồng/m2.

Sau nhiều năm ròng rã chờ đợi, chỉ đến khi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phải tiếp các hộ dân để thống nhất phương án giải quyết đúng pháp luật thì người dân mới được gặp ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.

Tại buổi tiếp công dân chiều 15/3/2017 được tổ chức tại Trung tâm triển lãm quận Tân Bình, khi được nghe trực tiếp nội dung khiếu nại của người dân thì ông Lê Văn Khoa đã ít nhất 3 lần xin lỗi người dân và giao cho cơ quan chuyên môn kiểm tra lại toàn bộ vụ việc để tham mưu phương án giải quyết đúng lý hợp tình. Nhưng sau đó, các cơ quan chuyên môn lại tiếp tục chọn giải pháp an toàn là im lặng và sử dụng văn bản cũ, hồ sơ cũ để tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo phương án giải quyết không phù hợp là không bồi thường cho các hộ dân phường 2, quận Tân Bình theo mức giá như mà 47 hộ dân phường 3, quận Gò Vấp đã được hưởng.

Tư duy cũ cho tình tiết mới

Việc giải quyết vẫn chỉ là công văn trao đổi ý kiến giữa các Sở ngành và UBND quận Tân Bình, còn các hộ dân vẫn không được tham khảo ý kiến theo tinh thần công khai minh bạch. Thực tế thì khiếu nại của công dân phường 2, quận Tân Bình là có cơ sở giải quyết với nhiều tình tiết mới như: Cùng một tuyến đường, có pháp lý nhà đất rõ ràng hơn, chỉ cách nhau một bức tường nhưng mức đền bù của quận Gò Vấp là 77 triệu đồng/m2 cho nhà đất có nguồn gốc là đất công viên, còn quận Tân Bình thì vẫn chưa thống nhất được diện tích thực tế, giá bồi thường.

Theo phương án tuyến đường rộng 60m thì nhà đất của các hộ dân phường 2 không nằm trong ranh thu hồi nhưng khi UBND TP. Hồ Chí Minh tự ý chẻ đôi thành hai nhánh đường nhỏ hơn thì 392 hộ dân lấn chiếm quỹ đất quy hoạch được 60m, với hàng trăm sổ đỏ được cấp sai pháp luật lại được cho phép tồn tại, còn nhà đất của các hộ dân đang khiếu nại thì lọt vào diện thu hồi ngoài dự kiến.

Một vấn đề khác là người dân không khiếu nại về hướng tuyến mới mà chỉ đề nghị mức bồi thường công bằng nhưng các cơ quan chuyên môn của UBND TP. Hồ Chí Minh vẫn lấy các văn bản cũ từ thời điểm trước khi Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra để lập luận rằng người dân vẫn khiếu nại về sai phạm hướng tuyến với hàng loạt văn bản, chỉ thị được liệt kê trong văn bản trả lời công dân để tham mưu cho cấp trên là khiếu nại của công dân không có cơ sở giải quyết.

Tư duy cũ, không dám nhìn thẳng vào sự thật này đã dẫn đến việc ngày 21/4/2008, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã ký Văn bản bản số 1686/UBND-TCD, với nội dung đi ngược lại toàn bộ nội dung kết luận của ông Lê Văn Khoa, cũng là Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh tại thời điểm tháng 3/2017.

Nội dung văn bản này cũng đi ngược lại các văn bản mà UBND TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đã giải trình với Thanh tra Chính phủ, không đúng tinh thần kết luận của Thường trực Chính phủ về đường hướng giải quyết 12 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài: Cần nhanh chóng giải quyết khiếu nại của công dân

Nhà đất bị thu hồi ngoài dự kiến, nhưng việc giải quyết theo tư duy cũ đã tạo ra vụ việc khiếu nại kéo dài của công dân phường 2, quận Tân Bình. 

Ngay sau khi nhận được Văn bản bản số 1686/UBND-TCD, tập thể các hộ dân phường 2, quận Tân Bình đã tiếp tục có đơn khiếu nại gửi Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, với nội dung đề nghị được đối thoại với ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Hồ Chí Minh để làm rõ bản chất sự thật của vụ việc theo tinh thần công khai, dân chủ.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Đào, cán bộ quân đội hưu trí, đại diện các hộ dân phường 2, khẳng định: Là những gia đình có truyền thống cách mạng, các hộ dân vẫn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân, trong đó có khiếu nại của công dân phường 2. Theo nội dung Kết luận của Thanh tra Chính phủ số 158/KL-TTCP ngày 30/01/2011 thì khiếu nại của công dân phường 2 là có cơ sở giải quyết vì tinh thần kết luận của Thanh tra Chính phủ là phải bảo đảm công bằng, khách quan đối với các hộ dân bị thu hồi nhà đất cho DA đường TSN – BL – VĐN. Kết luận này đã được Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận từ tháng 3/2011 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh thực hiện dứt điểm.

Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân, hạn chế hiện tượng tiếp khiếu kéo dài, theo ông Nguyễn Xuân Đào, Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh cần có văn bản đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ giao Vụ Giám sát thẩm định và xử lý sau thanh tra thành lập Tổ kiểm tra có sự tham gia của Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra kết quả thực hiện Kết luận số 158/KL-TTCP.

Nội dung kiểm tra cần được công khai cho công dân để tạo sự đồng thuận vì thời gian qua công dân và cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh vẫn không tìm được tiếng nói chung do các văn bản kiến nghị, văn bản tham mưu về chính sách bồi thường cho công dân phường 2, quận Tân Bình đều bị đóng dấu “MẬT”  dù về bản chất đây không phải là văn bản có cấp độ bảo mật.

Đây là việc làm không công khai, thiếu minh bạch, đi ngược lại tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ, không đúng hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ, không phù hợp chủ trương của Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài: Cần nhanh chóng giải quyết khiếu nại của công dân