Một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ lo ngại sự chậm trễ này có thể kéo theo tốc độ hoàn thành dự án Sân bay Long Thành, trong đó có các hạng mục thi công quan trọng là đường băng, nhà ga, đường dẫn vào sân bay Long Thành bị chậm tiến độ.
Về thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chính phủ trình Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và kéo dài thời gian giải ngân vốn đến hết năm 2024. Theo nghị quyết được ban hành trước đó, thời gian hoàn thành dự án là vào năm 2021.
Một số đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại sự chậm trễ này có thể kéo theo tốc độ hoàn thành dự án Sân bay Long Thành, trong đó có các hạng mục thi công quan trọng là đường băng, nhà ga, đường dẫn vào sân bay Long Thành bị chậm tiến độ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết, dự án sân bay Long Thành là một dự án trọng điểm quốc gia và ĐBQH khóa 14 quyết định là cho giải phóng mặt bằng một lần và phấn đấu đến năm 2021 hoàn thành đến nay đã chậm mất 2 năm tiến độ. Nguyên nhân đã được chỉ ra như đại dịch Covid-19, khó khăn thu hồi xác định chủ sử hữu đất…
"Tôi vẫn đánh giá sự nỗ lực cao của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên cũng phải có nhìn nhận với nhau rằng ai trong thời gian vừa qua ngoài hay năm 2021-2022 có tác động của đại dịch Covid-19 ra thì rõ ràng là ta đang có những nguyên nhân chủ quan trong tập trung lãnh đạo chỉ đạo sự quyết liệt để giải quyết kịp thời của dự án này", ông Thắng cho hay.
Theo Đại biểu Thắng, bây giờ giải phóng mặt bằng chậm mất 2 năm, Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục xin kéo dài thêm cho đến năm 2024 thì có nghĩa là dự án này về giải phóng mặt bằng phải chậm ít nhất là 3 năm so với kế hoạch.
"Như vậy sẽ gây rất nhiều hệ lụy đến kế hoạch hoàn thành dự án chung của Quốc hội, Chính phủ và chắc chắn sẽ tác động đến sự phát triển xã hội của quốc gia, nhất là khi xem dự án Cảng hàng không Long Thành là một trong dự án hạ tầng quan trọng phía Nam", ông Thắng nhấn mạnh.
Về hệ quả, ông Thắng bày tỏ sự ái ngại về đề xuất kéo dài dự án này khi chỉ còn 2 năm nữa để giải phóng mặt bằng, trong khi đó, khối lượng công việc rất là lớn, những việc khó và có thể nói là rất gai góc.
Vì vậy, theo đại biểu đoàn Quảng Trị, Chính phủ, Bộ GTVT, các địa phương muốn giải phóng mặt bằng nhanh thì cần nỗ lực cố gắng rất lớn, phải quyết tâm nhiều lần may ra chúng ta mới có thể hoàn thành dự án này.
"Tôi hy vọng là Chính phủ không thể đề xuất lùi thêm nữa", ông Thắng nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, vừa qua Chính phủ có đề nghị điều chỉnh tăng thời gian dự án giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư. Có những phần điều chỉnh tăng lên, có những phần điều chỉnh giảm đi và có sự thay đổi cơ cấu… Việc thay đổi đó là cần thiết để dự án hoàn thành tốt hơn.
Tuy nhiên, theo ông Cường, giải phóng mặt bằng chậm thì sẽ kéo theo nguy cơ dự án có thể bị chậm tiến độ. Để khắc phục vấn đề này, phải khắc phục tiến độ xây dựng các dự án song song, triển khai đồng thời khi có mặt bằng ngay, nhanh.
Trong dự án thành phần của dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư, phần chưa hoàn thành theo báo cáo của Chính phủ chủ yếu là công trình hỗ trợ tái định cư bên ngoài, không nằm ở hạng mục chính như nhà ga, đường băng.
"Tôi hy vọng, các hạng mục công trình chính vẫn theo đúng được tiến độ", ông Cường nói.