Quân đội Ấn Độ tuyên bố sơ tán dân khỏi ngôi làng gần với khu vực ngã ba giao với Ấn Độ, Trung Quốc, Bhutan và đưa binh sĩ thuộc quân đoàn số 33 đến tiếp quản.
Quân đội Ấn Độ vừa yêu cầu 100 người dân làng Nathang, cách khu vực tranh chấp Doklam khoảng 35 km, phải sơ tán ngay lập tức. Động thái này được coi là một biện pháp phòng ngừa cần thiết của quân đội Ấn Độ để tránh thương vong cho dân thường, trong trường hợp chiến tranh nổ ra.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ không ai chịu nhường ai ở khu vực biên giới tranh chấp. Tuy vậy, cũng có thông tin nói lệnh sơ tán được ban hành nhằm lấy chỗ cho hàng nghìn binh sĩ Ấn Độ thuộc quân đoàn 33 đến tiếp quản.
Bộ tư lệnh phía Đông của Ấn Độ xác nhận 3 sư đoàn thuộc quân đoàn 33, đã di chuyển từ Sukna, phía tây Bengal đến khu vực biên giới Trung - Ấn.
Mới đây nhất, tờ Trung Quốc Nhật báo (China Daily) đã đăng tải bài xã luận, tuyên bố đếm ngược thời gian chiến tranh và nói Ấn Độ nên rút quân khỏi cao nguyên Doklam trước khi quá muộn. Trung Quốc cũng được cho là đã điều 1.000 binh sĩ đến điểm nóng tranh chấp, tương đương quân số của một tiểu đoàn.
Quân đội Ấn Độ vừa yêu cầu 100 người dân làng Nathang phải sơ tán ngay lập tức
Căng thẳng Trung - Ấn bùng lên từ giữa tháng 6, khi quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp ở cao nguyên Doklam để xây dựng các công trình giao thông. Phản đối bất thành. Binh sĩ Ấn Độ can thiệp sau khi Bhutan gửi yêu cầu trợ giúp.
Từ khi xảy ra tranh chấp, Trung Quốc duy trì quan điểm yêu cầu Ấn Độ rút quân vô điều kiện. Trong khi đó, phía Ấn Độ đề xuất cả hai bên rút quân để bắt đầu đàm phán.
Với tình hình hiện nay, sức mạnh quân sự thực sự là ưu thế của Trung Quốc. So với Ấn Độ, Trung Quốc hơn hẳn cả về số lượng binh sĩ và vũ khí. Tuy nhiên, với ưu thế quân sự, không có nghĩa Bắc Kinh muốn tấn công quân sự Ấn Độ. Mối quan hệ thương mại lớn với New Delhi sẽ khiến Trung Quốc là bên chịu thiệt hại nếu chọn cách tấn công Ấn Độ dù là cuộc chiến tranh có quy mô như thế nào.
Hơn thế, do hai nước cùng sở hữu năng lực hạt nhân, Ấn Độ có thể chọn phương án tấn công hạt nhân nếu như Trung Quốc cố tình tấn công Ấn Độ. Nói cách khác, Trung Quốc hiểu rằng họ không thể chiến thắng Ấn Độ khi mà quốc gia này đang được một nhà lãnh đạo quả quyết như Thủ tướng Modi chèo lái.
Kể từ khi chính thức trở thành nhà lãnh đạo Ấn Độ, ông Modi đã từng bước tăng cường sức mạnh cho lục quân, không quân và hải quân quốc gia. Mới đây, chính phủ Ấn Độ đã quyết định chi 416 tỷ USD cho kế hoạch cải thiện và hiện đại sức mạnh quân đội có thời hạn 5 năm. Đây là chiến lược giúp Ấn Độ có thể đối phó với bất cứ cuộc chiến nào mà các quốc gia láng giềng phát động.
Tuy nhiên, trước khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội như hiện nay, chiến tranh không phải là phương án mà Ấn Độ lựa chọn. Nói cách khác, Ấn Độ cần giải quyết các tranh chấp chủ quyền bằng con đường đối thoại. Và trong hoàn cảnh hiện nay khi Trung Quốc đang cố gắng cân bằng cán cân quyền lực với Mỹ, một cuộc chiến với Ấn Độ sẽ gây ra những tác động tiêu cực lớn cho uy tín của Bắc Kinh trong khu vực. Đây là lý do khiến hai nhà lãnh đạo Trung - Ấn sẽ chọn con đường đối thoại để giải quyết cuộc xung đột ở Doklam trong thời gian tới.