Chuyển động

Những nghệ sĩ sakhi kandhei cuối cùng của Ấn Độ

Hà Mai 11/02/2024 - 07:00

Ấn Độ là một đất nước có nền văn hóa đặc sắc và lâu đời, là cái nôi của nghệ thuật múa rối của thế giới. Ngày xưa, các vở kịch rối được biểu diễn tại các sự kiện trọng đại, như mừng năm mới, đám cưới, các ngày hội… hoặc để xua đuổi tà ma và để cầu mưa trong thời gian có gió mùa.

Loại hình nghệ thuật ngàn năm tuổi và nguy cơ mai một

Nghệ thuật múa rối ở Ấn Độ đã có từ ngàn năm và chính vì thế không thể xác định rõ ràng nguồn gốc của nó mà chủ yếu dựa vào những câu chuyện thần thoại nói về tầm quan trọng của múa rối. Theo truyền thuyết, đấng tạo hóa Brahma đã ban sự sống cho Adi, nghệ sĩ múa rối đầu tiên, và để tạo ra con rối đầu tiên mua vui cho vợ ông là Saraswati. Tuy nhiên, do không hài lòng với kết quả, Brahma đã trục xuất người múa rối xuống trái đất.

muaroi1.jpg
Chỉ có bảy người đàn ông ở bang Odisha, Ấn Độ, còn biểu diễn loại hình nghệ thuật múa rối hàng thế kỷ được gọi là sakhi kandhei. (Ảnh: National)

Một truyền thuyết khác, thần Shiva, người bảo trợ cho nghề múa rối, và vợ của ông ta là Parvati đã bị thu hút bởi hai con búp bê bằng gỗ được một nghệ nhân tạo ra. Shiva và Parvati đã chui vào những con búp bê để chơi đùa và nhảy múa. Nhưng khi đã chán trò chơi này, họ đã bỏ đi để lại những con búp bê vô hồn khiến người nghệ nhân rất buồn. Sau đó, với sự giúp đỡ và phù hộ của các vị thần, người nghệ nhân đã nghĩ ra một hệ thống dây giúp những con búp bê có thể cử động, và thế là trò múa rối ra đời…

Ngồi trên mảnh sân đầy bùn bên ngoài nhà của mình ở một ngôi làng tại bang Odisha phía Đông Ấn Độ, hai nghệ sĩ múa rối Sirdhar Singh, 60 tuổi và anh họ của mình là Kedar Singh, 55 tuổi đang biểu diễn múa rối cho một đám đông nhỏ dân làng háo hức. Sirdhar nhanh chóng xỏ ngón tay vào găng tay để đưa các con rối nhảy theo nhịp trống của Kedar, sau đó cả hai người cùng hát một bài dân ca cho đám đông.“Cảm giác thật tuyệt vời khi mọi người vỗ tay cổ vũ chúng tôi, nhưng chúng tôi mong muốn có nhiều khán giả hơn”, ông Singh nói.

Màn trình diễn ngẫu hứng kéo dài khoảng 15 phút và kết thúc bằng một tràng pháo tay. Gia đình Singh rất vui mừng với sự cổ vũ này. Họ nói rằng đã lâu rồi họ mới có dịp thể hiện tài năng của mình. “Tôi từng hát và nhảy. Trước đây, mọi người thường khen chúng tôi rất nhiều. Họ yêu cầu chúng tôi biểu diễn cho họ nghe, nhưng giờ không còn nữa. Thật buồn”, anh nói.

Đến nay, chỉ có bảy nghệ sĩ vẫn còn thực hành loại hình múa rối sakhi kandhei có tuổi đời hàng thế kỷ của bang. Sakhi kandhei là một loại hình nghệ thuật còn rất ít người biểu diễn, trong đó những con rối gỗ ba mảnh được đeo như một chiếc găng tay. Khuôn mặt của búp bê được sơn bằng thuốc nhuộm tự nhiên với các màu xanh lam, xanh lá cây và vàng sáng. Đôi mắt của những con rối to và đầy biểu cảm. Người ta đội cho những con rối những chiếc mũ được làm thủ công tinh xảo và mặc cho chúng những trang phục dài thướt tha. “Chúng được làm bằng gỗ. Màu sắc cụ thể được sử dụng cho các nhân vật cụ thể. Ví dụ, mặt màu vàng dành cho Radha và màu xanh lam dành cho Krishna”, Sirdhar Singh nói.

Những con rối đóng vai các vị vua, hoàng hậu và các nhân vật khác trong truyện dân gian và thần thoại, và theo câu chuyện, những nhân vật sẽ được hóa thân thành vị thần Hindu Krishna và nữ thần Hindu Radha, biểu tượng của tình yêu, trên khắp Ấn Độ.

Ước vọng của những nghệ sĩ cuối cùng

Sakhi kandhei từng là một môn nghệ thuật phổ biến và thường được biểu diễn để giải trí, đặc biệt là cho trẻ em ở các làng quê. Những con rối kể những câu chuyện về tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa nông thôn, thần thoại và lịch sử. “Đây là một nghệ thuật lâu đời. Cha tôi biểu diễn nó, ông nội tôi và nhiều người đàn ông khác trong họ của chúng tôi là nghệ sĩ múa rối. Chúng tôi đã học được điều đó từ họ. Chính phủ từng tổ chức các chương trình cho chúng tôi. Chúng tôi biểu diễn ở các làng và nhận được gạo và tiền. Đây là cách chúng tôi kiếm sống”, Sirdhar Singh nói.

muaroi2.jpg
Những con rối thủ công được trang trí với màu sắc tươi sáng bằng cách sử dụng thuốc nhuộm tự nhiên. (Ảnh: National)

Những người nghệ sĩ biểu diễn rắn, ảo thuật gia và nghệ sĩ đu dây cũng tham gia cùng với loại hình nghệ thuật này. Đây được coi là nghề kiếm sống truyền thống trải qua nhiều thế hệ.

Ông Singh cho biết: “Các nghệ sĩ đã đi từ làng này sang làng khác, thị trấn, thành phố và thậm chí cả các bang khác nhau để biểu diễn múa rối và đổi lại họ kiếm được tiền cũng như thức ăn. Nhưng khi truyền hình ngày càng phổ biến vào đầu những năm 1980, nghệ thuật múa rối đã suy giảm đáng kể”.

Ông Singh cho biết, nó còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn sau sự ra đời của công nghệ hiện đại như máy tính, trò chơi điện tử và giờ đây là điện thoại di động và mạng xã hội. Các nghệ sĩ hầu như không còn biểu diễn nữa và nghề này đang lụi tàn, đồng nghĩa với việc ngay cả con cái của họ cũng từ chối tiếp tục truyền thống. “Với điện thoại di động, phim ảnh và các chương trình khiêu vũ, không ai còn quan tâm tới loại hình nghệ thuật này nữa. Không ai muốn xem nó nữa”.

“Bây giờ chỉ còn lại bảy nghệ sĩ múa rối. Nếu bảy người chúng tôi chết, nghệ thuật này sẽ chết cùng chúng tôi. Không có đứa trẻ nào muốn học nó. Các con tôi nói rằng chúng không muốn lang thang khắp nơi để kiếm tiền như tôi”, ông Singh nói. Các nghệ sĩ hàng chục năm được yêu mến và kính trọng vì tài năng của mình phải thất vọng và bất lực nhìn sự lụi tàn của múa rối. Tuy nhiên, họ vẫn hy vọng sẽ có nhiều buổi biểu diễn hơn, không chỉ để giữ cho nghệ thuật múa rối tồn tại mà còn tạo ra thu nhập lâu dài cho họ. Họ hi vọng chính phủ có thể làm nhiều hơn để giúp đỡ họ. “Nếu chính phủ giúp đỡ, chúng tôi có thể đào tạo trẻ nhỏ. Nếu múa rối không được biểu diễn thì loại hình nghệ thuật này sẽ chết. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của họ để tồn tại và giữ cho sakhi kandhei tồn tại”, Kedar Singh nói.

Khoa học công nghệ phát triển khiến giới trẻ dành nhiều thời gian cho mạng xã hội hơn, nghệ thuật múa rối dần lu mờ theo thời gian. Những nghệ sĩ như Kedar Singh vẫn đang hàng ngày mong có một xuất diễn để nghệ thuật của cha ông còn được sống. Và, “nếu như có phép màu, chúng tôi ước có tiền để mở trường dạy sakhi kandhei”, ông Kedar Singh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nghệ sĩ sakhi kandhei cuối cùng của Ấn Độ