Thai phụ mắc sốt xuất huyết tăng đột biến

Thảo Nguyên - Mai Thanh| 04/08/2017 21:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện nay, với thời tiết bất thường, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) đang có nhiều diễn biến phức tạp. Đáng nói có rất nhiều bà bầu bị nhiễm bệnh SXH có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi.

Đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con

TS.BS Đoàn Thu Trà - Trưởng phòng Nhiễm khuẩn tổng hợp, Phó khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, hiện khoa đang điều trị cho khoảng 10 bà bầu bị SXH và từ đầu vụ dịch đã có 3 ca chuyển dạ thành công “mẹ tròn con vuông” ngay tại bệnh viện Bạch Mai.

BS Trà cho hay, mới đây, Khoa truyền nhiễm đã kết hợp cùng Khoa Sản điều trị thành công, đảm bảo an toàn cho 2 sản phụ mắc SXH, đó là một sản phụ 37 tuần và một sản phụ thai 39 tuần.

Thai phụ mắc sốt xuất huyết tăng đột biến

BS Trà đang thăm khám cho một phụ nữ có thai mắc SXH  điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Ảnh: BVCC

Theo đó, sản phụ thai 37 tuần bị sốt cao, đã đi khám ở rất nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện ra SXH. Bệnh nhân đến BV Bạch Mai trong tình trạng sốt cao liên tục, đau bụng, tiểu cầu xuống thấp.

Tại đây, bệnh nhân đã được vào phòng cấp cứu, theo dõi đặc biệt. Trong quá trình chuyển dạ, các bác sĩ của Khoa Truyền nhiễm đã kết hợp cùng các bác sĩ của khoa Sản và khoa Huyết học liên tục truyền khối tiểu cầu cho bệnh nhân.

"Kết quả là một bé gái 2,8kg đã ra đời an toàn và sau đó người mẹ được trở về khoa Truyền nhiễm để tiếp tục điều trị. Đến ngày 3/8, bệnh nhân đã ổn định, tiểu cầu đã trở về mức an toàn và bệnh nhân sẽ được xuất viện trong ngày", BS Trà chia sẻ.

BS Trà cũng thông tin, trường hợp bệnh nhân thai 39 tuần sống trong vùng dịch tễ có SXH, nhập viện trong ngày sốt thứ 3. Sau 3 ngày theo dõi tại Khoa, bệnh nhân đã chuyển dạ sinh con an toàn. Chiều 4/8, bệnh nhân đã được đón về khoa để tiếp tục điều trị SXH.

Triệu chứng điển hình của bệnh

TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, hiện nay trung bình khoa có khoảng 70 bệnh nhân SXH trên tổng số gần 200 bệnh nhân điều trị nội trú. Trong số đó, 15-20 % là phụ nữ có thai.

Theo BS Cường, phụ nữ mang thai những tháng đầu bị SXH có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu. Đặc biệt, tình trạng tiểu cầu hạ có thể dẫn đến đẻ non và gây ra các biến chứng nặng như chảy máu khó cầm, rau bong non, tiền sản giật… dễ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.

"Một số trường hợp thai phụ ở giai đoạn cuối có dấu hiệu chuyển dạ, SXH dễ làm chảy máu cùng với đó là chảy máu trong lúc sinh nở sẽ dễ khởi động quá trình rối loạn đông máu, dẫn đến sốc mất máu, nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai nhi", BS Cường cảnh báo.

BS Cường lưu ý, điều trị các bệnh phối hợp nói chung và SXH nói riêng cho phụ nữ mang thai thường rất khó tiên lượng. Cần phải theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế có đầy đủ các chuyên khoa khác cùng phối hợp như sản, huyết học, hồi sức,... để kịp thời xử trí khi có biến chứng xảy ra.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên chủ động phòng ngừa SXH như dọn dẹp nơi muỗi sinh sôi, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, tránh chỗ nước đọng... Khi đi ngủ nhớ mắc màn. Khi ra ngoài buổi chiều tối nên mặc quần áo dài tay, xoa kem xịt, xịt chống muỗi...

Khi thai phụ có dấu hiệu sốt đột ngột, đau nhức mỏi người, đau đầu, chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da,... thì cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, hướng dẫn điều trị. Phụ nữ có thai không nên tự ý dùng thuốc hạ sốt khi chưa rõ nguyên nhân.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thai phụ mắc sốt xuất huyết tăng đột biến