Năm 2020, TP.HCM là 1 trong 46 địa phương trên cả nước được công nhận loại trừ bệnh sốt rét, trong các năm 2021, 2022, thành phố không phát sinh ca bệnh sốt rét nào.
Thông tin trên được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết ngày 24/4.
Theo HCDC, năm 2023, TP.HCM ghi nhận 21 ca sốt rét, chủ yếu là ca ngoại lai từ nước khác và ngoại lai tỉnh, không có ca tử vong do sốt rét, không có dịch sốt rét xảy ra.
Trước đó, năm 2020, TP.HCM là một trong 46 địa phương trên cả nước được công nhận loại trừ khỏi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Trong các năm 2021, 2022, thành phố không phát sinh các ca bệnh sốt rét nào.
Tuy nhiên, HCDC vẫn duy trì các hoạt động giám sát thường xuyên ca bệnh và côn trùng truyền bệnh cùng các hoạt động chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
HCDC khuyến cao, những trường hợp đi lao động, học tập ở các nước vùng Châu Phi hoặc các quốc gia, khu vực đang lưu hành bệnh sốt rét, vùng rừng núi… cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc dự phòng.
Khi trở về từ vùng có sốt rét lưu hành cần đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm tầm soát bệnh sốt nhằm phát hiện điều trị kịp thời khi có bệnh.
Theo HCDC, hiện nay, bệnh sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp tại Việt Nam, tập trung chủ yếu các khu vực có sốt rét lưu hành, đặc biệt ở các tỉnh: Lai Châu, Bình Phước, một số tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên và gần đây xuất hiện ở Khánh Hòa với số ca mắc tăng cao trong 3 năm gần đây.
Nhân Ngày Thế giới phòng, chống sốt rét (24/4/2024), Bộ Y tế đã nêu cao khẩu hiệu “Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam”.
Sốt rét là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi ký sinh trùng được truyền sang người thông qua các vết đốt của muỗi Anopheles bị nhiễm bệnh.
Sốt rét hiện chưa có vắc-xin dự phòng, việc phòng chống muỗi truyền bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Bệnh sốt rét nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ xuất hiện các biến chứng nặng – thể sốt rét ác tính và khi đó nguy cơ tử vong là rất cao.