Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi "thổi giá", tạo "sốt ảo", làm nhiễu loạn thị trường.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay, giá nhà ở tại TP.HCM đang ở mức cao so với khu vực và cả nước, với đa phần là phân khúc cao cấp, hiện không có nhà ở thương mại bình dân và nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp, dẫn đến việc người dân khó tiếp cận và sở hữu được nhà ở.
Về phía các chủ đầu tư, nguyên nhân khiến giá nhà cao được lý giải là do các vướng mắc pháp lý trong đầu tư xây dựng (như đầu tư, quy hoạch, đất đai, tín dụng), cùng với những ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế, tái cấu trúc kinh doanh và áp lực vốn.
Để kiểm soát và điều chỉnh giá nhà về mức dễ chịu hơn, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía, trong đó, chính quyền TP.HCM cần có một số giải pháp trọng tâm.
Đầu tiên, phải tăng nguồn cung nhà ở phù hợp với nhu cầu thực. Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở bình dân là giải pháp cốt lõi. TP.HCM cần ưu tiên quỹ đất, chính sách ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà ở thương mại giá thấp.
Theo Sở Xây dựng, nguồn cung nhà ở bình dân tại TP.HCM đang rất khan hiếm, trong khi nhu cầu luôn rất lớn. "Phát triển được những loại nhà ở vừa nêu sẽ cạnh tranh được với nhà ở thương mại giá cao hiện hữu là cách để người dân có thể tiếp cận được nhiều hơn nguồn nhà ở của TP.HCM", Sở Xây dựng TP.HCM cho hay.
Bên cạnh đó, TP.HCM tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho dự án, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, góp phần tăng nguồn cung nhà ở ra thị trường, qua đó giảm áp lực lên giá.
Đồng thời, rà soát và có biện pháp xử lý các dự án "treo", hỗ trợ doanh nghiệp gỡ khó, thúc đẩy xây dựng dự án để đưa vào sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực và tạo thêm nguồn cung.
Thứ hai, TP.HCM phải đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính và minh bạch thông tin. Sở Xây dựng cho biết, hiện nay, TP.HCM đã có quy hoạch chung, cần tăng cường tập trung giải quyết thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất, định giá đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản.
Do đó, Sở Xây dựng chủ trì sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư để minh bạch hóa thông tin về quy hoạch và dự án. Điều này giúp người mua có cái nhìn khách quan, tránh bị tác động bởi thông tin sai lệch gây "sốt ảo", "thổi giá". Người dân cũng được khuyến khích liên hệ trực tiếp với UBND xã, phường, đặc khu nơi dự án tọa lạc để tìm hiểu thông tin chính xác.
Đặc biệt, TP.HCM cần phát triển hạ tầng đồng bộ và mở rộng không gian đô thị. Với việc mở rộng địa giới hành chính (sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu), quỹ đất của TP.HCM sẽ tăng lên, từ đó có thể giúp hạ nhiệt giá nhà ở.
"Việc phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối thông suốt với các khu vực ngoại vi sẽ thúc đẩy sự phát triển của các khu đô thị vệ tinh. Điều này không chỉ mở rộng không gian đô thị, phân tán dân cư mà còn giúp giảm áp lực về nhà ở tại trung tâm, đưa giá nhà ở các khu vực mới trở nên hợp lý hơn", Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định.
Sở Xây dựng cũng đề xuất cần có các gói tín dụng ưu tiên cho nhà đầu tư triển khai xây dựng nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Đồng thời, cần bố trí các gói vay ưu đãi, lãi suất thấp cho người dân có thu nhập trung bình và thấp muốn mua nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại giá bình dân.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi "thổi giá", tạo "sốt ảo", làm nhiễu loạn thị trường.