Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) ở TP Huế vẫn ảm đạm, lượng giao dịch đất nền và nhà ở không tăng, thì nghịch lý đang diễn ra là hơn 1.100 căn nhà ở thương mại đang tồn kho, trong khi nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) của người dân lại rất lớn.
Theo Sở Xây dựng TP Huế, hiện trên địa bàn có 1.132 căn nhà thuộc các dự án bất động sản đủ điều kiện đưa vào giao dịch nhưng chưa có người mua. Dù thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và chính quyền TP Huế đã có nhiều động thái tháo gỡ khó khăn, như hạ lãi suất, rà soát các vướng mắc pháp lý và yêu cầu các ngành liên quan đề xuất giải pháp, nhưng thị trường BĐS tại Huế vẫn "giẫm chân tại chỗ”.
Một số dự án bất động sản trên địa bàn vẫn đang vướng nhiều khó khăn như: công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm; pháp lý phức tạp liên quan đến xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; và khó khăn lớn về nguồn vốn đầu tư.
Đặc biệt, giữa tháng 3/2025, Thanh tra TP Huế đã thanh tra 6 dự án BĐS lớn liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở tại Khu đô thị mới An Vân Dương. Một số trong số này có lượng lớn căn hộ đang tồn kho, làm gia tăng áp lực lên thị trường BĐS địa phương.
Trong khi đó, người dân TP Huế, đặc biệt là công nhân, người lao động thu nhập thấp, đang ngày càng cần những căn hộ NƠXH có giá phù hợp. Thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH” của Chính phủ, Huế đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 7.700 căn hộ NƠXH đến năm 2030. Riêng năm 2025, dự kiến xây dựng 1.200 căn hộ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tiến độ triển khai các dự án NƠXH còn khá chậm. Đến nay, TP Huế mới chấp thuận đầu tư cho 9 dự án NƠXH, trong đó chỉ có 4 dự án độc lập đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với 1.773 căn hộ. Các dự án còn lại chủ yếu sử dụng quỹ đất 20% trong các khu đô thị thương mại, song hiện mới chỉ có 1 dự án đang xây dựng, còn lại vẫn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư hoặc hoàn tất thủ tục giao đất.
UBND TP Huế đã yêu cầu các sở, ban ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án, đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện việc xây dựng NƠXH trên phần quỹ đất 20%. Nếu chủ đầu tư không triển khai theo đúng tiến độ, thành phố sẽ thu hồi đất và giao cho đơn vị khác.
Sở Xây dựng TP Huế cho rằng, việc triển khai NƠXH chậm do nhiều nguyên nhân. Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian. Các dự án đã giao cho chủ đầu tư thì chậm trong công tác chuẩn bị. Ngoài ra, còn có sự “lệch pha” giữa quy định cũ (Luật Nhà ở 2013) và quy định mới (Luật Nhà ở 2023), khiến việc xác định chính sách ưu đãi gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Thành - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS Cotana Capital cho biết, nhu cầu về NƠXH rất lớn nhờ giá thành rẻ, phù hợp với người có thu nhập thấp và công nhân trong các khu công nghiệp. Đơn cử, cuối tháng 5/2025, tại khu chung cư cao tầng thuộc khu B - Đô thị mới An Vân Dương, hàng trăm hồ sơ đăng ký mua NƠXH, nhưng chỉ có 108 hồ sơ đủ điều kiện xét duyệt. Vì số căn hộ ít, nên phải tổ chức bốc thăm để phân phối.
“Nếu mua nhà thương mại tại các khu đô thị hiện nay thì giá rẻ nhất cũng từ 3,5 đến 5 tỷ đồng/căn, hoàn toàn vượt ngoài khả năng của người lao động. Trong khi đó, giá mỗi căn NƠXH chỉ từ 1 đến 1,3 tỷ đồng – mức giá phù hợp với công nhân, người thu nhập thấp như tôi”, chị Thanh Phương người dân tại phường Thuận Hóa chia sẻ.
Nghịch lý “dư nhà ở thương mại – thiếu nhà ở xã hội” tại TP Huế đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có giải pháp đồng bộ, linh hoạt hơn. Trong đó, việc tháo gỡ pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời có cơ chế kiểm soát, xử lý mạnh tay đối với các chủ đầu tư chậm triển khai NƠXH là vô cùng quan trọng.
Thị trường bất động sản Huế chỉ có thể sôi động trở lại nếu đáp ứng đúng nhu cầu thực tế, phát triển sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của người dân, đặc biệt là tầng lớp thu nhập thấp. Nếu không nhanh chóng chuyển hướng, nguy cơ tiếp tục tồn kho bất động sản thương mại và thiếu hụt nhà ở xã hội sẽ ngày càng trầm trọng hơn.