Hai trường hợp mắc bệnh Whitmore (bệnh "vi khuẩn ăn thịt người") vừa được ghi nhận tại xã Hòa Sơn và xã Ea M'Đroh, tỉnh Đắk Lắk. Ngành Y tế Đắk Lắk đã ngay lập tức triển khai hàng loạt biện pháp để kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, hai bệnh nhân nam đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, tác nhân gây bệnh Whitmore.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân B.I.C (SN 1970, trú tại xã Ea M’Đroh, tỉnh Đắk Lắk). Bệnh nhân khởi phát triệu chứng sốt cao, khó thở từ ngày 11/6. Sau khi nhập Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán viêm phổi nặng trên nền bệnh lý đái tháo đường và tăng huyết áp, đến ngày 02/7, bệnh nhân được xác nhận mắc Whitmore.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân D.L.M (SN 1960, trú tại xã Hòa Sơn, tỉnh Đắk Lắk). Bệnh nhân nhập viện ngày 24/6 với các triệu chứng sốt, tiểu buốt và được chẩn đoán dương tính với vi khuẩn Whitmore vào ngày 30/6.
Bác sĩ H'Nuen Hđớk, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết: "Ngay khi tiếp nhận, chúng tôi đã điều trị tích cực cho hai bệnh nhân theo phác đồ của Bộ Y tế. Hiện tại, sức khỏe của cả hai đều ổn định và dự kiến có thể xuất viện trong 5 ngày tới".
Ngay sau khi xác nhận các ca bệnh, Sở Y tế Đắk Lắk đã ban hành công văn khẩn chỉ đạo toàn ngành siết chặt các biện pháp phòng chống. Công văn nêu rõ, yêu cầu các Trung tâm Y tế được yêu cầu đẩy mạnh giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, đặc biệt tại các vùng nguy cơ cao đã ghi nhận ca bệnh.
Chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, trang thiết bị, nhân lực để thu dung và điều trị tích cực, giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong.
Tuyên truyền sâu rộng đến người dân về các biện pháp phòng bệnh như hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn; sử dụng đồ bảo hộ khi làm nông; và đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi ngờ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh được giao nhiệm vụ tổ chức điều tra dịch tễ, phân tích nguy cơ tại các ổ dịch để đưa ra biện pháp phòng chống hiệu quả và kịp thời.
Bác sĩ Hoàng Nguyên Duy, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu tất cả cơ sở khám chữa bệnh phải tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Whitmore. Do bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, khó chẩn đoán nên các bệnh viện cần tăng cường hội chẩn để phát hiện sớm, tránh bỏ sót ca bệnh".
Bệnh Whitmore là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nên rất cần sự chung tay của toàn thể người dân, cùng với sự chủ động, quyết liệt vào cuộc của các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương.