Bị sùi loét vùng bẹn trái mãi không khỏi, nam thanh niên đến viện xét nghiệm chuyên sâu thì phát hiện bị bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore.
Ngày 2/4, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị mới chữa khỏi bệnh Whitmore cho một nam thanh niên.
Theo thông tin, bệnh nhân nam 36 tuổi (tại huyện Yên Định Thanh Hóa) tiền sử không có bệnh lý nền, xuất hiện khối tổn thương sùi loét vùng bẹn trái to dần đã được điều trị ở bệnh viện tuyến huyện nhưng không khỏi.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng sốt nhiều ngày, xuất hiện khối tổn thương sưng nề, hoại tử, chảy dịch, mủ, sùi, loét, nham nhở vùng bẹn trái gây đau nhức và hạn chế vận động chân trái.
Bệnh nhân nhanh chóng được thực hiện các biện pháp cách ly tại phòng bệnh riêng, làm các xét nghiệm, cấy máu định danh, phân lập vi khuẩn và chẩn đoán xác định nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (bệnh Whitmore) có nhiều ổ nhiễm khuẩn khu trú dạng hoại tử, loét, chảy dịch vùng bẹn trái.
Sau hơn 2 tuần điều trị các tổn thương, ổ sùi loét đã khô dần, miệng vết thương liền sẹo tốt, không còn biểu hiện rò dịch viêm, không có điểm hoại tử. Chiều 31/3, bệnh nhân được ra viện.
Được biết, đây là ca bệnh Whitmore thứ 2 được điều trị thành công tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa.
Bệnh Whitmore (hay còn gọi bệnh Melioidosis) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những trường hợp viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.
Bệnh lây truyền chủ yếu do tiếp xúc với nguồn đất, nước có chứa vi khuẩn qua các vết trầy xước ngoài da. Những người có sức đề kháng bị suy giảm, có bệnh lý nền như đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh gan, thận, bệnh phổi mạn tính có nguy cơ mắc bệnh cao.
Bác sĩ khuyến cáo, hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Để dự phòng bệnh, người dân cần chú ý đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng, không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm, sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay..) đối với những người thường xuyên làm việc, tiếp xúc với đất và nước bẩn.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm, nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời. Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn.