Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình ghi nhận 455 ca sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại 93 ổ dịch. Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, ngày 8/11, Sở Y tế Ninh Bình đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 6/11, tại Ninh Bình đã ghi nhận 455 ca SXHD (gồm: 135 ca nội tỉnh và 320 ca xâm nhập) tại 93 ổ dịch (trong đó có 76 ổ dịch đã kết thúc và 17 ổ dịch đang hoạt động). Đáng chú ý, có 52 ca mắc SXHD có dấu hiệu cảnh báo, 7 ca nặng và 2 ca tử vong (do biến chứng suy gan cấp và viêm cơ tim).
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, trong 2 ngày (8-9/11), Sở Y tế Ninh Bình thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXHD tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố: Kim Sơn, Yên Mô, TP. Ninh Bình và TP. Tam Điệp.
Đoàn kiểm tra, giám sát Sở Y tế Ninh Bình ghi nhận các đơn vị đã vào cuộc tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, bỏ sót các biện pháp phòng dịch cơ bản, như không làm sạch các dụng cụ chứa nước, không ngủ màn, chưa bảo đảm về công tác vệ sinh môi trường sống, môi trường sinh hoạt,…
Các đoàn kiểm tra đã khuyến cáo và đề nghị chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể phối hợp với ngành Y tế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống dịch SXH đến người dân. Tại các ổ dịch, phun khử trùng diện rộng, tổ chức khẩn cấp chiến dịch diệt loăng quăng; huy động toàn xã hội tham gia tổng vệ sinh, phát quang bụi rậm, làm sạch các dụng cụ chứa nước. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát ổ dịch, ca bệnh tại cộng đồng, kịp thời khoanh vùng, xử lý, không để lây lan rộng...
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, kịp thời ngăn chặn, xử lý các ổ dịch không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, hạn chế tối đa các trường hợp mắc nặng hoặc tử vong do SXHD, ngày 7/11, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Công văn số 889/UBND-VP6 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống SXHD, duy trì hoạt động 2 lần/tuần tại những địa phương có ổ dịch, 1 lần/tuần tại các khu vực có nguy cơ cao, 1 lần/2 tuần tại các khu vực còn lại.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy), phòng chống muỗi đốt. Khuyến cáo người dân nếu có các dấu hiệu nghi mắc SXHD cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương tham gia vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống SXHD. Tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch SXHD tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn.
Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch SXHD đặc biệt công tác giám sát, xử lý ổ dịch, công tác thu dung điều trị bệnh nhân. Thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh SXHD của tỉnh, đánh giá nguy cơ, báo cáo và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn.
Các đơn vị trực thuộc ngành Y tế thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình bệnh trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch SXHD hiện có và mới phát sinh, điều tra, xử lý kịp thời, triệt để các ca bệnh, ổ dịch tại cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.
Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến điều trị, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới khi có yêu cầu; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, theo hướng dẫn của Bộ Y tế…