Trợ giúp pháp lý cho trẻ em còn nhiều vướng mắc, bất cập

Hương Lan| 18/06/2015 05:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong 10 năm qua, việc thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý (TGPL) đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập cần giải quyết.

Kết quả đáng ghi nhận

Thực hiện Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015, từ năm 2011, Bộ Tư pháp có Công văn số 2910/BTP-TGPL tiếp tục chỉ đạo và đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường hơn nữa công tác TGPL cho trẻ em, trong đó chú trọng việc tăng cường bảo đảm quyền được TGPL cho mọi trẻ em, người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, để các đối tượng này đều được tiếp cận và được cử Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý thực hiện việc bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp ngay từ thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ án hình sự hoặc giai đoạn khởi kiện trong vụ án dân sự, vụ án hành chính.

Để tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý về bảo đảm quyền trẻ em trong hoạt động tố tụng hình sự, Bộ Tư pháp đã phối hợp với VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ký ban hành Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/07/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên.

Trợ giúp pháp lý cho trẻ em còn nhiều vướng mắc, bất cập

Luật sư đang trợ giúp pháp lý cho học sinh 

Cho đến nay, trong cả nước đã có 63 Trung tâm TGPL, 199 Chi nhánh của Trung tâm đặt tại cấp huyện và liên huyện, 4345 Câu lạc bộ TGPL để kịp thời giúp đỡ pháp luật cho trẻ em ngay tại địa bàn các em sinh sống. Tại các Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm, trẻ em được thực hiện TGPL bằng tất cả các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện tố tụng và các hình thức TGPL khác. Các Câu lạc bộ TGPL tại địa phương được lập ra để các em trao đổi những vướng mắc pháp luật.

Sau 10 năm thực hiện cung cấp dịch vụ TGPL cho trẻ em (2004 – 2014), toàn quốc đã có 56.979 vụ việc TGPL được thực hiện.  Nhìn chung, số lượng vụ việc TGPL cho trẻ em còn khá khiêm tốn so với số vụ việc TGPL đã thực hiện (chỉ chiếm 4,2% tổng số vụ việc được thực hiện). Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc đã giúp trẻ em là người được TGPL bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật quy định. Một số vụ việc được dư luận xã hội quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao như vụ cháu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Tháp); vụ cháu Nguyễn Hào Anh (Cà Mau); vụ cháu Hồ Thị Thúy Ngân (Bình Dương), vụ cháu Đặng Diễm Quỳnh (Hà Nội).

Qua công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp hằng năm cho thấy, phần lớn các vụ việc TGPL cho trẻ em được thực hiện đều đạt chất lượng tốt theo quy định của Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, đặc biệt, các vụ việc tham gia tố tụng đều được các Trung tâm phân công các Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên là Luật sư có nhiều kinh nghiệm thực tế, am hiểu tâm lý trẻ em để thực hiện việc TGPL.

Các giải pháp đồng bộ

Bên cạnh những kết quả như trên, trong quá trình thực hiện TGPL cho trẻ em đã phát sinh một số khó khăn vướng mắc. Quyền được TGPL của trẻ em tại một số địa phương, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và trong một số trường hợp đặc biệt chưa được bảo đảm thực hiện đầy đủ; tình trạng xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em và hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em vẫn còn nhưng chậm được phát hiện.

 Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức với Trung tâm, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ sở chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên; việc lồng ghép các hoạt động bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em với hoạt động TGPL chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức về quyền trẻ em còn hạn chế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, nhất là tại các địa phương còn thiếu sát sao.

Theo Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn, trẻ em được TGPL phải là người dưới 16 tuổi, không nơi nương tựa. Quy định này chưa thể hiện đầy đủ chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chính sách đối với người chưa thành niên phạm tội cũng như người chưa thành niên là nạn nhân của tội phạm và trong một số trường hợp đặc biệt. Kinh phí dành cho hoạt động TGPL cho trẻ em còn hạn chế, thậm chí không được cấp kinh phí riêng nên không khuyến khích được sự tận tâm, nhiệt tình của các cộng tác viên khi thực hiện TGPL cho trẻ em.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện TGPL cho trẻ em trong thời gian tới, theo Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, cần phải tiến hành khẩn trương, đồng bộ một số giải pháp như: Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm trẻ em là người dưới 18 tuổi cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật TGPL, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng trẻ em (người dưới 18 tuổi, không phân biệt điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, thành phần xuất thân, địa bàn sinh sống) đều có quyền được TGPL.

Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng ghi nhận và bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hoạt động tố tụng.

Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác thông tin, truyền thông về quyền được TGPL của trẻ em và pháp luật về trẻ em; tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ sở bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các trường học với tổ chức thực hiện TGPL trong thông tin, truyền thông và hướng dẫn trẻ em thực hiện quyền được TGPL cũng như trong thực hiện vụ việc TGPL hướng đến bảo vệ tốt nhất các quyền trẻ em.

Sớm tổng kết việc chỉ đạo thực hiện điểm các mô hình TGPL cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động TGPL cho trẻ em tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là kinh phí từ ngân sách địa phương; tiếp tục có giải pháp huy động các nguồn lực xã hội, nhất là hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế cho hoạt động TGPL cho trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trợ giúp pháp lý cho trẻ em còn nhiều vướng mắc, bất cập