Phóng sự - Ghi chép

Nghệ An: Độc đáo trò chơi dân dã của trẻ em người Khơ Mú

Gia Ân-Đình Tuân 19/12/2023 - 10:47

Thiếu sân chơi, không có nhiều sự lựa chọn như những đám bạn cùng trang lứa ở vùng có điều kiện thuận lợi, niềm vui sau những giờ học trên lớp của trẻ em vùng cao là những trò chơi vận động dân dã phù hợp với lứa tuổi. Trong đó trò chơi húc xà òng được trẻ em người Khơ Mú rất ưa thích.

Vui, khoẻ sau những giờ tan học

Bản Na Bè, xã Xá Lượng, huyện miền núi rẻo cao Tương Dương (Nghệ An) là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Khơ Mú. Đây là một trong những bản khó khăn nhất của xã Xá Lượng, đời sống người dân ở đây đang gặp nhiều khó khăn, nên cho trẻ em cũng chịu nhiều thiệt thòi.

anh-5.jpg
Các trẻ em ở bản Na Bè đang hào hứng với trò chơi yêu thích

Thiếu sân chơi nên trẻ em nơi đây không có nhiều sự lựa chọn như ở những vùng có điều kiện thuận lợi. Vì vậy, các em tự nghĩ ra các trò chơi cho mình như lúc thì nhảy dây, lúc khác lại nhảy cò, kéo co, bắn bi… Trong đó, có một trò chơi mà trẻ em nam hay chơi đó là húc xà òng.

Trò chơi húc xà òng là tên gọi của người Khơ Mú, dịch ra tiếng phổ thông là húc que, trò chơi này miền xuôi gọi là đánh khăng.

Sau những giờ học trên lớp, những đứa trẻ người Khơ Mú, bản Na Bè lại í ới gọi nhau đến khoảng đất trống trong bản để chơi trò húc xà òng. Cách chơi cũng khá giống với những nơi khác. Người chơi khi đến lượt mình sẽ lần lượt thực hiện các kỹ thuật cầy, mắm cho đến gà để ghi điểm tích lũy.

anh-2.jpg
Sau những giờ học trên lớp, những đứa trẻ người Khơ Mú, bản Na Bè lại rủ nhau đến khoảng đất trống trong bản để chơi trò húc xà òng

Khi đánh cầy hoặc gà, con đặt tại lò còn ở động tác mắm, người chơi cầm con đứng ở sát vạch ngang làm mốc để đánh. Khi một người tìm cách ghi điểm, đối phương sẽ cố gắng cản phá. Trường hợp bên cản phá bắt được con khi nó chưa chạm đất thì người đánh không được tính điểm cho lần đánh đó và mất lượt chơi. Khi bắt được con, người chơi sẽ ném con làm sao cho trúng cái… Đội nào thua sẽ bị hình phạt là hít đất.

Giúp các em biết tư duy, sáng tạo và tăng cường sức khỏe

Chứng kiến các em chơi, ta thấy được sự trong sáng, hồn nhiên và khỏe khoắn trong từng động tác. Tiếng nói, cười không lúc nào ngớt trong quá trình chơi, khiến cho không gian bản làng thêm phần vui nhộn. Không chỉ chơi trò húc xà òng, trẻ em nơi đây còn chơi bắn bi, kéo co, nhảy cò… tất cả đều được các em chơi rất thuần thục.

Qua đây, chúng ta mới thấy được sự thiếu thốn của các em về mọi mặt, nhưng hạnh phúc nhất là trong những khó khăn vất vả của đời thường không làm mất đi sự hồn nhiên, trong trắng của trẻ con. Trong tâm hồn của các em vẫn luôn bùng cháy lên những ước mơ, khát khao về cuộc sống tốt đẹp hơn, đủ đầy hơn.

anh-4.jpg
Mặc dù gặp không ít khó khăn trong vui chơi, cuộc sống nhưng không vì thế mà trẻ em vùng cao mất đi sự hồn nhiên, lạc quan vốn có ở độ tuổi các bé

Chẳng mấy khi biết đến điện thoại thông minh hay những món đồ chơi lung linh đắt tiền như trẻ em thành phố, trẻ em vùng cao lại có thể tự nghĩ ra những trò chơi tinh nghịch để vui đùa sau những giờ học trến lớp. Chính trong sự nghèo khó ấy cùng với óc biết tư duy, sáng tạo, những đứa trẻ này đã tự tạo cho mình món đồ chơi bằng các vật dụng, nguyên liệu sẵn có nơi các em sinh sống. Những trò chơi vận động này đã góp phần giúp các em tăng cường sức khỏe. Không chỉ chơi, trong lúc vui đùa cùng bạn, các em còn giúp bố mẹ trông em…

Vừa chơi với đám bạn, em Cụt Văn Chôm (học sinh lớp 6) vừa trông em. Chôm hồn nhiên chia sẻ: “Húc xà òng là trò chơi mà chúng cháu thường hay chơi sau khi đi học về. Ngoài ra, còn chơi các trò như bắn bi, nhảy dây, kéo co, chọi gụ”.

anh-3.jpg
Mặc dù gặp không ít khó khăn trong vui chơi, nhưng không vì thế mà trẻ em vùng cao mất đi sự hồn nhiên, lạc quan vốn có ở độ tuổi các bé

Em Mong Văn Thương (học sinh lớp 6) ở bản Na Bè, Xá Lượng, cho biết: “Húc xò òng là trò dễ chơi, dễ kiếm. Chỉ cần cầm dao lên rừng chặt 1 nhánh cây nhỏ mang về đẽo vỏ, rồi chặt thành 2 khúc, một khúc ngắn, một khúc dài là đã có để chơi”.

Hồn nhiên, gần gũi với thiên nhiên và gắn liền với cuộc sống là nét đặc trưng nổi bật của những trò chơi của trẻ em vùng cao. Mặc dù gặp không ít khó khăn trong vui chơi, nhưng không vì thế mà trẻ em vùng cao mất đi sự hồn nhiên, lạc quan vốn có ở độ tuổi các bé, thậm chí một số em còn có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn vươn lên học tập tốt hơn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Độc đáo trò chơi dân dã của trẻ em người Khơ Mú