Thanh Hóa: Chính quyền xã căng mình chống “cát tặc”

Thanh Phương| 21/09/2017 06:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 20/9 Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) Nguyễn Thế Ký cho biết, nhiều tháng qua, địa phương phải rất vất vả trong việc chống nạn cát tặc lộng hành. Xã cắt cử cán bộ, lập chòi canh, sắm tàu thuyền, túc trực 24/24 để bảo vệ từng tấc đất cho dân.

Thanh Hóa: Chính quyền xã căng mình chống “cát tặc”

Bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng do việc hút cát

Theo tìm hiểu của PV, cát tặc là vấn nạn nhức nhối của nhiều xã dọc sông Chu trên địa bàn huyện Thiệu Hóa. Những năm qua vì muốn bảo vệ diện tích đất canh tác, nhiều xã trên địa bàn huyện Thiệu Hóa phải tiết kiệm ngân sách, dốc toàn lực để ngăn chặn cát tặc.

Chúng tôi có mặt tại khu vực bãi bồi có chòi canh cát tặc của xã Thiệu Đô nằm sát sông Chu, gọi là chòi canh, nhưng cũng chỉ dựng tạm từ vài cây luồng rồi căng bạt nilông che mưa che nắng, chiếc giường kê tạm cho 7 người nằm ngủ. Được biết dù mưa hay nắng, kể cả trong cơn bão số 10 vừa qua, chòi canh lúc nào cũng phải có hai ba người vì chỉ cần sơ hở một chút, thuyền bè sẽ xông vào hút cát ngay lập tức. Những ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa gió, ngủ trong chòi cũng không khác gì ngoài trời.

Thanh Hóa: Chính quyền xã căng mình chống “cát tặc”

Lực lượng chức năng xã Thiệu Đô phải lập chòi canh

Cách đó chỉ chừng vài chục mét, men theo từng luống trồng dâu tằm là khu vực bãi bồi đã bị sạt lở nghiêm trọng, diện tích trồng dâu bị ăn sâu vào trong, từng tấc đất canh tác cứ dần bị hà bá cuốn trôi. Nhiều gia đình đã mang gạch đá ra đổ với mục đích ngăn chặn sạt lở, nhưng cũng không ăn thua, tàu thuyền cắm vòi rồng hút phía ngoài, theo quy luật đất sẽ sạt lở theo.

Không chỉ gây sạt lở về đất và hoa màu, cát tặc còn đe dọa đến cả tính mạng của những dân dám chống lại họ hay đi báo chính quyền. Bà Vũ Thị Năm, thôn 8 xã Thiệu Đô cho biết: “cát tặc đặt vòi vào bờ để hút, thấy vậy tôi và chồng tôi lấy đá ném vào tàu để chúng đi. Nhưng ngày hôm sau đã có một tốp người xăm trổ tìm đến nhà dọa dẫm. Tiếc của nhưng sợ nên đành chịu”.

Ông Lê Thọ Minh giãi bày: “Chúng hút cát làm sạt hơn 3 sào ngô nhà tôi, nhưng khi chúng hỏi ngô nhà ai, tôi không dám nhận, sợ chúng biết nó lại đến nhà uy hiếp, đe dọa”.

Thanh Hóa: Chính quyền xã căng mình chống “cát tặc”

Luôn có người theo dõi, giám sát 24/24

Ông Nguyễn Thế Ký, Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô cho hay: “Trên giấy tờ là mỏ cát của Công ty Sơn Đào. Năm 2013, Công ty được cấp phép khai thác, thế nhưng chỉ hút 3 tháng đã hết trữ lượng rồi tạm dừng, đến tháng 8/2015 huyện có thông báo cho hoạt động trở lại. Thống kê của xã từ năm 2013 tới 2016 diện tích sạt lở là 26.000 m2, đây là đất ngân sách của xã cho các hộ dân thầu để trồng dâu, ngô. Năm 2016 xã kiến  nghị lên huyện yêu cầu công ty đền bù diện tích đất đai, hoa màu bị sạt lở. Nhưng với lý do không bắt được tàu thuyền hút, nên công ty chỉ hỗ trợ 200 triệu. Chính quyền xã Thiệu Đô đã rất nhiều lần kiến nghị lên các ngành chức năng nhưng không có kết quả”.

Xã cũng đã đề nghị lên huyện rất nhiều lần để hỗ trợ phương tiện, lực lượng đẩy lùi cát tặc nhưng vẫn không thấy khả thi. Nhiều hôm xã điện lên huyện xin hỗ trợ, nhưng hai hoặc ba tiếng sau mới thấy cán bộ xuống, lúc đó tàu đã nhổ neo chạy xa cả chục km rồi. Chúng tôi đề nghị ngành chức năng đánh giá lại trữ lượng, xác định lại mốc giới, và tới tháng 3/2018 hết hạn giấy phép khai thác sẽ đóng cửa mỏ. Hiện tại khu vực hút không có phao chỉ giới nên rất khó để xác định ranh giới. Trong tháng 8/2017 xã đã bắt và xử phạt 8 tàu thuyền hút cát trái phép, nhưng chỉ xử phạt cao nhất mức 5 triệu nên không đủ sức răn đe.

Được biết, các đối tượng khai thác cát rất manh động, nếu thuyền của lực lượng xã Thiệu Đô ra bắt thì chúng kéo cả thuyền này đi luôn. Thậm chí các đối tượng xăm trổ, đầu trọc, tay lăm lăm hung khí sẵn sàng đe dọa, chống trả. Chính quyền đã rất nhiều lần kiến nghị lên các ngành chức năng hỗ trợ lực lượng, phương tiện, đồng thời xác định lại mốc giới đánh giá trữ lượng những vẫn không có hồi âm. Nếu cứ phó mặc cho chính quyền xã thì chắc chắn cuộc chiến với “cát tặc” sẽ không có hồi kết. Rất cần các cơ quan chức năng, công an huyện, phòng cảnh sát đường thủy chung tay vào cuộc một cách quyết liệt mới giải quyết triệt để tình trạng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Chính quyền xã căng mình chống “cát tặc”