Qua 12 phiên họp của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng (PCTN) và 16 phiên họp của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, với những thông báo được công bố rộng rãi làm nức lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân ta về những kết quả trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, việc quyết tâm xử lý các cán bộ cấp cao có sai phạm và dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái, khẳng định không có vùng cấm càng làm cho công tác chỉnh đốn Đảng có thêm bước tiến mới.
Thông tin trên báo chí cho thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật đã kết thúc điều tra, truy tố và xét xử 10 trong số 12 vụ án, xử lý 4 vụ việc cộm cán thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo, là những "đại án" liên quan tới Trịnh Xuân Thanh, Trầm Bê, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm…
Hình minh hoạ
Hơn 1 năm qua, kể từ sau khi phát giác Trịnh Xuân Thanh sử dụng xe sang gắn biến xanh và sau đó “quan tham” họ Trịnh bị bãi nhiệm tất cả các chức vụ, thu hồi các danh hiệu để rồi việc y bỏ trốn ra nước ngoài khiến việc xử lý Trịnh Xuân Thanh bị trục trặc. Trong thời gian này, các sai phạm, bê bối tiền bạc và tham nhũng liên quan tới một số cán bộ cấp cao gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Chống tham nhũng đã thực sự trở thành một cuộc chiến đấu không khoan nhượng song kết quả đạt được chưa như mong muốn. Đảng, Quốc hội, Nhà nước đánh giá chính thức rằng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. Một số vụ án do quy mô lớn và thời gian kéo dài từng khiến dư luận lo ngại sẽ “chìm xuồng”.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng Bí thư, người trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, những "đại án" đã được xét xử với các bản án nghiêm minh, đã tạo bước chuyển rõ rệt trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội: "Tôi cảm thấy kinh nghiệm đầu tiên là 6 tháng đầu năm nay tiếp tục đà của năm 2016 sau Đại hội. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ tẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong. Đây là kinh nghiệm rất quý. Tạo ra được xu thế, được phong trào mới là cơ bản.
Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.
Đúng là không có vùng cấm nào trong việc chống tham nhũng. Bất kỳ ai, ở đâu, cấp nào, trốn đến chân trời góc bể nào cũng đều có ngày bị xem xét xử lý trước pháp luật. Phương châm phòng chống tham nhũng đòi hỏi phải làm sao để quan chức không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng! Mục tiêu lâu dài này chỉ có thể đạt được khi quan chức không thể tham nhũng và dù đã lọt lưới ở cơ sở nhưng trước “chiếu tham nhũng kính” sẽ bại lộ chân tướng của bản thân và cả nhóm lợi ích như trong vụ Phạm Công Danh, Trầm Bê, Hà Văn Thắm…