Thực tế, sau khi cơ quan tố tụng quyết định ban hành kết luận, truy tố và đưa ra xét xử vụ án do Nguyễn Thị Thanh Nhàn chủ mưu, cầm đầu, có nhiều ý kiến băn khoăn về việc 8 bị cáo bỏ trốn vẫn bị đưa ra xét xử vắng mặt. Tuy nhiên, căn cứ vào những quy định của pháp luật và toàn bộ diễn biến quá trình tố tụng cho thấy, đây là quyết định phù hợp, kịp thời, quyết liệt trong giải quyết vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng này.
Áp dụng xét xử vắng mặt là đúng quy định
Sau khi Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 07 đồng phạm bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã thông báo và yêu cầu các đối tượng này trình diện hoặc đầu thú nhưng không có kết quả. Do đó, Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế, nhưng đến thời điểm xét xử vẫn không có kết quả.
TAND thành phố Hà Nội đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử và tiến hành thủ tục tống đạt quyết định theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, như: giao quyết định cho đại diện gia đình các bị cáo, luật sư bào chữa cho các bị cáo; niêm yết công khai tại nơi cư trú của các bị cáo và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, yêu cầu các bị cáo đầu thú, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm các bị cáo này vẫn vắng mặt.
Mặc dù các bị cáo trên vắng mặt, nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật và ban hành Kết luận điều tra vụ án; Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng và kết luận có đủ cơ sở để truy tố, đưa ra xét xử đối với các bị cáo, mà không ban hành quyết định tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án đối với các bị cáo này theo quy định tại các Điều 229, 247 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Do đó, TAND thành phố Hà Nội đã tiến hành xét xử vụ án, trong đó có 8 bị cáo bị xét xử vắng mặt (có 22 luật sư bào chữa cho 8 bị cáo này). Việc xét xử vắng mặt các bị cáo đang bỏ trốn và truy nã không có kết quả là phù hợp với khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Theo luật sư Nguyễn Huy Thiệp, đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng Việt Nam Tòa án tiến hành xét xử và tuyên án đối với bị cáo vắng mặt do đang bỏ trốn. Trong thực tiễn xét xử án hình sự, Tòa án các cấp cũng đã tiến hành xét xử vắng mặt nhiều bị cáo do bị cáo đang bỏ trốn. Việc xét xử như vậy là phù hợp quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp viện dẫn, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 162 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, sửa đổi, bổ sung năm 1990, 1992 cũng như điểm a khoản 2 Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, thì: Tòa án chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp “Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả”.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì Tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp “Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả”.
Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này như sau:
Theo hướng dẫn tại đoạn 5 điểm 3 Thông tư liên ngành số 03/TTLN ngày 7/1/1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ "Hướng dẫn thực hiện một số quy định về truy nã bị can, bị cáo trong giai đoạn truy tố và xét xử", thì: “Đối với trường hợp Tòa án có công văn yêu cầu truy nã, nếu hết thời hạn một tháng, kể từ ngày có công văn yêu cầu mà việc truy nã vẫn chưa có kết quả thì cơ quan điều tra ra lệnh truy nã cũng phải thông báo cho Toà án biết để Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vắng mặt người bị truy nã theo điểm a khoản 2 Điều 162 Bộ luật Tố tụng hình sự.”
Các bị cáo cố tình lẩn trốn khi mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã kêu gọi, động viên họ đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Như vậy, họ đã tự khước từ những quyền mà pháp luật đã quy định cho “Bị cáo”, với tư cách là người tham gia tố tụng tại Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp
Tại Phần II mục 14 Công văn số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 của Tòa án nhân dân tối cao, giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ, cũng nhắc lại hướng dẫn nêu trên của Thông tư liên ngành số 03/TTLN ngày 07/01/1995 và nhấn mạnh: “Trong một số trường hợp có nhiều bị cáo mà có bị cáo bỏ trốn, nếu khi xét xử có mặt bị cáo đó để đối chất thì việc xét xử thuận lợi hơn. Song không vì chưa bắt được bị cáo bỏ trốn mà Toà án không tiến hành xét xử. Mặc dù không có mặt bị cáo bỏ trốn để đối chất, nhưng Toà án cần công bố những lời khai của bị cáo bỏ trốn (nếu đã lấy được lời khai), căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra để xét xử”.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Nam Long, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trần Long và Cộng sự nhận định: Trong giai đoạn phát triển mới, một số đối tượng đã lợi dụng sự cởi mở của đất nước để bỏ trốn ra nước ngoài ngay khi dấu hiệu phạm tội bị phát hiện, gây cản trở hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Trong trường hợp vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, hầu như toàn bộ các đối tượng chính đều bỏ trốn từ trước khi khởi tố vụ án. Tuy nhiên, vụ án này có đặc thù là dù không có lời khai của Nguyễn Thị Thanh Nhàn và một số đối tượng, nhưng bản chất của vụ án đã được làm rõ, tội phạm đã được chứng minh bằng các chứng cứ có tính thuyết phục cao nên việc tách riêng đối với nhóm bị can/bị cáo này để chờ lời tự bào chữa của họ là không cần thiết. Không những vậy, việc tách riêng nhóm bị can/bị cáo này còn khiến cho việc giải quyết vụ án thiếu trọn vẹn, thiếu đầy đủ, thiếu tính lo-gic.
Còn Luật sư Hoàng Hướng, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng nêu quan điểm: “Trong một vụ án hình sự, có nhiều các giai đoạn tố tụng khác nhau, ngoài giai đoạn xét xử thì trước đó trong các giai đoạn khởi tố, điều tra và truy tố vắng mặt đối với người bị buộc tội. Trong vụ án AIC thì đây có lẽ là lần đầu, chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, xét thực tế yêu cầu nhiệm vụ và công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực thì có thể vận dụng khi mà các tài liệu chứng cứ đã chứng minh hành vi phạm tội đầy đủ”.
Chạy trời không khỏi nắng
Dù cố tình bỏ trốn để hòng tránh được sự trừng trị của pháp luật, tuy nhiên theo luật sư Nguyễn Huy Thiệp, việc các bị cáo cố tình lẩn trốn khi mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã kêu gọi, động viên họ đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Như vậy, họ đã tự khước từ những quyền mà pháp luật đã quy định cho “Bị cáo”, với tư cách là người tham gia tố tụng tại Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Ngày 4/1/2023, TAND TP Hà Nội xử sơ thẩm đã tuyên 8 bị cáo bỏ trốn với những mức án nghiêm khắc. Theo đó, Ngoài bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn lãnh án 30 năm tù, bị cáo Trần Mạnh Hà, Phó tổng giám đốc Công ty AIC, bị tuyên 25 năm tù cùng về 2 tội "đưa hối lộ" và "vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". 6 bị cáo còn lại đều bị tuyên phạm tội "vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Trong đó, bị cáo Đỗ Văn Sơn, cựu Kế toán trưởng Công ty AIC, bị tuyên phạt 6 năm tù; Nguyễn Thị Sen, cựu Giám đốc Công ty CP Thiết bị y tế và môi trường, bị tuyên phạt 30 tháng tháng tù; Nguyễn Thị Tích, Tổng giám đốc Công ty MOPHA, bị tuyên án 4 năm tù.
Bị cáo Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty nha khoa Việt Tiên, lĩnh án 4 năm tù; Nguyễn Đăng Thuyết, cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, bị tuyên án 30 tháng tù; Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa, bị tuyên án 5 năm tù. Tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo vắng mặt do bỏ trốn vì không đủ căn cứ và những quyết định tại bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Chia sẻ về việc xét xử vắng mặt đối với người phạm tội (đã có chứng cứ rõ ràng) đang bỏ trốn, ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, đây là tiền đề phục vụ cho việc truy bắt.
Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, khi chưa có bản án, công tác truy bắt đối với người phạm tội bỏ trốn sẽ gặp khó khăn; nhưng khi có bản án, đã xác định là tội phạm tham nhũng, sẽ không quốc gia nào dung thứ. Cũng vì thế, điều kiện truy bắt sẽ thuận lợi hơn.
Cũng thông tin về việc xét xử vắng mặt một số trường hợp trong thời gian vừa qua, ông Đặng Văn Dũng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, cho hay việc này sẽ mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở các vụ án khác, là cơ sở dẫn độ tội phạm.
Đây còn là cơ sở để có thể nghiên cứu, ban hành án lệ áp dụng trên cả nước về việc xét xử đối tượng phạm tội bỏ trốn; là điểm mới, nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc "có bỏ trốn cũng không được".
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 diễn ra chiều 04/7, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, bị án Đỗ Văn Sơn, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), một trong 08 người bị tuyên án vắng mặt và đang bị truy nã trong đại án AIC, đã về nước đầu thú. Bộ Công an tiếp tục kêu gọi các đối tượng trong vụ án AIC đang lẩn trốn sớm ra đầu thú để được hưởng khoan hồng cũng như thoát khỏi cảnh sống chui lủi, nơm nớp lo sợ và bất an.